Kinh doanh lao đao vì cá tầm lậu
Trước tình trạng cá tầm lậu Trung Quốc “tung hoành” trên thị trường nội địa, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh, đại diện các doanh nghiệp sản xuất cá tầm Việt Nam đã gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ.
Nuôi cá tầm
Đại diện Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam cho biết, việc nhập lậu mặt hàng này qua biên giới gần đây tái diễn dưới nhiều hình thức, sau đó vận chuyển qua các đường khác nhau vào nội địa. Trong đó, trường hợp điển hình là cá tầm được vận chuyển qua đường hàng không Nội Bài vào TP Hồ Chí Minh.
Cùng gửi đơn cầu cứu đợt này có đại diện các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh phân tích, các nhà sản xuất cá tầm tại miền Bắc có quy mô nhỏ, sản lượng thấp, phần lớn là cung cấp tại chỗ. Bên cạnh đó, giá sỉ mặt hàng này khi mua tại hồ ở miền Bắc đã là 150.000-160.000 đồng/kg nên không thể vận chuyển qua hàng không rồi bán ra với mức thấp như trên. Các nhà sản xuất khối lượng lớn cá tầm trong nước hiện nay đều tập trung tại các hồ ở Tây Nguyên cũng khẳng định vận chuyển cá tầm về TP Hồ Chí Minh hoàn toàn bằng đường bộ.
Từ những dẫn chứng trên, Hiệp hội khẳng định, tất cả cá tầm sản xuất trong nước không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không. “Do đó, số lượng cá tầm đang nhập vào thành phố này không phải được sản xuất trong nước mà có nguồn nhập lậu từ Trung Quốc”, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội phát triển cá nước lạnh nêu rõ.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cũng khẳng định, toàn bộ cá tầm được vận chuyển “ngược” từ Bắc vào Nam tiêu thụ là cá tầm lậu, vì phần lớn các cơ sở nuôi cá tầm quy mô đều tập trung tại một số tỉnh miền Trung, miền Bắc quy mô rất nhỏ, không đủ cung cấp cho thị trường tại chỗ. Do đó, sẽ không có tình trạng “chảy ngược”.
Cũng theo các đơn vị trên, tình trạng “rửa cá tầm nhập lậu” đang diễn ra tại một số tỉnh phía Bắc. Cụ thể, một số đơn vị, cá nhân trong nước nhập lậu mặt hàng này từ Trung Quốc và dùng trại nuôi tại miền Bắc làm vỏ bọc để hợp thức hóa thành cá tầm Việt Nam.
Ông Trần Văn Hào cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chỉ đạo yêu cầu đăng ký bắt buộc đối với các cơ sở nuôi cá tầm để tiện theo dõi và truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới. Cá tầm giá rẻ này không những làm tê liệt mạng lưới phân phối cá tầm trong nước, mà còn đe dọa đến sự tồn tại của các nhà sản xuất và nguy cơ mất việc làm của hàng nghìn nông dân.
Bộ, ngành vẫn “án binh bất động”
Việc vận chuyển cá tầm bằng đường hàng không cũng được ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam ghi nhận, có tình trạng vận chuyển cá tầm từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đó có phải cá tầm lậu hay không thì ngành hàng không khó có thể nắm được. “Đối với vận chuyển nội địa, hàng không chỉ kiểm soát mặt hàng nguy hiểm, ví dụ hàng dễ cháy nổ, chất phóng xạ, hàng dễ ăn mòn như nước mặn, muối… Còn cá tầm là loại hàng hóa bình thường nên chỉ yêu cầu đóng gói cẩn thận”.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh thì chưa có các chốt kiểm dịch thú y tại sân bay. Hơn nữa, việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch thú y thuộc trách nhiệm các cơ quan chức năng như Cục Thú y, hay Cục QLTT. Ngành hàng không chỉ có thể phối hợp triển khai thực hiện kiểm tra các giấy tờ. Hơn nữa, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, Bộ NN&PTNT cũng chưa làm việc với đơn vị này về việc vận chuyển cá tầm nhập lậu qua đường hàng không. Bởi, theo ông Lại Xuân Thanh, hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không bắt buộc phải qua cửa cảng hàng không sân bay. Do đó, nếu có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan thì vấn đề sẽ được kiểm soát.
Theo ANTĐ - P.H