Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn truyền đạo trái phép - Bài cuối: Kiên trì đấu tranh
Có nhiều hội nhóm lấy danh nghĩa tôn giáo để hoạt động và bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, lôi kéo những người cả tin tu tập, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép cần phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhưng kiên quyết xử lý theo pháp luật.
Bài cuối:
KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH
Nhóm PV • 31/10/2024
Có nhiều hội nhóm lấy danh nghĩa tôn giáo để hoạt động và bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, lôi kéo những người cả tin tu tập, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép cần phải thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhưng kiên quyết xử lý theo pháp luật.
VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ
Sách trắng về tôn giáo khẳng định Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (số 02/2016/QH14) cũng khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân và quy định rõ những điều cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 9).
Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều hoạt động của một số tôn giáo đã vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam, như: Sinh hoạt, tu tập không đăng ký; không có địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định; nhiều đối tượng lấy danh nghĩa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để lợi dụng truyền bá tư tưởng độc hại, phản động…
Các loại hình tôn giáo, “đạo lạ” đang tiếp tục phát triển đạo trái phép với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau tại Nghệ An và nhiều tỉnh, thành. Hoạt động truyền đạo trái phép, phát tán tài liệu qua các nhóm, diễn đàn trên các trang mạng xã hội gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh của các cơ quan chức năng.
Nhiều đối tượng còn lợi dụng tình hình nước ta đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ các cấp vi phạm để cài các nội dung truyền đạo, qua đó, làm giảm lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điều đó đòi hỏi sự kiên trì thuyết phục của chính quyền, các đoàn thể, lực lượng chức năng và nhân dân đối với những người theo đạo lạ. Bên cạnh sự vào cuộc của dòng họ, người thân, thì sự quan tâm sát sao và tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể sẽ làm cho các đối tượng hiểu ra chân tướng sự việc. Các đối tượng truyền đạo trái phép từng hứa với người tham gia sẽ được giàu sang, sung sướng, khỏe mạnh… nhưng thực tế không phải vậy. Vì thế, cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động những người lỡ theo đạo lạ trở lại cuộc sống đời thường…
Ông Vừ Giống Dìa - Bí thư Chi bộ Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ: “Đầu năm 2023, dân bản đã thông tin với cấp ủy, ban quản lý bản về trường hợp 2 vợ chồng trong bản có “biểu hiện lạ”. Qua tìm hiểu, được biết cặp vợ chồng đó đang theo một “đạo lạ”. Cấp ủy, các đoàn thể, ban quản lý bản trực tiếp gặp 2 vợ chồng nói chuyện, khuyên răn, hãy sống hòa hợp với bản làng, với truyền thống đồng bào, không nên nghe theo kẻ xấu. Nhiều người dân trong bản khi gặp vợ chồng đó cũng khuyên răn không theo đạo lạ. Sau một thời gian, vì xấu hổ nên 2 vợ chồng đó đã xin đi làm ăn ở xa”.
Được biết, cặp vợ chồng trong bản đang theo một “đạo lạ”, cấp ủy, các đoàn thể, ban quản lý bản trực tiếp gặp 2 vợ chồng nói chuyện, khuyên răn, hãy sống hòa hợp với bản làng, với truyền thống đồng bào, không nên nghe theo kẻ xấu”.
Ông Vừ Giống Dìa - Bí thư Chi bộ Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)
Ở một số địa phương tại Nghệ An, khi nắm thông tin sẽ có nhóm người đến tu tập đạo lạ trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền các đoàn thể và lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền để đa số người dân hiểu về hoạt động truyền đạo trái phép. Cùng đó, tiến hành các biện pháp để người dân hiểu rõ chân tướng của nhóm người theo đạo lạ hoạt động trên địa bàn. Các nhóm truyền đạo trái phép khi đã gây được ảnh hưởng, thường đặt mục tiêu khuếch trương để tăng cường lôi kéo người dân tham gia.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Long - nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An cho biết: “Một số thôn, bản ở miền núi ở Nghệ An đã bổ sung vào hương ước nội dung xóa bỏ những tập tục lạc hậu và “không theo đạo lạ”. Trên cơ sở đó, mỗi khi có người ở các thôn, bản theo “đạo lạ”, anh em trong dòng họ, dân bản cùng các cấp, ngành tích cực thuyết phục những người lỡ theo “đạo lạ”, không nghe theo kẻ xấu, trở lại với cuộc sống bình thường. Công việc này đòi hỏi phải kiên trì, kết hợp sự vào cuộc của các ban, ngành, cấp ủy, các đoàn thể xã hội cùng người thân, dòng họ và lực lượng chức năng”.
NÂNG CAO CẢNH GIÁC TỪ CƠ SỞ
Để phòng chống truyền đạo trái phép hiệu quả, cần bắt đầu từ việc nâng cao hiểu biết của các thành viên trong mỗi gia đình và nêu cao tinh thần đoàn kết xóm làng, chấp hành pháp luật, hương ước của thôn bản, không tham gia vào tệ nạn xã hội, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các “đạo lạ”.
Nhiều bản làng ở Nghệ An đã phát huy mô hình quản lý dựa trên quan hệ dòng họ, gia đình, uy tín của trưởng họ, già làng để loại bỏ những tập tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn xã hội và “đạo lạ”. Cách làm này đã xuất hiện nhiều mô hình tổ dân cư tự quản tốt. Hiện Nghệ An có 3.799 khối, xóm, thôn bản; Trên cơ sở đó, hình thành gần 63.000 tổ dân cư tự quản hoạt động dựa trên nguyên tắc nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đề cao tính dân chủ, tự quản, tự giác, tự nguyện của các hộ dân, phù hợp với quy định của pháp luật, hương ước, quy ước của làng, xã, tổ dân phố.
Ông Lữ Quang Hưng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ: “Để tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các nội dung cần truyền đạt được biên tập ngắn gọn và dịch bằng các tiếng đồng bào để các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng tổ chức phổ biến đến các bản làng. Hình thức tuyên truyền thông qua loa truyền thanh, qua đội ngũ cán bộ thôn bản, bằng tờ rơi và có nhiều đợt tổ chức đội tuyên truyền lưu động đến từng bản làng. Trên cơ sở đó, ở Kỳ Sơn, các nội dung quan trọng được huyện biên tập và dịch sang tiếng các đồng bào dân tộc rồi nhanh chóng chuyển thông tin về cơ sở, trong đó có các nội dung tuyên truyền về phòng chống truyền đạo trái phép”.
Về lĩnh vực này, đại diện Công an Nghệ An cho biết: Thực tế đòi hỏi các cấp, ngành cần tăng cường công tác nắm thông tin từ chính người dân để có phương án phòng, chống kịp thời. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích ủng hộ chính quyền các cấp đấu tranh, xử lý hoạt động truyền đạo trái phép. Trong giai đoạn mới, các đối tượng chống phá, thù địch ở trong nước và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Ở trong nước, các đối tượng lợi dụng những sơ hở thiếu sót của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chính sách để thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; kích động, khai thác triệt để những chức sắc có tư tưởng cực đoan. Một số vụ việc liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động người dân gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành,...
Ở nước ngoài, nhiều đối tượng lưu vong cũng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhất là việc Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) hàng năm đưa ra các báo cáo sai lệch trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam để tăng cường chống phá.
Thực tế đó càng đòi hỏi sự vào cuộc phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp ủy, đoàn thể khối Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân…) trong công tác tuyên truyền, vun đắp khối đoàn kết toàn dân. Từ đó, phát huy “tai mắt” của nhân dân trong công tác phòng chống truyền đạo trái phép, tham gia cùng cả hệ thống chính trị đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tốt nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội từ mỗi khối, thôn, xóm, bản, làng.