Kinh doanh đa cấp biến tướng - một kiểu móc túi

08/03/2016 10:29

(Baonghean) - Gần 2 ngàn tỷ đồng bị chiếm đoạt, hơn 64 ngàn người trở thành nạn nhân trong một vụ lừa đảo nên xếp vào hạng “kinh điển” nhất từ trước tới nay của cái gọi là kinh doanh đa cấp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa .

Cả nước bàng hoàng khi thông tin trên được công bố. Hàng chuỗi câu hỏi được đặt ra với các cơ quan chức trách. Quả thực, câu chuyện về 2 “doanh nhân thành đạt” trong đó có kẻ giả danh treo quân hàm đại tá quân đội của công ty Liên kết Việt bị bắt cùng với sự đổ vỡ ngay lập tức cả một hệ thống chân rết trải dài khắp 27 tỉnh thành (trong đó có Nghệ An) đã trở thành một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của thông tin đại chúng vừa qua.

Mọi thông tin xung quanh câu chuyện này dường như đã được mổ xẻ, dưới các góc độ khác nhau như chế tài pháp luật, quản lý xã hội, đạo đức kinh doanh .v.v... Tuy nhiên từ góc độ kinh tế, chúng tôi muốn trao đổi thêm vài điều với mong muốn tiếp cận vấn đề một cách toàn diện và khách quan. Trên cơ sở đó góp phần hạn chế những sai lầm không đáng có, nhận diện thêm, tiến tới giảm bớt những méo mó trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Kinh doanh đa cấp là một sản phẩm của thị trường hiện đại. Nguồn gốc ra đời, mục đích hướng tới hay chức năng của của nó suy cho cùng cũng chỉ là một hình thức phân phối sản phẩm, nói nôm na là cách bán hàng. Trước hết cần xác định một cách mạch lạc sự khác nhau giữa kinh doanh đa cấp và lừa đảo. Bản chất của kinh doanh đa cấp không phải là một hình thức lừa đảo. Đa cấp là một loại hình kinh doanh thâm nhập vào nước ta hơn thập nay, nó được pháp luật thừa nhận cũng như bảo hộ. Việc ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004, Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 19/2005/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 08/11/2005 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 110/2005/NĐ-CP về kinh doanh bán hàng đa cấp đã khẳng định thái độ của nhà nước ta là thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Phải nói là pháp luật cơ bản tạo được nền tảng pháp lý cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bằng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đa cấp góp phần mở rộng thị trường, đưa sản phẩm có chất lượng đến tay người tiêu dùng với chi phí trung gian phù hợp. Giá bán (sỉ) sản phẩm cho người trong hệ thống không cao hơn giá bán lẻ sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Về mặt lý thuyết là vậy. Tuy nhiên ở nước ta, loại hình kinh doanh này đang bị lợi dụng, biến tướng một cách cực kỳ nghiêm trọng, mang tính hệ thống và phổ biến, gây tổn hại về kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Giờ đây, hình như không còn mấy ai tin vào đa cấp nữa. Người ta hoặc là kỳ thị tránh né đa cấp hoặc là lao vào với mục đích kiếm tiền thật nhanh để rồi chính họ vừa trở thành nạn nhân vừa trở thành thủ phạm của một kiểu làm ăn chụp giựt. Kiến thức hạn chế, sự nhẹ dạ thái quá và tình trạng không chế ngự được lòng tham đã đẩy không ít người lâm vào cảnh tan gia bại sản ngay trên đống tiền ảo mà họ theo đuổi một cách bất chấp.

Đầu tư vào 8 triệu, sau bốn năm có đến 500 triệu! Đấy là thông tin được phát ra từ tâm bão… đa cấp. Nghe điều ấy có mấy ai tin? Chắc chắn có nhưng có lẽ không quá nhiều! Lòng tham và sự bế tắc trước cuộc sống đã không giữ họ lại hay còn lý do nào khác? Câu trả lời đầy đủ xin chờ các cơ quan có trách nhiệm. Đã từng có ý kiến đề nghị cấm tiệt đối với loại hình này. Tuy nhiên, hễ cứ không quản được thì cấm không bao giờ là giải pháp chuẩn.

Được biết hiện cả nước có trên 1 triệu người đang tham gia vào các mạng lưới đa cấp khác nhau. Vậy có bao nhiêu trong số họ là nạn nhân của lừa đảo và sẽ còn bao nhiêu khách hàng tiềm năng sẽ gia nhập đội quân “kinh doanh” hùng hậu kia? Thực ra những thủ đoạn của Liên kết Việt như vừa rồi chả có gì quá tinh vi cả. Vẫn chỉ là giả danh cán bộ, giả danh bằng khen Thủ tướng, mượn vài người nổi tiếng tham dự hội thảo để ra oai, hứa trả hoa hồng cao để thu hút… chỉ thế thôi mà tung tác cả năm trời. Đã đến lúc rà soát để chấn chỉnh. Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 19/2005/TT-BTM của Bộ Thương mại (về kinh doanh bán hàng đa cấp) cũng đã có “tuổi đời” trên 10 năm. Cần một thái độ nghiêm khắc với những loại đa cấp “móc túi”. Tôi không nghĩ một xã hội sẽ lành mạnh, một nền kinh tế sẽ phát triển tích cực nếu người lao động ngày càng bị… đa cấp hóa.

Nguyễn Khắc An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kinh doanh đa cấp biến tướng - một kiểu móc túi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO