Kiện đòi 22 triệu, ai dè... lỗ 298 triệu đồng

26/05/2016 07:16

Nguyên đơn kiện đòi bị đơn 22 triệu đồng, bị đơn phản tố, tòa sơ thẩm tuyên buộc nguyên đơn phải trả hơn 298 triệu đồng cho bị đơn.

Ngày 24-5, TAND TP.HCM đã hoãn xử phúc thẩm vụ kiện lao động để cho phía nguyên đơn bàn bạc phương án hỗ trợ cho bị đơn. Nguyên đơn vụ kiện này là Công ty Cổ phần Truyền thông Sao Thế Giới, còn bị đơn là ông Trương Duy Linh, vốn là người làm công cho công ty này.

Rút đơn kiện vẫn bị tòa níu áo

Theo hồ sơ, ngày 1-10-2013 Công ty Cổ phần Truyền thông Sao Thế Giới ký hợp đồng lao động thời hạn một năm với ông Trương Duy Linh. Công việc của ông Linh là quản lý dự án với mức lương 22 triệu đồng/tháng. Hết hạn, hai bên ký tiếp hợp đồng lao động mới, cũng có thời hạn một năm.

Phía công ty cho rằng ngày 15-1-2015 ông Linh tự ý bỏ việc, không báo trước nên công ty khởi kiện đòi ông Linh bồi thường 22 triệu đồng.

Qua quá trình tòa án giải quyết vụ việc, ông Linh được biết công ty có nộp cho tòa án quyết định cho ông thôi việc ký ngày 31-1-2015. Tháng 8-2015, ông Linh phản tố, yêu cầu công ty phải trả cho ông hơn 365 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các khoản tiền lương chưa được nhận, tiền lương tháng 13 và các khoản bồi thường do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.

Tháng 9-2015, Công ty Sao Thế Giới rút đơn khởi kiện. Tòa án đã đình chỉ yêu cầu khởi kiện của công ty nhưng vẫn tiếp tục giải quyết nội dung phản tố của ông Linh.

Tại các buổi hòa giải, công ty đồng ý bồi thường cho ông Linh 30 triệu đồng, sau đó lên 37 triệu đồng nhưng ông Linh không đồng ý.

Từ người bị níu áo, ông Trương Duy Linh trở thành người thắng kiện. Ảnh: LỆ TRINH
Từ người bị níu áo, ông Trương Duy Linh trở thành người thắng kiện. Ảnh: LỆ TRINH

Và bị thua kiện gần 300 triệu đồng

Theo công ty, sau khi ông Linh bỏ việc hai bên có trao đổi qua lại bằng thư điện tử thỏa thuận về việc ông Linh đồng ý nghỉ việc. Ngày 11-3-2015, theo yêu cầu của ông Linh, hai bên có buổi hòa giải thành tại Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú. Theo đó, công ty đồng ý trả cho ông Linh 37 triệu đồng và ông Linh đồng ý nghỉ việc.

Trong khi đó, ông Linh cho biết mình bị công ty đuổi ra không cho làm việc. Ông nghỉ vài ngày rồi quay lại làm khai báo thuế cho công ty. Tiếp đó công ty lại không cho ông vào làm việc nên ông gửi đơn đến Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú yêu cầu hòa giải. Sau khi hòa giải thành, công ty không thực hiện lời hứa mà đã quay lại kiện ông.

Xử sơ thẩm hồi tháng 2-2016, TAND quận Tân Phú nhận định: Ngày 31-1-2015, công ty ra quyết định cho ông Linh nghỉ việc (ngày 1-3-2015 bắt đầu nghỉ) nhưng đến 11-3 vẫn chưa giao quyết định nghỉ việc cho ông Linh là vi phạm về thời hạn báo trước, quy định tại Điều 38 BLLĐ năm 2012. Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú cũng xác nhận đến ngày 11-4 cơ quan này chưa nhận được quyết định cho thôi việc của công ty.

Về lý do cho thôi việc, công ty cho rằng có thỏa thuận của ông Linh. Tuy nhiên, công ty không cung cấp được văn bản thỏa thuận trước ngày ra quyết định cho thôi việc. Ngày 11-3-2015, hòa giải tại Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú cho kết quả: chậm nhất ngày 20-3 công ty sẽ trả cho ông Linh hai tháng tiền lương, có quyết định thôi việc và chốt sổ bảo hiểm. Hết hạn hai bên vẫn chưa có phương án giải quyết. Công ty không trả tiền mà lại đi kiện người lao động.

Từ những nhận định trên, TAND quận Tân Phú đã tuyên buộc công ty phải trả tổng cộng các khoản hơn 298 triệu đồng.

Không đồng ý với kết quả này, công ty kháng cáo.

Có thể còn phải tốn thêm nữa

Ngày 24-5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm. HĐXX chất vấn công ty “Tại sao thỏa thuận rồi, không trả tiền cho ông Linh mà quay ngược lại đi kiện? Công ty thấy có hợp lý không?”.

Đại diện công ty trả lời công ty đã nhiều lần mời ông Linh đến để trả tiền, rằng công ty đã đếm tiền đầy đủ để sẵn đó mà ông Linh không đến. “Vì công ty có thuê một luật sư nghiên cứu hồ sơ, vị luật sư này bảo phải đi kiện người lao động. Công ty làm theo nhưng sau khi lãnh đạo công ty nghiên cứu lại toàn diện các nội dung vụ việc thì thấy không đúng nên quyết định rút đơn. Về quyết định cho thôi việc, công ty cho biết ban hành sau ngày hòa giải thành 11-3 nhưng theo yêu cầu của ông Linh, công ty đã lùi lại ngày 31-1”.

Tòa hỏi ông Linh: “Theo biên bản hòa giải thành, ông cũng đã đồng ý nghỉ việc. Vấn đề ở đây là công ty đã không thực hiện theo thỏa thuận. Lẽ ra ông phải kiện yêu cầu công ty thực hiện thỏa thuận đã hứa chứ sao lại đòi bồi thường hơn 300 triệu đồng?”.

Ông Linh bức xúc: “Tôi là lao động chính trong gia đình. Công ty cho tôi nghỉ việc đúng lúc vợ tôi chuẩn bị điều trị căn bệnh ung thư. Cuộc sống gia đình tôi gần như rơi vào bế tắc. Tại Phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú, công ty hứa bồi thường 37 triệu đồng, tôi đồng ý nghỉ để có thêm tiền mà lo cho vợ. Nhưng công ty hứa rồi nuốt lời, bấy nhiêu tiền đó mà đày tôi đi tới đi lui biết bao nhiêu lần. Gọi tôi tới cho chờ rồi kêu lãnh đạo bận họp. Nhiều lần như vậy. Cuối cùng không trả tiền mà còn đi kiện tôi. Bất đắc dĩ tôi phải phản tố…”.

Trước hoàn cảnh của ông Linh, HĐXX phúc thẩm đề nghị công ty hỗ trợ thêm cho ông Linh. Đại diện công ty cho biết không thể tự quyết định mà phải xin ý kiến lãnh đạo. Vì vậy, tòa quyết định tạm hoãn để công ty có thêm thời gian bàn bạc phương án hỗ trợ ông Linh.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải báo trước

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất ba ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

(Trích khoản 2 Điều 38 BLLĐ)

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kiện đòi 22 triệu, ai dè... lỗ 298 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO