Kiến nghị sửa sai chế độ hưu trí của cụ ông 92 tuổi: Những căn cứ mới
(Baonghean) - Liên quan đến sự việc cụ Phạm Anh Tuấn (92 tuổi) kiến nghị sửa sai chế độ hưu trí của bản thân, người thân của cụ sưu lục được hồ sơ của một cán bộ cùng chức vụ, nghỉ hưu trong cùng thời điểm Nhà nước thực hiện cải cách chế độ tiền lương, để qua đó, các cơ quan chức năng có sự đối sánh.
RÕ THÊM THIỆT THÒI
Gửi cho chúng tôi lá đơn kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn (lần 5), bà Phạm Thị Tuyết (con gái cụ Tuấn) thông tin: sau khi Báo Nghệ An đưa ra đề xuất tìm người có cùng chức vụ, nghỉ hưu cùng thời điểm để có sự đối sánh thì gia đình đã may mắn tìm được một người như vậy.
Đó là cụ Hoàng Văn Hạnh, SN 1932, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, nguyên là Chủ nhiệm Cửa hàng Dược phẩm Quỳ Hợp. Cụ Hoàng Văn Hạnh có thời gian 7 năm làm Chủ nhiệm (từ tháng 7/1977 đến tháng 7/1984), sau đó được nghỉ hưu theo chế độ.
Về hồ sơ, tài liệu liên quan chế độ hưu của cụ Hoàng Văn Hạnh, cơ bản đầy đủ, nhất là tài liệu các lần Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định số 235 (năm 1985), Nghị định số 27 (năm 1993)…
Cụ Phạm Anh Tuấn. |
Cụ thể như tại Phiếu điều chỉnh lương hưu - trợ cấp ngày 1/10/1993 của cụ Hoàng Văn Hạnh, mức lương chính được điều chỉnh có lý do “Điều chỉnh lương lãnh đạo theo Nghị định 27”. Từ mức lương cũ là 310, cụ Hoàng Văn Hạnh được điều chỉnh tăng lên mức 420. Từ ngày 1/4/1993, cụ Hoàng Văn Hạnh được nhận lương hưu mỗi tháng là 170, 974 đồng.
Như Báo Nghệ An đã thông tin ở các bài viết “Cần giải quyết thấu lý, đạt tình một kiến nghị hy hữu về chế độ hưu trí” (Báo in số ra ngày 19/9/2019); “Hy hữu chuyện cụ già 92 tuổi kiến nghị sửa sai chế độ hưu trí” (báo điện tử ngày 4/10/2019). Dẫn đến có sai sót trong chế độ hưu trí của cụ Phạm Anh Tuấn là bởi trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1987, cơ quan chức năng chuyển chế độ lương hưu của cụ từ chức danh Cửa hàng trưởng, xuống chức danh cán bộ Dược phẩm thường (năm 1985 được xếp lương mức 281; đến năm 1987 hạ xuống mức 272). Chính vì vậy, việc điều chỉnh lương chính theo Nghị định số 27 (năm 1994) đối với cụ Phạm Anh Tuấn chỉ từ mức 281 tăng lên mức 346; lương hưu hàng tháng được nhận sau khi có điều chỉnh là 125, 728 đồng.
So sánh thang bảng lương của cụ Hoàng Văn Hạnh với cụ Phạm Anh Tuấn, dù hai người từng cùng công tác ở một đơn vị, cùng giữ chức vụ Cửa hàng trưởng trong khoảng thời gian như nhau, vậy nhưng thấy rõ sự chênh lệch quá lớn.
Một người được hưởng mức lương 420, trong khi người kia chỉ là mức 346. Thời điểm năm 1994, lương hưu thực nhận giữa cụ Hạnh và cụ Tuấn có chênh lệch lên đến 45,246 đồng/tháng. Còn hiện tại, lương của cụ Hoàng Văn Hạnh là 5.236 triệu đồng/tháng; trong khi lương của cụ Phạm Anh Tuấn chỉ là 3.996 triệu đồng/tháng (số liệu lương tháng 9/2019).
Phiếu điều chỉnh lương hưu - trợ cấp năm 1994 của cụ Phạm Anh Tuấn (trái) và phiếu điều chỉnh lương hưu - trợ cấp năm 1993 của cụ Hoàng Văn Hạnh. |
Tại đơn kiến nghị lần 5, cụ Phạm Anh Tuấn viết: “Việc cơ quan nhà nước năm 1985 đã làm sai dẫn đến mất chế độ lương hưu của tôi quá lâu, gây ra thiệt thòi quá lớn. Với thời gian 4 năm liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước và mòn mỏi chờ trả lời đơn, tôi thấy các cơ quan không đưa ra được chứng cứ, cơ sở nào thuyết phục để trả lời đơn của tôi. Nay tôi đã tìm được một nhân chứng sống, có đầy đủ bằng chứng, thông tin đảm bảo cơ sở pháp lý chứng minh việc khiếu nại của tôi là có cơ sở. Mong rằng các cơ quan chức năng thiện tâm, thiện chí, nhiệt tình xem xét giải quyết, trả lại công bằng cho tôi…”.
CẦN SỚM SỬA SAI
Ngày 7/10/2019, PV Báo Nghệ An có buổi làm việc với bà Lê Thị Dung - Phó Giám đốc BHXH tỉnh và các cán bộ liên quan của cơ quan này. Đưa ra toàn bộ hồ sơ lương hưu của cụ Phạm Anh Tuấn, các cán bộ BHXH tỉnh cho hay, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp cùng Sở LĐ,TB&XH thực hiện kiểm tra, rà soát để trả lời kiến nghị. Dù vậy, việc trả lời kiến nghị vẫn chưa được cụ Tuấn đồng tình, và cụ tiếp tục có đơn kiến nghị mới, có những tình tiết phát sinh. Để kiểm tra, làm rõ một nội dung đã qua hàng chục năm sẽ mất nhiều thời gian, nhưng quan điểm của BHXH tỉnh là sẽ tiếp tục tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan để kiểm tra. Nếu phát hiện có sai sót, những nội dung thuộc thẩm quyền sẽ xem xét giải quyết, những nội dung vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị cấp trên có chỉ đạo hướng dẫn.
"BHXH tỉnh sẽ quan tâm, ưu tiên dành thời gian để thực hiện giải quyết kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn"
Trao đổi với các cán bộ BHXH tỉnh về những nội dung Báo Nghệ An đã đăng tải; đồng thời thông tin việc gia đình cụ Phạm Anh Tuấn tìm được nhân chứng sống là cụ Hoàng Văn Hạnh, chúng tôi đề nghị cơ quan BHXH bên cạnh việc tiếp tục kiểm tra, rà soát và thực hiện phương pháp đối sánh.
Tiếp nhận những thông tin PV Báo Nghệ An trao đổi, cung cấp thêm, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, bà Lê Thị Dung nói rằng sẽ sắp xếp lịch làm việc với Sở LĐ,TB&XH để tiếp tục kiểm tra, rà soát, sau đó sẽ có văn bản trả lời. “BHXH tỉnh sẽ quan tâm, ưu tiên dành thời gian để thực hiện giải quyết kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn…” - bà Lê Thị Dung trao đổi.
Cụ Phạm Anh Tuấn và con gái - bà Phạm Thị Tuyết. |
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc cùng đại diện BHXH tỉnh, chúng tôi đề nghị được cung cấp Văn bản số 91/BHXH-QLC năm 2001 của BHXH Việt Nam về việc điều chỉnh đối với trường hợp phát hiện do làm sai chính sách cho người hưởng chế độ trước tháng 10/1995.
Văn bản này có quy định: “Mức trợ cấp được điều chỉnh của đối tượng thực hiện từ ngày ra quyết định, không truy lĩnh đối với đối tượng được điều chỉnh tăng lên hoặc không thu hồi đối với đối tượng phải điều chỉnh giảm xuống” như Sở LĐ,TB&XH đã báo cáo UBND tỉnh tại Văn bản 3002/LĐTBXH-LĐ ngày 25/8/2018. Đồng thời tại đây có thông tin, các quy định tại văn bản đã có ý kiến thống nhất của các Bộ LĐ,TB&XH (Công văn số 3779/LĐTBXH-BHXH ngày 7/11/2000) và Bộ Tài chính (Công văn 6151TC/HCSN ngày 17/12/1999).
Dù vậy, qua nghiên cứu Công văn số 3779/LĐTBXH-BHXH, ý kiến của Bộ LĐ,TB&XH về việc xử lý sai sót khi kiểm tra hồ sơ hưởng BHXH là giao Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ,TB&XH tỉnh, thành phố xử lý để thực hiện điều chỉnh. Cụ thể nội dung này được nêu như sau: “Đối với những trường hợp phát hiện làm sai chính sách cho người hưởng chế độ, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố kiểm tra và kết luận cụ thể để có đủ cơ sở pháp lý thực hiện điều chỉnh mức hưởng. Sau đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố quyết định điều chỉnh. Trước khi điều chỉnh cần thông báo và giải thích rõ cho đối tượng được biết lý do để tránh sai sót, dẫn đến các đơn thư khiếu nại”.
Một nguyên tắc bất di bất dịch là khi công dân có kiến nghị thì cần xem xét giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật.
Về quan điểm xử lý kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn, như Báo Nghệ An đã nêu ở bài viết trước, sai sót của cơ quan nhà nước cách đây đã hơn 30 năm, để làm rõ có những phức tạp; bên cạnh đó, chính sách qua thời gian có những thay đổi nên khó đề ra được hướng giải quyết đạt được sự đồng thuận của người có đơn kiến nghị. Nhưng dẫu vậy, một nguyên tắc bất di bất dịch là khi công dân có kiến nghị thì cần xem xét giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật.
Với một công dân đã 92 tuổi đời, 70 tuổi Đảng như cụ Phạm Anh Tuấn, càng cần phải thận trọng xác minh làm rõ để giải quyết đảm bảo đạt lý, thấu tình. Nay thông qua một nhân chứng sống là cụ Hoàng Văn Hạnh, lý do nguyên nhân dẫn đến sai sót và những thiệt thòi của cụ Phạm Anh Tuấn đã trở nên rõ ràng hơn. Vì vậy, cần sớm kiểm tra để có kết luận chính xác, qua đó, đề ra hướng bù đắp những thiệt thòi cho cụ Phạm Anh Tuấn.