PCCC rừng: Bài 1 - Bị động với "giặc" lửa!

(Baonghean) - Năm 2014, tỉnh Nghệ An xảy ra 29 vụ cháy rừng, thiêu hủy 175 ha rừng. Năm 2015, dự báo mùa nắng nóng nguy cơ cháy rừng rất cao. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) dù đã được các địa phương, đơn vị quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, bị động; đặc biệt khi những nguyên nhân cháy rừng chưa được làm rõ và công tác PCCCR tồn tại những bất cập kéo dài nhiều năm nay.
Khó truy tìm thủ phạm
Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp Nghệ An, trong số 29 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm 2014, phần lớn là rừng thông. Không chỉ thiệt hại về rừng, đã có người chết, bị thương trong quá trình dập lửa cứu rừng. Qua đó cho thấy rằng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng đang ở giai đoạn hết sức phức tạp, tiêu tốn nhiều công sức, vật lực.
Cháy rừng tại Nam Tân - Nam Đàn
Cháy rừng tại Nam Tân - Nam Đàn
Tình trạng cháy rừng diễn ra tại nhiều địa phương như Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành… Huyện Nam Đàn là địa phương có số vụ cháy rừng cao; theo con số thống kê của huyện và ngành chức năng, năm 2014, trên địa bàn xảy ra 7 vụ cháy lớn ở các xã Nam Lĩnh, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Lộc, Nam Tân, Khánh Sơn, gây thiệt hại tổng diện tích 105ha, trong đó có 85 ha chủ yếu là thông và keo. Trên thực tế, địa phương này còn nhiều vụ cháy nhỏ mà không được thống kê, báo cáo; trong đó, diện tích rừng bị cháy chủ yếu thuộc quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn. Điển hình như vụ cháy rừng vào ngày 1/6 tại lô 1,5, khoảnh 3, tiểu khu 1017B tại xã Nam Tân và lô 9, khoảnh 1, tiểu khu 1018 tại xã Nam Lộc đã thiêu rụi 50 ha rừng thông. Tại xã Khánh Sơn, năm 2014 trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ cháy, diện tích thiệt hại 50 ha...
Ông Nguyễn Trọng Tranh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: Toàn xã có 956 ha rừng, trong đó xã quản lý 400 ha, còn lại là do BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý. Xã có 21 xóm thì trong đó có 11 xóm có rừng. Rừng trên địa bàn xã chủ yếu là rừng thông, tập trung liền vùng, liền giải giáp ranh  với nhiều địa phương khác, nên nguy cơ cháy là rất cao. Tại xã Nam Lĩnh (Nam Đàn), trong năm 2014 cũng đã xảy ra 2 vụ cháy, gây thiệt hại 1,9 ha rừng thuộc BQL rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý... 
Thực tế qua các vụ cháy rừng có thể thấy rằng, công tác PCCCR tại các địa phương hiện còn nhiều tồn tại. Nhất là việc, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được thủ phạm gây ra cháy rừng. Đơn cử xã ở Khánh Sơn (Nam Đàn) xảy ra 4 vụ cháy vào năm 2014, nhưng  chỉ xác định được nguyên nhân 1 vụ do cháy lan từ Hà Tĩnh sang, 3 vụ còn lại thì chưa rõ nguyên nhân, công an huyện và xã đã tiến hành phối hợp điều tra nhưng đến nay chưa có kết quả. Tại huyện Thanh Chương, theo ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết, số vụ cháy xã thống kê được là 39 vụ, trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại về rừng gồm thông, keo, còn lại 8 vụ cháy khác là cháy thực bì; hầu hết các vụ cháy tại xã Thanh Lâm vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Trao đổi về việc điều tra thủ phạm gây ra cháy rừng ở Thanh Lâm, ông Trần Xuân Tuyến - Trưởng Công an xã Thanh Lâm cho rằng: Rừng Thanh Lâm không có cửa rừng. khó trong kiểm soát người dân đi đốt ong, đốt cỏ để chăn thả gia súc; rồi người đi khai thác cây rành rành làm chổi trong rừng thông... Đến nay chúng tôi cũng chưa tìm ra được thủ phạm gây cháy rừng vì không khoanh vùng được. Tìm về xóm Tân Sơn của xã Thanh Lâm, nơi năm nào cũng có cháy rừng xảy ra, ông Thái Văn Hải - xóm trưởng cho biết: Trong năm 2014, khu vực rừng của xóm xảy ra 5 vụ cháy làm thiệt hại 6,5 ha rừng. Khi có cháy thì xóm đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân đi dập lửa, nhưng do lửa bùng phát nhanh, gió thổi mạnh, phương tiện chữa cháy thô sơ nên hiệu quả kém...
Sau khi các vụ cháy xảy ra, lực lượng công an cũng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân cháy rừng, nhưng đáng tiếc đến nay vẫn chưa tìm ra được vụ nào. Thượng tá Hoàng Duy Hải, Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Công an huyện Nam Đàn, cho biết: Khi có cháy rừng xảy ra, lực lượng công an đã điều động cán bộ tham gia chữa cháy và thành lập Hội đồng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân cháy. Trên cơ sở đó, soát nóng các thông tin ban đầu để có nhận định, đánh giá nguyên nhân và định hướng điều tra. Công an tỉnh  cũng  huy động 1 tổ triều tra xuống cùng phối hợp với công an Nam Đàn nhưng đến nay chưa có kết quả, mới chỉ phát hiện được 1 vụ cháy có dấu hiệu tội phạm sau khi cơ quan công an thu được 1 mẩu nến sót lại tại khu vực rừng của xã Nam Lĩnh. “Do địa hình phức tạp, sau khi cháy thì không còn dấu vết nào. Điều tra án cháy rừng quả rất khó” - ông Hải cho biết. 
Xử lý thực bì ở xã Nam Lộc (Nam Đàn).
Xử lý thực bì ở xã Nam Lộc (Nam Đàn).
Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý 
Có thể nói, năm 2014 là một năm quá vất vả đối với ngành Lâm nghiệp, chính quyền và người dân ở các xã có cháy rừng. Thiệt hại về kinh tế thì đã rõ, nhưng những giá trị bền vững về rừng, về môi trường sinh thái... thì không đong đếm được. Bước sang mùa nắng nóng năm 2015, công tác PCCCR lại đang trở nên cấp thiết khi thời tiết đã và sẽ khô hạn nặng theo dự báo. Các cơ quan chức năng, địa phương đã triển khai kế hoạch và phương án PCCCR năm 2015. Song trong quá trình triển khai ở các địa phương thì cho thấy nhiều “lỗ hổng” chưa được khắc phục. Tại xã Thanh Lâm (Thanh Chương), công tác triển khai phương án PCCCR chậm.
Đến ngày 1/4, xã vẫn chưa triển khai phương án PCCCR cho các xóm, chưa tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân trên toàn xã, chưa thành lập được tổ bảo vệ rừng ở các xóm. Về phương tiện chữa cháy, thì theo danh sách ở xã đã phân về cho các xóm quản lý, còn một ít dụng cụ để ở UBND xã quản lý được cất trong góc tủ, nhưng chưa được sử dụng lần nào! Xã có một máy thổi nhưng hiện đang hỏng phải sửa chữa. Nhìn chung công tác “4 tại chỗ” là chưa đảm bảo. Còn theo xóm trưởng xóm Tân Sơn - ông Thái Văn Hải thì: “Trong những năm làm xóm trưởng, tôi chưa từng thấy dụng cụ chữa cháy nào cấp cho xóm. Người dân đi chữa cháy phải chặt cành cây, cào để dập lửa. Vì dụng cụ quá thô sơ nên hiệu quả dập lửa hạn chế”. 
Tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn), dụng cụ chữa cháy chưa được xã quan tâm bố trí kinh phí mua sắm và phân bổ cho các xóm; chỉ một số ít dao phát đang được cất trong tủ của UBND xã. Máy thổi là phương tiện chữa cháy hiệu quả nhất thì xã chưa có. Ông Tô Xuân Thiện, xóm trưởng xóm 16, Khánh Sơn 2 cho biết, xã có cấp cho xóm 3 dao phát, 4 đôi ủng và mấy bùi nhùi; bùi nhùi đã hư hỏng hết, còn dao phát và ủng thì chỉ cấp cho bí thư, xóm trưởng, xóm phó. Người dân khi đi dập lửa phải tự trang bị dụng cụ, nhưng đa phần là đi tay không và lên rừng chặt cành cây để dập lửa. “Do cháy xảy ra vào ban đêm nên người dân ngại đi lên rừng nên thường xóm chỉ huy động được khoảng 30 - 40 người, thêm lực lượng của xã khoảng 30 người nữa. Phương tiện chữa cháy thiếu thốn, cộng với gió thổi mạnh nên hiệu quả dập lửa không cao.
Như vụ cháy xảy ra vào ngày 2/6/2014, người dân phát hiện cháy vào lúc 7h30 phút tối nhưng đến 12h đêm mới dập xong, nhưng đến 2h sáng ngày 3/6 lửa tiếp tục bùng phát. Do lửa quá lớn nên chỉ biết đứng nhìn chứ không thể dập được. Vụ cháy đã thiêu rụi gần 50 ha rừng của xóm”, ông Thiện cho biết. Kiểm  tra công tác PCCCR ở  huyện Hưng Nguyên cũng cho thấy, nhiều dụng cụ để dập lửa đã bị gỉ sét, vỉ dập lửa bằng sắt thì quá nặng khó sử dụng...
Hiện trạng rừng như ở Nam Đàn giáp ranh với nhiều huyện có diện tích rừng thông như Hưng Nguyên, Thanh Chương, rừng liền dải, liền thửa nên khi cháy lây lan nhanh giữa các xã, các huyện. Chính vì thế, việc xây dựng đường băng cản lửa và công tác thu dọn vật liệu cháy nổ, thực bì là biện pháp nhằm ngăn chặn cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra, thì hầu hết ở các địa phương chưa thực hiện tốt.
Tại xóm 3, Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) có 2.800 ha rừng, trong đó có 1.200 ha do xã quản lý đã được giao khoán đến từng hộ dân. Ông Hồ Đình Sỹ, xóm trưởng xóm 3 cho biết: Hầu hết diện tích rừng do người dân quản lý hiện vẫn chưa được  phân lô cụ thể, chưa xây dựng đường băng cản lửa. Vì thế mà khi có cháy rừng xảy ra thì không thể khoanh vùng được nên lây lan nhanh, diện tích thiệt hại rộng. Điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 11/8/2014 lây lan từ xóm 16 sang, mặc dù lực lượng chữa cháy được huy động gần 500 người, nhưng phải gần 1 ngày đám cháy mới được dập tắt.
Cũng theo ông Sỹ, đến nay hầu hết diện tích rừng do người dân làm chủ chưa được thu dọn thực bì, vật liệu cháy nổ. “Xóm có 104 hộ thì trong đó có khoảng 60 hộ được  giao rừng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 8 hộ là tự bỏ kinh phí ra để thu dọn thực bì. Số còn lại thì mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thực hiện. Vì vậy khi xảy ra cháy một số người dân không dám lên rừng dập lửa sợ phải sụp xuống hố sâu” - ông Sỹ cho biết thêm. 
Lực lượng Kiểm lâm Thanh Chương kiểm tra dụng cụ PCCCR  ở xã Thanh Lâm.
Lực lượng Kiểm lâm Thanh Chương kiểm tra dụng cụ PCCCR ở xã Thanh Lâm.
Theo nhận định chung, nhiều vụ cháy rừng là do sự cố ý của con người. Đối với diện tích rừng hiện nay do UBND xã quản lý, cơ chế giao khoán không rõ ràng, người dân sống gần rừng chưa được giao đất, giao rừng ổn định, nên rừng vẫn được coi là của chung nên dẫn đến hành vi đốt rừng do mâu thuẫn cá nhân. Phương thức giao khoán chưa phù hợp cũng khiến cho người dân sống gần rừng đang bàng quan với cháy rừng. Mặt khác, diện tích quản lý lớn, vì thế mà không đủ nhân lực thu dọn thực bì ở những vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao, khó kiểm soát được người ra vào rừng và càng không kiểm soát được người mang lửa vào rừng. Đặc biệt, khi cây thông đến tuổi khai thác nhựa, thì Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn lại không giao cho hộ gia đình lân cận nhận khai thác, bảo vệ, mà lại giao cho đơn vị ngoài địa bàn, nên dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân do ấm ức. 
Theo ông Bùi Quang Nam, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Chương, xét về vĩ mô mâu thuẫn đang xảy ra ngay chính ở quy hoạch và cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế. Trên một diện tích rừng tồn tại xung đột lợi ích: ngành chăn nuôi cần bãi chăn thả, ngành lâm nghiệp cần phát triển rừng, người dân thì cần có thu nhập hàng ngày nên bám vào rừng, trong khi rừng chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Rồi công tác tuyên truyền ở cơ sở, và yếu tố nữa là sự hưởng ứng của người dân... Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư nhưng đầu tư “đầu voi đuôi chuột”, không hiệu quả. Lấy ví dụ dự án rừng Việt Đức, trồng xong không được bảo vệ, trong khi các xóm Quần Hội, Triều Long 1, Triều Long 2, Sơn Lĩnh 1, Sơn Lĩnh 2, Tân Sơn, Minh Đức… của xã Thanh Lâm đồng loạt triển khai  thu hoạch cây chổi trện bán một ngày vài trăm nghìn đồng.
Một bất cập nữa là khi xảy ra cháy rừng, công tác phối kết hợp giữa các tổ chức, đơn vị liên quan và địa phương chưa chặt chẽ, chưa kịp thời nên hiệu quả chưa cao. Mặc dù có quy định kiểm soát người vào rừng, kiểm soát cửa rừng, tuy nhiên hầu hết các khu rừng không có cửa, khái niệm “cửa  rừng” không tồn tại bởi đường giao thông xuyên rừng và dân ở xung quanh rừng. Lực lượng Kiểm lâm khẳng định không thể chốt chặn 24/24 giờ đối với người ra vào rừng và thực tế không thể biết hết người đã vào hoặc đã ra khỏi rừng...
Châu Lan - Phạm Bằng

tin mới

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.

Hạt sở ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn đạt chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường

Người dân Nghĩa Đàn mở lối thoát nghèo từ cây sở

(Baonghean.vn) -Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn tích cực khôi phục, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị cho cây sở. Hướng đi này mang lại hiệu quả cao, mở lối thoát nghèo cho người dân các xã miền núi đất đai cằn cỗi.