Kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu
(Baonghean.vn) - Thông tin này được đưa ra tại cuộc làm việc của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với Sở Tư pháp theo chương trình giám sát việc thực hiện chính sách phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi |
Trên cơ sở giám sát thực tế tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Tân Kỳ, tại cuộc làm việc, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo từ Sở Tư pháp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh; sinh sống tập trung chủ yếu tại 11 huyện, thị xã miền núi.
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 13/CT-TU, ngày 28/7/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực sự quan tâm đến công tác PBGDPL nói chung và cho đồng bào dân tộc nói riêng.
Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia vào hoạt động PBGDPL từ tỉnh đến cấp xã được quan tâm củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh có gần 4.300 cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên PBGDPL và thành lập được 2.545 tổ hòa giải, với 16.684 hòa giải viên ở các khối, xóm, bản.
Hình thức, nội dung PBGDPL khá đa dạng, phong phú như: tập huấn, in, cấp phát tài liệu về pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm; xét xử lưu động;...
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Hoan, cho rằng, đội ngũ công tác viên PBGDPL chưa chuyên sâu. Ảnh: Minh Chi |
Tuy nhiên, thông qua giám sát Phó trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lục Thị Liên cho rằng hoạt động trợ giúp pháp lý còn mờ nhạt, đề nghị thời gian tới Sở Tư pháp cần chỉ đạo tăng cường hoạt động này.
Phân tích nguyên nhân việc PBGDPL hiệu quả chưa cao, một phần do người dân chưa có ý thức và tự giác tìm hiểu pháp luật, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Lương Hồng, thành viên đoàn giám sát, cho rằng, Sở Tư pháp cần nghiên cứu để đưa ra những hình thức tuyên truyền phù hợp với đồng bào ở từng địa bàn, từng vùng.
Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề mà đoàn giám sát HĐND tỉnh quan tâm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Hoan cho biết, nguyên nhân hiệu quả công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, trước hết do đối tượng đồng bào dân tộc lớn, phân bổ ở nhiều địa bàn.
Trong khi đó, kinh phí hạn chế, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh chỉ có 900 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng cho hoạt động PBGDPL và trợ giúp pháp lý.
Mặt khác các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, thay đổi liên tục; đội ngũ cộng tác viên tham gia hoạt động PBGDPL chưa có trình độ chuyên sâu….
Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho rằng, Sở cũng rất mong muốn thay đổi hình thức tuyên truyền, PBGDPL để đảm bảo có hiệu quả hơn như tăng cường sân khấu hóa; tuy nhiên hoạt động này kinh phí rất lớn.
Xét xử lưu động vụ án ma túy tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu |
Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân ghi nhận những nỗ lực của Sở Tư pháp trong hoạt động PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Sở tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 13/CT-TU ngày 28/7/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở các địa phương, đảm bảo hoạt động này được tăng cường và nâng cao tính hiệu quả.
Sở cần xác định rõ địa bàn, đối tượng trọng tâm, trọng điểm để tác động, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức và đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới…