Kinh nghiệm sử dụng phanh ô tô an toàn cho lái mới

Ngọc Anh 16/01/2019 17:03

(Baonghean.vn) - Nếu nghe qua thì cũng chỉ cần nhấn bàn đạp phanh là xong, có gì phải bàn luận! Đúng là thao tác này khá đơn giản. Tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng phanh đúng cách, hiệu quả, và an toàn thì cần phải để ý ngay từ lúc mới học để tạo thành thói quen tốt khi lái xe.

1. Phanh theo ngưỡng

Phanh theo ngưỡng thường được áp dụng trong nhiều trường hợp bất ngờ. Với kỹ thuật này, người lái chủ động đạp phanh tới một lực tối đa và giữ sao cho chưa vượt qua giới hạn dẫn tới trượt bánh.

Để thực hiện được kỹ thuật này, người lái phải thực hành nhiều trong điều kiện tốc độ cao. Dấu hiệu nhận biết tốt nhất bao nhiêu lực phanh là đủ đó là độ rung của vô lăng. Khi thực hành nhiều, lái xe sẽ cảm nhận được với độ rung tay lái như thế nào thì xe chuẩn bị trượt bánh.

2. Đạp nhả phanh theo nhịp

Phanh theo nhịp là kiểu phanh được sử dụng phổ biến khi muốn dừng xe ở tốc độ cao mà không xảy ra rủi ro. Đây cũng chính là nguyên lý hoạt động cơ bản của hệ thống ABS, đó là nhấp nhả liên tục. Thay vì ECU điều khiển hệ thống phanh, lúc này lái xe chủ động chân phanh nhấp - nhả theo một nhịp độ đều đặn để xe từ từ dừng mà không bị khóa bánh vì phanh gấp.

Tuy các xe ngày nay hầu hết đều được trang bị ABS nhưng tài xế vẫn nên thực hành kỹ thuật này để đảm bảo an toàn, nhất là khi xe chạy tốc độ cao vào vùng đường trơn trượt, mất độ bám đường.

3. Rà phanh

Rà phanh là kỹ thuật được sử dụng nhiều khi lúc cần qua khúc cua với thời gian tối thiểu. Thay vì phanh để giảm tốc độ xe xuống ngưỡng thích hợp rồi bỏ phanh vào cua, tài xế vẫn giữ tốc độ cao và bắt đầu rà phanh bằng một lực vừa phải khi vào cua. Lúc đó xe vẫn giữ được một tốc độ cao mà không bị mất lái.

Phanh được giữ ở một ngưỡng liên tục cho tới khi xe an toàn thoát cua, để tập kiểu phanh này, tài xế phải cảm nhận một lực vừa đủ để xe vào cua an toàn mà vẫn đảm bảo tốc độ cao. Với môtô, tay lái sẽ rà phanh trước chứ không sử dụng phanh sau.

4. Nhấp phanh

Đây là kĩ thuật được nhiều tài xế sử dụng, thay vì đạp mạnh phanh một lần, nhấp phanh xe nhiều bước sẽ giúp xe dừng từ từ rất êm.

Tài xế nên đạp hơi mạnh ở lần phanh thứ nhất để xe giảm tốc độ, đến mức ổn định rồi đạp phanh nhẹ dần dần để tận dụng đà của xe. Sau đó, đệm tiếp phanh cho đến khi xe dừng hẳn hoặc tiếp tục đi.

5. Phanh khẩn cấp (phanh gấp)

Dùng trong trường hợp xe di chuyển tốc độ cao thì bất chợt gặp vật cản. Nếu đạp phanh đột ngột và mạnh, ô tô sẽ có nhiều khả năng bị bó cứng phanh lại, khiến bánh xe không lăn trên mặt đường nữa mà trượt, xe hoàn toàn mất kiểm soát.

Để phanh gấp được hiệu quả khi xe đang đi tốc độ cao, cần đạp mạnh chân phanh đến khi cảm giác bánh xe đã bắt đầu trượt trên đường, nhưng vẫn đi thẳng theo chiều vẫn kiểm soát được tay lái, ngay lập tức nhả chân phanh. Xe hết trượt, lại tiếp tục phanh cho đến khi xe dừng hẳn lại.

6. Giảm tốc kết hợp phanh và số

Đây được coi là kỹ thuật qua khúc cua nhanh nhất có thể; với những người mới, không quen tốc độ cao thì các thao tác kết hợp dưới đây có thể sẽ rất phức tạp để áp dụng.

Trước tiên, nhấc chân phải ra khỏi chân ga và nhấn chân phanh; trong khoảng một vài giây trước khi áp lực phanh có tác dụng cần đạp chân côn; tay phải đẩy cần số về số thấp khi đang giữ tay trái trên vô lăng và vẫn giữ một áp lực phanh vừa đủ; sau khi về số thành công, nhẹ nhàng trượt mũi phải sang chân ga, chạm nhẹ và nhanh để đồng tốc giữa xe và động cơ, bỏ chân côn, đẩy toàn bộ chân phải sang chân ga và chờ thời điểm tăng tốc phù hợp để ra khỏi khúc cua.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Kinh nghiệm sử dụng phanh ô tô an toàn cho lái mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO