Nâng cao giá trị kinh tế cam Quỳ Hợp

(Baonghean) - Trồng cam được xem là nghề làm giàu trên vùng đất đỏ bazan Quỳ Hợp. Nhờ cây cam mà nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hằng tỷ đồng mỗi năm. Đây chính là tiền đề quan trọng để UBND huyện xây dựng Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”.
Khẳng định thế mạnh của cây cam
Khi chúng tôi đến xóm Tàu - xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) vợ chồng bà Vũ Thị Lý, ông Trương Văn Tuyến đon đả đón chúng tôi với con cá chép hơn 2kg xách trên tay. Bà Lý cho biết hôm nay là ngày hồi công thợ. Rằng gia đình gom góp tiền thu nhập từ cây cam làm cho cậu con trai cả một ngôi nhà. Ngôi nhà 2 tầng khang trang dựa lưng vào vườn cam hơn 1.000 gốc. Ông Trương Văn Tuyến là người dân tộc Thổ nhưng rất nhạy bén trong phát triển kinh tế. Trên diện tích gần 20 sào vườn đồi, gia đình ông đã trồng 700 gốc cam Valencia, 300 gốc cam Xã Đoài, Vân Du.
Ngoài ra còn có 200 gốc quýt. Năm 2013, vụ thu hoạch cam đầu tiên gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Sang vụ thu hoạch năm 2014 vườn cam, quýt đã mang lại cho gia đình ông gần 300 triệu đồng. Hiệu quả từ vườn cam đã nhìn thấy rõ, cuộc sống được nâng lên, tuy nhiên, ông Tuyến cũng cho rằng cây cam chỉ thực sự mang lại giá trị cao và bền vững nếu hộ trồng cam yên tâm khi chọn giống ban đầu, được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhất là có đầu ra ổn định, giá cả không bị phụ thuộc vào thương lái như lâu nay.
Vườn cam của gia đình ông bà Trương Văn Tuyến và Vũ Thị Lý.
Vườn cam của gia đình ông bà Trương Văn Tuyến và Vũ Thị Lý.
Trăn trở của gia đình ông Trương Văn Tuyến cũng chính là lo lắng của các hộ dân trồng cam lâu nay ở huyện Quỳ Hợp. Theo thống kê, tính đến thời điểm này toàn huyện có 1.768 ha cây ăn quả có múi các loại, riêng cây cam đạt 1.520 ha, chiếm 80% diện tích. Trong đó diện tích cam kinh doanh đạt khoảng 600 ha. Sản lượng cam bình quân toàn huyện đạt từ 10.000 - 12.000 tấn/ha/năm. Thực tế cho thấy, cây cam bén duyên vùng đất Quỳ Hợp từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Và được trồng nhiều kể từ năm 1987. Điều đặc biệt hơn, giai đoạn ấy dù diện tích còn khiêm tốn nhưng vẫn là thời kỳ “hoàng kim”, bởi cam nơi đây liên tục được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Liên Xô (cũ) với khoảng 1.000 tấn/năm. Cho đến nay cây cam phân bố chủ yếu tại vùng đất đỏ bazan thuộc địa bàn các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn. Nhìn thấy nguồn lợi từ loại cây trồng này, diện tích không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2011 diện tích cam khoảng hơn 400ha thì đến 2014 toàn huyện có gần 830ha. Sản lượng năm 2014 đạt hơn 18.000 tấn, tăng 38% so với năm 2013. 
Cam Quỳ Hợp với hương vị thơm ngọt đặc trưng, từ lâu đã được đánh giá là đặc sản của Nghệ An. Năm 2007, cam Quỳ Hợp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh”. Tuy vậy, về khách quan cho thấy tình hình sản xuất cam còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Chất lượng giống chưa bảo đảm nên sản phẩm không đồng đều về hình dạng, màu sắc, kích thước cũng như chất lượng. Bên cạnh đó người trồng cam ít được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản nên chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường... 
Cây cam được xem là cây làm giàu ở Quỳ Hợp
Cây cam được xem là cây làm giàu ở Quỳ Hợp
Phát triển bền vững thương hiệu “cam Quỳ Hợp”
Thực tế đặt ra cho huyện Quỳ Hợp là cần phải hình thành một hướng đi bền vững đối với cây cam nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhất là cây cam với ý nghĩa cây làm giàu đã được thực tiễn đánh giá và kiểm chứng. Tất cả những yếu tố trên chính là lý do của sự ra đời Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020”. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm khai thác tối đa về tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng cam. Đề án sẽ được thực hiện trong địa bàn 6 xã, gồm: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn và Tam Hợp. Đây là những địa phương nằm trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ có truyền thống phát triển cây cam. 
Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho rằng, việc xây dựng đề án phát triển cây cam ở Quỳ Hợp là bước đi cần thiết. Bằng nguồn lực sẵn có, mỗi năm diện tích cam tăng thêm 300 ha, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cam toàn huyện đạt 3.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 45.000 tấn/năm, trong đó cung ứng nguyên liệu cho ngành chế biến khoảng 44,5%. Cũng theo đề án, đến năm 2020, trên 50% sản phẩm cam khi xuất ra thị trường phải có thương hiệu, nhãn hiệu; 30 - 40% diện tích cam sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP. 
Lâu nay người dân Quỳ Hợp trồng cam chủ yếu theo hướng tự phát
Lâu nay người dân Quỳ Hợp trồng cam chủ yếu theo hướng tự phát
Đây không phải là lần đầu tiên một chính sách về phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nghệ An được hình thành và triển khai vào đời sống. Xét trên mọi khía cạnh việc xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp là phù hợp với điều kiện địa phương và bối cảnh thị trường. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Theo ông Trương Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân, là 1 trong 6 địa phương thuộc phạm vi thực hiện đề án, thì cái khó nhất là vốn.
Cây cam không chỉ là cây làm giàu, nó còn là cây “nhà giàu”, nghĩa là việc trồng cam phải đầu tư rất lớn. Từ cải tạo đất, làm hạ tầng, cây giống, thời gian chăm sóc, quy trình kỹ thuật… “Trong khi đó không phải hộ dân nào có diện tích, vườn đồi cũng có thể có vốn để đầu tư vào cây cam. Cây cam hiệu quả thật song tỷ lệ hộ trồng cam cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên cũng chỉ tính trên đầu ngón tay” - ông Chính chia sẻ. Bên cạnh đó, lâu nay việc trồng cam ở các xã của Quỳ Hợp vẫn đang chạy theo phong trào, diện tích quy hoạch manh mún, cây giống không thống nhất, mạnh ai nấy trồng. Vậy nên nhiều khu vực không nằm trong diện quy hoạch, nhưng một số hộ dân đã phá bỏ cây mía chuyển sang trồng cam. Chính điều này tạo ra sự bất ổn định trong mục tiêu phát triển kinh tế. 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, cũng chia sẻ: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương rất phấn khởi ủng hộ đề án. Nhất là trong điều kiện xã là một trong những địa phương trồng cam sớm nhất trên vùng đất Phủ Quỳ nói chung và Quỳ Hợp nói riêng. Cái khó khăn cho người trồng cam hiện nay chính là bà con đang nhận khoán đất sản xuất của Công ty TNHH MTV nông - công nghiệp 3/2 và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành. Khi triển khai đề án, ít nhiều gặp khó khăn trong công tác quản lý hành chính nhà nước và hoạt động liên kết, phối hợp sản xuất giữa các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, ông Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cũng cho biết, do thả nổi thị trường nên từ trước đến nay sản phẩm cam của Quỳ Hợp đang bị lẫn lộn với các loại khác. Người tiêu dùng ít có cơ hội nắm bắt được xuất xứ cam và nhất là cam nơi đây chưa được quảng bá, lan tỏa đúng như kỳ vọng của địa phương. 
Sẽ rất không dễ để UBND huyện Quỳ Hợp hóa giải những yêu cầu thực tế đặt ra. Cho dù đơn vị chủ đầu tư cũng đã tính đến những yếu tố khó khăn, vướng mắc có thể tác động đến việc triển khai đề án. Một số giải pháp trọng tâm được huyện đưa ra là sẽ xây dựng 1 khu sản xuất cam ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành, xã Minh Hợp với quy mô 10 ha sản xuất giống cam; Tập trung đào tào cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại; Khuyến khích phát triển kinh tế hộ và các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cây cam…
Tổng kinh phí của đề án dự kiến khoảng 650 tỷ đồng được phân khai bằng các nguồn vốn từ ngân sách, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và huy động từ người dân. Trong đó dự kiến huy động xã hội hóa trong nhân dân khoảng 46,2%, tương đương 300 tỷ đồng. Đề án hướng đến quy trình sản xuất cam khép kín từ khâu tuyển giống cho đến chế biến sản phẩm và đưa ra thị trường. Bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, đề án phát triển cây cam ở đây không nằm ngoài mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Theo đó, quy trình phát triển vùng nguyên liệu cam với tính chất là hàng hóa sẽ được đầu tư bằng chất xám và khoa học nhờ vào các quy trình lựa chọn tạo giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, chế biến, giới thiệu quảng bá sản phẩm và thị trường. Tuy nhiên, lâu nay cũng như một số địa phương trồng cam ở miền Tây Nghệ An, cam Quỳ Hợp đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, nhưng sự lẫn lộn giữa các địa phương đã tác động không nhỏ đến việc đưa sản phẩm cam Quỳ Hợp ra thị trường, trong khi cam mỗi vùng có đặc trưng riêng. Chính vì vậy, mục tiêu cao nhất của đề án là tạo ra thương hiệu cam Quỳ Hợp trong tổng thể chỉ dẫn địa lý đã được cơ quan chức năng bảo hộ. Đó cũng là cách phát huy tối đa chất lượng, lợi thế của loài cây có múi này. 
Có thể nói, việc triển khai đề án phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế đặt ra cho một trong những “vựa” cam của miền Tây Nghệ An. Vẫn còn nhiều thời gian để huyện Quỳ Hợp chứng minh tính khả thi của đề án. Thực tế ở nhiều địa phương cũng ghi nhận rằng chỉ với bản đề án là chưa đủ, mà cần hơn sự vào cuộc thực sự và quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị địa phương. Và đề án phát triển bền vững thương hiệu “cam Quỳ Hợp” cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Vân Nhi

tin mới

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

Bùng nổ khuyến mại lên tới 50% trên toàn hệ thống WinMart

(Baonghean.vn) - Từ nay cho đến hết 8/5/2024, chuỗi bán lẻ của WinCommerce sẽ triển khai tích cực các chương trình khuyến mại định kỳ áp dụng giá tốt cho hơn 600 sản phẩm giá siêu sốc và Tuần lễ Thương hiệu Clear tại hơn 3600 điểm bán trên toàn quốc, mang tới nhiều ưu đãi cho hội viên WiN.

"Tài chính vững vàng- sẵn sàng bứt phá" từ BAC A BANK. Ảnh: BAB

BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - Trao doanh nghiệp 'đặc quyền vượt trội' để bứt phá kinh doanh

(Baonghean.vn) - Đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, BAC A BANK triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

Xuân Hoàng

Khi nào thì vận hành lưới điện 110kV ở Tân Kỳ?

(Baonghean.vn) - Mặc dù dự án lưới điện 110kV của huyện Tân Kỳ đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đô Lương nên đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành được.

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

(Baonghean.vn) -Ngày mai (22/4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhằm góp phần hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trước thông tin này, thị trường vàng Nghệ An trong những ngày qua khá trầm lắng, giao dịch giảm hẳn…

Dây điện chằng chịt

Dây điện chằng chịt tại vựa rau lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Huyện Quỳnh Lưu được xem là thủ phủ rau màu của tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, hiện nay, việc canh tác rau nơi đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là hệ thống điện phục vụ sản xuất rau mất an toàn, đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa nắng nóng, mưa bão.