Kiev khẳng định không có 'kế hoạch B' nếu không có Mỹ
(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, đây là thông điệp mà ông đã chuyển tới người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
Ngoại trưởng Dmitry Kuleba cho biết, Ukraine không có "kế hoạch B" cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho Kiev.
Nhà ngoại giao này nói với Đài Truyền hình Rada của Ukraine hôm 18/4 rằng, đây là thông điệp mà trước đó cùng ngày, ông đã nhấn mạnh với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, khi hai người gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các Bộ trưởng Ngoại giao G7 trên đảo Capri của Italy.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua thêm 60 tỷ USD viện trợ cho Kiev kể từ mùa Thu năm ngoái, trong bối cảnh bế tắc gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã thông báo vào đầu tuần này rằng, ông sẽ đưa một dự luật viện trợ riêng cho Ukraine ra bỏ phiếu vào ngày 20/4, trong khi ông Biden hứa sẽ ký thông qua dự luật nếu nó được Hạ viện thông qua.
Ông Kuleba từ chối phỏng đoán về kết quả của cuộc bỏ phiếu, nói rằng, “rất nhiều trận chiến đã diễn ra xung quanh dự luật này và sẽ tiếp tục diễn ra - hãy chờ kết quả”.
Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng, đối với Ukraine, không có phương án nào khác thay thế cho sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, vốn đã lên tới hơn 111 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga vào tháng 2/2022.
“Tôi luôn nói rằng, chúng tôi không cần Kế hoạch B vì Kế hoạch A của chúng tôi đang đưa ra những quyết định mạnh mẽ nhất có thể cho Ukraine chứ không phải những quyết định nửa vời. Và hôm nay tôi đã nhắc Ngoại trưởng Mỹ về điều này: "Hãy nhìn xem, tôi không có Kế hoạch B nào cả, Kế hoạch A phải thực hiện – thông qua một dự luật mạnh mẽ", vị ngoại trưởng nói.
Ông Kuleba khẳng định rằng, ông Blinken "ủng hộ tôi và nói rằng, chúng tôi nên tập trung hoàn toàn vào các quyết định mạnh mẽ cho Ukraine, tức là vào Kế hoạch A".
Hôm 17/4, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky quy trách nhiệm cho sự sụt giảm viện trợ quân sự của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến những bước tiến quân sự của Nga, đồng thời thừa nhận rằng, các lực lượng của Moskva đang “gây sức ép lên chúng tôi ở mặt trận và đang dần di chuyển”.
Nga nhiều lần cảnh báo rằng, việc chuyển giao vũ khí nước ngoài cho Kiev sẽ không ngăn Moskva đạt được các mục tiêu quân sự mà chỉ kéo dài cuộc giao tranh và có thể làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Theo các quan chức Nga, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine có nghĩa là các quốc gia phương Tây trên thực tế đã trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.