"Kính già, già để tuổi cho"
Trước hết, xin nói về câu chuyện mừng thọ mà tôi từng được biết qua sách vở, qua thực tiễn. Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có phúc to, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Nhiều người còn nhớ giai thoại, đầu thế kỷ 20, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến từng làm quan Tổng đốc, tuổi cổ lai hy, khi về làng còn lạy sụp một cụ già nông dân trên 80 tuổi, là bởi "Chức tước thì vua chúa có thể ban được nhưng tuổi tác chỉ có trời cho".
Ông tôi kể : Ngày xưa, người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Trong làng, 50 tuổi đã được làm lễ lên lão. Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều.
Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ và phát huy. Ngày nay, trong gia đình, khi có ông bà, cha mẹở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ vào dịp sinh nhật ( nếu có thường ở thành thị) hoặc ngày xuân-dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp để con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ, là dịp gặp gỡ, trao đổi, quyết định công việc họ tộc, gia đình...
Ông cháu. Ảnh: Tô Cảnh |
Lễ tổ chức to hay nhỏđều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ. Điều đáng chú ý là lòng hiếu thảo không căn cứ vào giá trị của vật chất mà nhìn từ chính cuộc sống hàng ngày, từ sự chăm lo hàng bữa nơi con cháu đối với người có tuổi Những gia đình nào có cha mẹ già đến 70-80 tuổi mà nhà sung túc về tiền của lẫn con cháu, thì làm lễ mừng thọ gọi là lễ "Thượng thọ".
Vâng, họ tộc chúng tôi không thuộc loại sung túc, nhiều người học giỏi nhưng không ai giàu có vì phần lớn theo đường chữ nghĩa, văn vẻ. Năm nay mừng thượng thọ cho bác tôi lên chín mươi là mừng phúc đức to lớn, mừng con cháu đông vui trưởng thành. Mâm cỗ to nhỏ lớn bé chưa thấy anh tôi bàn mà chỉ nói quan trọng là vềđông đủ. Chẳng trách được vì sao anh tôi cứ gọi là vui vẻ xăng xái đến thế, máy điện thoại lúc nào cũng nóng, cứ hai ngày nạp thẻ một lần vì gọi hết cho làng trên, xóm dưới, trong nước đã đành, lại còn đâu như bên Âu, bên Mỹ nữa...
***
Ông bà nội tôi sinh được bốn người con, bác gái đầu lòng, tiếp là bác, bố và chú tôi. Nghe nói thời còn chăn trâu để chỏm, bác và bố tôi đi ở cho địa chủ trong làng. Tiếng là đi ở nhưng công việc chủ yếu sáng lùa trâu ra đồng bãi, mang theo mo cơm nắm, chiều lùa trâu về. Chơi bời nghịch ngợm gì không biết nhưng nếu để trâu ăn lúa, phá ngô thì tối về chỉ có nước nằm phơi lưng chờăn roi mây đau nhớđời. Bác tôi khỏe mạnh, tháo vát, là con trai cả nên việc nặng, việc nhẹ, việc nhà, việc họđều đổ dồn lên vai. Cách mạng về, trai làng hồ hởi đi bình dân học vụ, đi dân công, rồi đi bộđội.
Bác tôi là người đầu tiên trong xóm xung phong đi dân công, tham gia tải hàng lên mặt trận Thượng Lào và Điện Biên. Rồi vào bộđội, áo trấn thủ, công đồn, được nhận huân chương, huy hiệu Điện Biên hẳn hoi. Tôi còn nhớ, thời ông phục viên về làm đội trưởng sản xuất, cứ hét một tiếng là y như cả xóm bật dậy trong đêm hùa nhau ra đồng dọn, gánh bằng hết diện tích lạc hợp tác xã bới chiều hôm đó nhằm chạy tránh cơn dông vừa ập đến đen kịt bầu trời.
Tôi cũng còn nhớ buổi sáng năm 67 hay 68 gì đó khi bộđội pháo 100 li và dân quân xã bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ, phi công rơi bùng nhùng sau tấm dù ở Hòn Lách, bác tôi vác ngọn mác chạy như bay về phía ấy, vừa chạy vừa hô vang cả làng. Buổi trưa, tôi còn hóng nghe được chuyện bác tôi kể về thằng giặc lái râu ria, mồ hôi mồ kê và hình như tè cả quần vì sợ...cái lưỡi mác sáng loáng...
***
Từ ngoài đường quan nhìn vào nhà bác tôi đã thấy trang hoàng lộng lẫy lắm, đã nghe loa đài rộn ràng lắm. Anh tôi tranh thủ thông báo nhanh: "Sáng mồng 2 Tết, Hội Người cao tuổi trân trọng kính mời các cụ cùng lãnh đạo địa phương, con cháu dâu rể, họ hàng về hội trường xã để tổ chức lễ mừng thọ. Các cụđược nghe lãnh đạo địa phương phát biểu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao của những người cao tuổi đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương, xã nhà. Các cụđược trao Bằng chứng nhận Người cao tuổi của Hội, được tặng quà quý của cấp ủy, chính quyền địa phương". "Trước đó, đài truyền thanh xã hoạt động liên tục - phần này do tôi phụ trách, anh tôi nhấn mạnh, "Để báo cho cán bộ, nhân dân trong xã được biết..."
Lâu lắm rồi, tôi mới được gặp lại đông đủ bà con họ hàng. Có người tôi còn nhớ rõ để cất lời chào hỏi, có người phải túm trán một lúc mới à lên hối lỗi. Nhưng không sao, ai cũng vui niềm vui với gia đình tôi, với bác tôi. Bác tôi áo lụa đỏ, ngồi vững chãi, tươi cười trên chiếc ghế nạm vàng, lần lượt nói lời cảm ơn những người đến chúc mừng. Tiếng cười nói râm ran. Gương mặt mọi người rạng rỡ. Đểđến được ngày hôm nay, bác tôi được sự quan tâm giúp sức của địa phương, của bà con xóm giềng đểđi qua, vượt lên biết bao gian khó, nhọc nhằn để gây dựng cuộc sống gia đình, dạy bảo con cháu nên người. Tiếng loa, tiếng người như hòa vào nhau, tạo thành một âm thanh vang xa, ghi sâu vào tâm khảm. Dường như lòng ai cũng cất lên câu hát :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con
Và
Yêu trẻ, trẻđến nhà
Kính già, già để tuổi cho.
Phú Châu