Kinh tế Nghệ An năm 2023 có xu hướng phục hồi tích cực với nhiều điểm sáng
(Baonghean.vn) - Sáng 30/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2023. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành.
TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TĂNG 7,14%
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, cải cách hành chính, đầu tư công năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Nghệ An, năm 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế, xã hội tỉnh có những chuyển biến rất tích cực. Nghệ An thực hiện đạt 24/28 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong phát triển kinh tế, mặc dù gặp khó khăn hơn những năm trước nhưng nhìn chung có xu hướng phục hồi tích cực, trong đó có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%; và theo Cục Thuế Nghệ An, thu ngân sách năm nay ước đạt 18.000 đến 18.500 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư và kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 46 ngàn tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra năm 2023 (32.000 - 35.000 tỷ đồng); số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, đến nay đạt 1,41 tỷ USD, ước năm nay cán mốc 1,5 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,52% so với năm 2022. Đây là năm thứ 3 vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Dự kiến trong năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện (Hưng Nguyên) hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, văn hoá, thể thao và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Cải cách hành chính được quyết liệt chỉ đạo và có những chuyển biến.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại được triển khai sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại cuộc làm việc, về tình hình kinh tế, xã hội, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành đã trao đổi, phân tích, làm rõ thêm việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị phân tích, làm rõ thêm việc thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị trong năm 2024 cần quan tâm, có chiến lược bài bản ngay từ đầu năm liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và xử lý các thủ tục xây dựng cơ bản để sớm đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế; đồng thời có giải pháp chống nợ đọng thuế bài bản.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung nhiệm vụ trong năm 2024, là tiến hành giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh sau khi Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua; đồng thời có kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, sau 10 năm tổ chức Chương trình Tết Vì người nghèo cần đánh giá lại và có thể xem xét định hướng hỗ trợ mới, như tập trung vào nhà ở, sinh kế cho các hộ nghèo.
Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã phân tích rõ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế, như tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách năm 2023, thu nhập bình quân đầu người và dự báo việc thực hiện các mục tiêu này của cả nhiệm kỳ sẽ khó khăn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích rõ nguyên nhân vì sao thu hút vốn FDI tích cực nhưng thu ngân sách chưa tăng lên. Theo đó, nguồn vốn FDI chưa tác động ngay vào nền kinh tế mà cần có thời gian “thẩm thấu”, tức là giải ngân đầu tư để đi vào sản xuất; đồng thời thời gian đầu, các dự án FDI cũng đang được hưởng các ưu đãi theo quy định.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng nhìn nhận công tác cải cách hành chính của tỉnh thời gian qua, đặc biệt là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đã có chuyển biến rõ, nhất là đã thực hiện được việc nơi nào “cải cách hành chính chưa chuyển biến thì chuyển người”. Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời mong rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ủng hộ việc này để công tác cải cách hành chính tiếp tục đạt mục tiêu đề ra.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ tập trung trong tháng 12/2023 báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự thảo Đề án cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, làm cơ sở để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ và Quốc hội.
Liên quan đến phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng nhấn mạnh giải pháp là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng không chỉ cho các dự án đầu tư công, mà còn các dự án hạ tầng khu công nghiệp: Thọ Lộc (VSIP Nghệ An II) và Hoàng Mai II; tập trung các dự án trọng điểm chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; dự án điện khí LNG Quỳnh Lập tại TX Hoàng Mai.
Về giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh sau khi Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã thống nhất báo cáo HĐND tỉnh thông qua; trên cơ sở đó, UBND tỉnh cùng với các ngành, địa phương liên quan thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để triển khai trong năm 2024.
Đối với đề xuất định hướng mới cho Chương trình Tết Vì người nghèo, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An có báo cáo chuyên đề riêng.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM "LINH HOẠT, CHỦ ĐỘNG, CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM".
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá, trong bối cảnh khó khăn song tỉnh đã có những nỗ lực vượt bậc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Năm 2024, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 9 - 10% trước bối cảnh dự báo còn hết sức khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tập trung cao độ, nhất là các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt.
Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý, trong lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, linh hoạt, đeo bám chắc chắn sẽ có những quan điểm, suy nghĩ khác nhau thì phải tìm giải pháp xây dựng, cùng đoàn kết, bắt tay nhau tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh thật tốt.
Bí thư Tỉnh ủy đồng thời lưu ý các nhiệm vụ quan trọng, theo đó cần tập trung thực hiện để đến Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (vào tháng 5, 6/2024) của Quốc hội phải trình được cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về Nghệ An; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh; khởi công được Cảng nước sâu Cửa Lò; tập trung hoàn thành một loạt dự án hạ tầng giao thông gồm: Đường ven biển, đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường N5 kéo dài nối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tân Kỳ.
Đối với nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh, tỉnh cần chuẩn bị tâm thế tốt để khi Bộ Chính trị cho chủ trương về xã hội hóa cảng hàng không thì vào cuộc ngay.
Người đứng đầu Tỉnh ủy đồng thời yêu cầu tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, ngoài đảm bảo hạ tầng thì phải tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính, chỗ nào mà cán bộ cấp phòng có dư luận không tốt thì lãnh đạo đơn vị đó cần chủ động thực hiện điều chuyển ngay, không chờ Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh nhắc nhở.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở. Mục tiêu là trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030 phải hoàn thành.
Thống nhất các trao đổi, thông tin của lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ là triển khai đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, đồng thời phải bám để sớm có nguồn vốn thực hiện kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, sau khi Quốc hội thống nhất bố trí nguồn vốn.
Cũng trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào diện thỏa thuận hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Nghệ An với các tỉnh của Lào học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh; nghe và cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; cho ý kiến về chương trình, nội dung họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh.
Cũng tại kỳ họp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Trong đó, yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Vinh, Đảng ủy Báo Nghệ An và các cá nhân có liên quan kiểm điểm nghiêm túc, xây dựng kế hoạch khắc phục triệt để các khuyết điểm, vi phạm đã được kết luận qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, giám sát thường xuyên việc khắc phục các khuyết điểm của các tập thể và cá nhân.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với đồng chí Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường và đồng chí Nguyễn Huy Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh về các khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện quy định của Đảng, quy chế làm việc và chức trách, nhiệm vụ được giao.