Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng - Bài 1: Đại công trình chiến lược

(Baonghean) - Dự án “Hồ chứa nước Bản Mồng" là công trình thủy nông lớn nhất Bắc miền Trung, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An. Quá trình triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp và nhân dân vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, riêng hệ thống đầu mối được thực hiện trên địa bàn xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (khởi công vào ngày 30/5/2010) còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, gây ách tắc tiến độ thi công…
Là một trong những dự án thủy lợi trọng điểm, nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An theo Quyết định 147/CP của Chính phủ, công trình “Hồ chứa nước Bản Mồng” được Chính phủ cho phép lấy nguồn huy động trái phiếu Chính phủ để xây dựng và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An đồng làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng. 
Phối cảnh Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Phối cảnh Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Theo Quyết định phê duyệt số 1478/QĐ-BNN-XD ngày 26/5/2009 của Bộ NN&PTNT, công trình Hồ chứa nước Bản Mồng được phân thành 4 hợp phần: Đầu mối, hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ chứa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 4 phụ trách; Hợp phần xây dựng các trạm bơm nước lấy từ sông Hiếu và hệ thống kênh kèm theo công trình; Hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư; Hợp phần về công trình thủy điện do Tổng công ty Cơ điện làm chủ đầu tư. Trong đó, đập đầu mối chứa nước Bản Mồng được xây dựng trên dòng sông Hiếu thuộc địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), cách Quốc lộ 48 khoảng 3 km; các trạm bơm và hệ thống kênh trải dài theo hai bờ sông Hiếu từ xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) đến xã Thành Sơn (Anh Sơn). Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án là 3.396 ha; công trình dự kiến triển khai trong 5 năm (2010 - 2015).
Với dung tích thiết kế 235 triệu m3, sau khi hoàn thành, công trình Hồ chứa nước Bản Mồng sẽ cấp nước tưới cho 18.871 ha đất nông nghiệp ven sông Hiếu đang bị hạn hán nghiêm trọng để phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá, thâm canh, năng suất, hiệu quả cao. Trong đó tưới tự chảy 2.713 ha, còn lại tưới động lực bằng hệ thống các trạm bơm và hệ thống kênh được xây dựng dưới đập đầu mối trải dài theo hai bờ sông. Đồng thời, công trình còn có chức năng quan trọng là nơi tạo nguồn cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt với lưu lượng 22 m3/s, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản và cải tạo môi trường trong vùng dự án.  
Các địa phương sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ dự án là các huyện miền núi gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, TX. Thái Hoà. Đây là vùng có tiềm năng sản xuất nông - lâm nghiệp, đất đai tương đối tốt, có thể phát triển được nhiều loại cây trồng và có khả năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm có thế mạnh như mía đường, dứa, lạc, đậu đỗ, cây ăn quả, nguyên liệu gỗ… cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình, đây cũng là những vùng thường xảy ra khô hạn.
Vì vậy, công trình Hồ chứa nước Bản Mồng sẽ “giải khát” cho hàng ngàn ha đất và hàng vạn hộ dân 2 bên bờ sông Hiếu. Ngoài ra công trình còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng chinh phục thiên tai bằng việc cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu và sông Cả, góp phần bảo vệ an toàn tài sản tính mạng của nhân dân trong mùa mưa lũ và sản xuất điện với công suất 42MW để hoà vào mạng lưới điện quốc gia, chống thiếu hụt điện trầm trọng như hiện nay. 
Khởi công xây dựng Hồ chứa nước Bản Mồng, tháng 5/2010 (ảnh lớn). 	Ảnh: Văn Đoàn
Khởi công xây dựng Hồ chứa nước Bản Mồng, tháng 5/2010. Ảnh: Văn Đoàn
Tuy nhiên, cũng như các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na hay Quốc lộ 1A…, để thực hiện xây dựng công trình đại thủy nông “Hồ chứa nước Bản Mồng”, Nhà nước phải tiến hành thu hồi đất. Điều này có tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân do phải di dời tái định cư; bị thu hồi đất ở, đất sản xuất, vật kiến trúc, hoa màu... Tại Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, ở huyện Quỳ Châu có 970 hộ dân phải di dời đến các khu tái định cư; riêng xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp có 218 hộ dân bị ảnh hưởng khi bị thu hồi đất sản xuất…
Cũng như người dân các vùng Tương Dương, Quế Phong và các huyện, thành, thị dọc Quốc lộ 1A, đã chia sẻ khó khăn với Đảng và Nhà nước, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của quê hương, người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nói chung, người dân Yên Hợp (Quỳ Hợp) nói riêng đa phần đồng thuận, chấp nhận hy sinh tài sản, hoa màu, cây cối, đất đai ủng hộ công tác GPMB để đảm bảo tiến độ của dự án. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rất rõ giá trị và ý nghĩa thiết thực lâu dài trong tương lai mà dự án này mang lại cho chính họ và các thế hệ con cháu về sau, nhất là việc giải quyết bài toán khô hạn do thiếu nước, giảm thiểu khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống sinh hoạt. 
Đường vào cụm đầu mối công trình Hồ chứa nước Bản Mồng, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp). 	Ảnh: Nhật Lân
Đường vào cụm đầu mối công trình Hồ chứa nước Bản Mồng, xã Yên Hợp (Quỳ Hợp).               Ảnh: Nhật Lân
Về phía các cấp chính quyền, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, ngay sau khi dự án được phê duyệt, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ NN&PTNT làm tốt các bước đẩy nhanh việc triển khai dự án. Các địa phương vùng bị ảnh hưởng cũng tích cực vào cuộc để đảm bảo tiến độ dự án. Riêng huyện Quỳ Hợp, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể di dân về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Bản Mồng; Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), di dân, tái định cư (TĐC) công trình thủy lợi, Thủy điện Bản Mồng, đã thực hiện công tác BTGPMB giai đoạn 1 với tổng diện tích thu hồi 86,979 ha  (trong đó diện tích bị thu hồi của Lâm trường Đồng Hợp là hơn 29 ha), có 218 hộ bị ảnh hưởng, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ trên 45 tỷ đồng.
Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, sau khi hoàn tất công tác kiểm kê, đánh giá thiệt hại, lập hồ sơ hộ gia đình, cá nhân và chi trả giá trị bồi thường, các hộ dân bị ảnh hưởng đã thống nhất về phương án bồi thường cây cối, hoa màu… trên đất và nhận tiền bồi thường. Đến ngày 16/3/2010, Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp và Ban Quản lý Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4. Ngày 30/5/2010, công trình "Hồ chứa nước Bản Mồng" được chính thức tổ chức lễ khởi công. 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thi công tại khu vực kênh dẫn dòng thuộc cụm công trình đầu mối (Hồ chứa nước Bản Mồng) đã bị đình trệ do 8/218 hộ dân ở xã Yên Hợp (đã nhận bồi thường hỗ trợ hoa màu, cây cối và vật kiến trúc trên đất) ngăn cản để đòi được bồi thường về đất đai. Dù được các cấp, ngành quan tâm giải quyết, nhưng 8 hộ dân nói trên vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài trong suốt hơn 4 năm qua, khiến tiến độ thi công kênh dẫn dòng bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến cả đại công trình thủy nông Hồ chứa nước Bản Mồng. 3 trong 8 hộ tham gia khiếu kiện còn có những hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai (trồng keo trên diện tích đất Nhà nước đã thu hồi) và vi phạm pháp luật (mang quan tài ra đặt tại ngã ba đường đi vào công trình Hồ chứa nước Bản Mồng) vào tối 24 rạng sáng 25/4/2015, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì sao có sự việc này? Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở số báo tiếp theo…
(còn nữa) 
Nhóm P.V

tin mới

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.