Kiên quyết xử lý đối với những dự án 'khoanh nuôi' đất
(Baonghean.vn) -Hàng năm, UBND tỉnh thường tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sau mỗi lần như vậy, nhiều dự án chậm tiến độ bị chấm dứt hoạt động, và thu hồi đất. Dù vậy, ngoài việc lề mề trong triển khai, có dự án còn chây ỳ trong việc trả lại đất cho nhà nước quản lý.
LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra các dự án đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện các dự án chưa triển khai theo quy định hay đã triển khai nhưng chậm tiến độ để kịp thời có những biện pháp xử lý. Dù vậy, qua kiểm tra cho thấy, còn nhiều dự án có sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh chậm tiến độ. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, cụ thể là làm lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khi nhiều doanh nghiệp thực sự có nhu cầu thuê đất để triển khai dự án thì không có đất, nhiều hộ dân đã chấp nhận giải phóng mặt bằng nhường đất cho dự án thì không còn đất để sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động…
Cách đây khoảng 6 năm, vào năm 2017, người dân xã Thượng Sơn (Đô Lương) vui mừng khi trên địa bàn xuất hiện một dự án đầu tư. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất ngói lợp (đất sét nung công nghệ cao) do Công ty TNHH An Trạch Sơn làm chủ đầu tư. Đặc biệt, người dân địa phương rất hào hứng khi dự án triển khai sẽ tạo nhiều việc làm cho con em, giúp người dân nơi đây không còn phải “tha phương cầu thực” tại các tỉnh xa xôi.
Tuy nhiên, 6 năm trôi qua dự án vẫn chỉ nằm trên giấy khiến người dân rất bức xúc. Ông Thành Đặng Long - Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn cho biết: Trong 6 năm qua, dự án chỉ là một mảnh đất trống, chủ đầu tư chưa xây dựng gì trên đất. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan đối với dự án này. Địa phương cũng mong muốn sau khi hủy bỏ dự án này, khu đất đã bàn giao cho nhà đầu tư sớm được thu hồi để có thể mời gọi các nhà đầu tư khác, nếu không sẽ gây lãng phí quỹ đất rất lớn.
Tại TP.Vinh, năm 2019, UBND tỉnh đã có Quyết định 2164 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trường Mầm non Kids House do Công ty TNHH Đầu tư giáo dục và giải trí Tuổi Thơ làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên địa bàn phường Quán Bàu, TP.Vinh. Theo quy hoạch, dự án này được thực hiện trên diện tích hơn 3.325m2. Trường mầm non này được thiết kế với 2 khối nhà học 2 tầng; khối nhà học năng khiếu; khu sân vườn cảnh quan; nhà bảo vệ; sân chơi… Dù vậy, sau nhiều năm, nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án; chưa hoàn thành các thủ tục tiếp theo để triển khai thực hiện… Để rồi, khu đất rộng hơn 3.325m2 nằm ở vị trí đắc địa của phường Quán Bàu thành nơi cỏ dại mọc um tùm gây lãng phí rất lớn.
Trước tình trạng các doanh nghiệp dù đã được UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ, những năm gần đây, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý. Mới đây nhất, vào ngày 12/9/2023, căn cứ báo cáo rà soát của các đoàn liên ngành, UBND tỉnh có Quyết định số 2842/QĐ.UBND phê duyệt kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành năm 2022 về việc kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (đợt 2).
Theo đó, UBND tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đối với 7 dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, ngoài Dự án Trường Mầm non quốc tế Kids House và Dự án Nhà máy sản xuất ngói lợp (đất sét nung công nghệ cao) nói trên, UBND tỉnh còn chấm dứt hoạt động đối với 5 dự án khác, như Dự án Mở rộng Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn và các sản phẩm bê tông dự ứng lực, do Công ty TNHH Hòa Hiệp làm chủ đầu tư, thực hiện xã Nam Giang (Nam Đàn). Đáng nói, dự án này đã được gia hạn 2 lần và đã hết thời gian gia hạn. Dù vậy, nhà đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất để thực hiện dự án (trường hợp này thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất).
Hay như Dự án Khu nhà hàng, khách sạn của Công ty TNHH Phú Hà An tại xã Đông Hiếu (TX. Thái Hoà), dù đã được gia hạn 1 lần, và đã hết thời gian gia hạn nhưng nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để được thuê đất triển khai dự án…
CHÂY Ỳ TRONG TRẢ LẠI ĐẤT
Không riêng gì các dự án bị chấm dứt hoạt động trong năm 2023, trước đó, trong năm 2022, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi đất đối với nhiều dự án. Vậy nhưng, đến nay, việc thu hồi đất của nhiều dự án vẫn chưa thực hiện được.
5 dự án tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai đã bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất nhưng vẫn chưa bàn giao là:
1. Dự án Khu dịch vụ thương mại của Công ty CPTM Dịch vụ xuất, nhập khẩu thủy, hải sản Thái Bình Dương (2.210m2).
2. Dự án Siêu thị và giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Mạnh Xuân (5.000m2).
3. Dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí của Công ty TNHH Hùng Hoàng (3.000m2).
4. Dự án Siêu thị nội thất và dịch vụ xây dựng của Công ty Tư vấn kiểm định chất lượng xây dựng (2.000m2).
5. Dự án Siêu thị dịch vụ thương mại điện lạnh, điện tử, điện dân dụng và nhà xưởng sửa chữa gia công thiết bị do DNTN Tương Trâm làm chủ đầu tư (3.050,2m2).
Cụ thể, vào ngày 18/3/2022, UBND tỉnh có Quyết định số 1793 xử lý các dự án chậm tiến độ. Trong đó, có 7 dự án bị thu hồi đất, thu hồi dự án và hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan. Trong số này, có 5 dự án đều tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, và đã được UBND tỉnh cho thuê đất trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2015, tuy nhiên, các chủ đầu tư đã không sử dụng đúng mục đích, xây dựng sai quy hoạch, thậm chí cho đơn vị khác thuê lại…
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý toàn bộ phần diện tích đất đã thu hồi nêu trên để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê. Đồng thời, phối hợp với UBND TX.Hoàng Mai lập phương án đấu giá theo quy định. Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, các chủ đầu tư bị thu hồi đất, thu hồi dự án vẫn chưa bàn giao đất lại cho các đơn vị quản lý.
Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, TX.Hoàng Mai cho biết: Mặc dù đã có quyết định thu hồi đất và thị xã cũng đã đôn đốc nhiều lần, nhưng phía các đơn vị vẫn không di dời tài sản để trả đất lại cho địa phương cũng như Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý và tổ chức đấu giá.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10/2023, UBND TX.Hoàng Mai tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị này tháo dỡ ngay các công trình trên phần diện tích đất đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, thực hiện bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, hoàn thành trước ngày 20/10/2023. Vậy nhưng, thực tế vẫn chưa thực hiện. Thậm chí ngay trước thời điểm hạn chót, một số doanh nghiệp còn gửi bản cam kết về việc tự tháo dỡ công trình và xin được giữ lại các tài sản trên đất đến khi các cấp có thẩm quyền tiến hành đấu giá quyền thuê đất thì cũng sẽ tham gia đấu giá. Nếu trúng sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư, còn không trúng sẽ tự tháo dỡ tài sản trên đất, trả lại mặt bằng.
CẦN KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
Ngày 14/7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31 tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Thông tin từ Nghị quyết này cho thấy, giai đoạn 2016-2021, các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 dự án. Kết quả đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất, hủy bỏ các văn bản pháp lý liên quan đối với 92 dự án; gia hạn tiến độ đối với 179 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện đối với 30 dự án và xử lý khác đối với 90 dự án.
Nghị quyết cũng đã chỉ ra những bất cập còn tồn tại. Cụ thể là nhiều dự án không triển khai, triển khai chậm tiến độ đã được kiểm tra, cho gia hạn nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn không triển khai và tiếp tục chậm. Nhiều dự án vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng như để lấn chiếm, chậm đưa đất vào sử dụng, xây dựng sai quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…
Tại Nghị quyết này, HĐND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng thẩm định năng lực nhà đầu tư trước khi cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định chặt chẽ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng đất, đặc biệt là công tác thẩm định năng lực tài chính và kinh nghiệm của các nhà đầu tư; không chấp chấp thuận đầu tư dự án mới cho những chủ đầu tư vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý, kiên quyết thu hồi những dự án treo, chậm tiến độ qua nhiều năm, những dự án vi phạm pháp luật đầu tư, xây dựng sai quy hoạch, sử dụng đất không đúng mục đích do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, không có năng lực thực hiện…
Có thể thấy rằng, bên cạnh các quy định pháp luật đã được nêu rõ tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư… Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh được xem là hành lang pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Ngay sau đó, ngày 5/9/2022, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 6680/UBND-CN, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, giám sát dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc cắt bỏ những dự án “ung nhọt” chậm tiến độ, bất kể đó là dự án lớn hay dự án nhỏ. Cần phải công khai, minh bạch từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, đến việc xử lý sai phạm. Đây được xem như "phương thuốc" để ngăn ngừa nạn “khoanh nuôi” đất đai và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Bởi suy cho cùng thì việc đưa đất vào sử dụng kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, vẫn là đích đến cuối cùng…