Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (bài 2): Vướng mắc kéo dài

(Baonghean) - Theo tiến độ đề ra, hạng mục kênh dẫn dòng của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng tại địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) sẽ được thực hiện trong thời gian 10 tháng. Nhưng, gần 2 tháng sau ngày khởi công (30/5/2010), có 8 hộ dân xã Yên Hợp đã cản trở, có đơn thư khiếu nại khiến các nhà thầu phải dừng thi công cho đến nay...
Theo phản ánh của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, dù Ban quản lý Dự án Bản Mồng và Hội đồng bồi thường GPMB và di dân tái định cư huyện Quỳ Hợp đã ký biên bản bàn giao mặt bằng, nhưng chỉ sau ngày khởi công gần 2 tháng, việc thi công ngừng trệ do có 8 hộ dân  đứng ra ngăn cản, vì vậy, các nhà thầu chỉ thi công cầm chừng cho đến ngày 8/4/2011 thì phải dừng hoàn toàn. Hiện nay, 3/8 hộ dân này còn trồng khoảng 3 ha keo khoảng 2,5 năm tuổi lên phần diện tích đất đã nhận tiền đền bù hoa màu, cây cối, vật kiến trúc trên đất.
Các Hộ dân nói gì?
8 hộ dân cản trở thi công sau đó đơn thư khiếu nại kéo dài từ năm 2010 đến nay gồm hộ các ông, bà: Trần Văn Bình, Đinh Viết Minh, Phạm Xuân Nhân, Ngô Văn Trung, Trần Văn Thể, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hoa (trú tại xóm Trọng Cánh) và Nguyễn Duy Nhiệm (Xóm trưởng xóm Cồng). Những hộ dân này hầu hết là thế hệ thứ hai của những người quê gốc các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương... di dân lên miền Tây theo chủ trương của tỉnh trong những năm 1962 - 1965. 
Phóng viên Báo Nghệ An làm việc với ông Phan Thúc Huỳnh - nguyên cán bộ địa chính xã Yên Hợp.
Phóng viên Báo Nghệ An làm việc với ông Phan Thúc Huỳnh - nguyên cán bộ địa chính xã Yên Hợp.
Theo họ, từ khoảng năm 1987 - 1992, vì thiếu đất sản xuất nên đã tìm vào vùng đất dự án đã thực hiện thu hồi, khi đó chỉ là vùng bờ bụi, lau lách, nứa tép để phát hoang gieo trỉa lúa, trồng ngô, lạc...; cho đến khoảng năm 2002 thì chuyển sang trồng mía và các loại cây trồng khác. Thời điểm Nhà nước thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, họ mới chỉ được bồi thường cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất chứ chưa được bồi thường về đất với tổng diện tích của cả 8 hộ là trên 5,1ha (hộ nhiều nhất khoảng 2 ha; hộ ít nhất 224m2). Và như vậy, theo họ là chưa đúng với quy định của Luật Đất đai, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ dân liên quan. Các hộ dân này cho rằng diện tích đất trên do họ khai hoang, sử dụng liên tục, ổn định, không có tranh chấp, nên thuộc quyền sử dụng của họ và phải được đền bù 100% giá trị về đất.
Để xác thực cho quyền sử dụng đất của mình, ông Đinh Viết Minh (xóm Trọng Cánh) đã đưa ra các tài liệu để chứng minh. Đó là đơn  xác nhận nguồn gốc đất; bản trích đo sơ đồ thửa đất và giấy xác nhận quyền sử dụng đất được ban cán sự xóm Trọng Cánh, cán bộ địa chính và lãnh đạo xã Yên Hợp (ông Mạc Hương - Phó Chủ tịch UBND xã) xác nhận, ký tên đóng dấu. Các tài liệu ông Đinh Viết Minh cung cấp thể hiện được lập vào năm 1993 và năm 2004; diện tích đất mà ông là "chủ sử dụng đất" gồm 20.000m2, tiếp giáp với Lâm trường Đồng Hợp về phía Tây. Ông Minh nói: "Chúng tôi không chống lại chủ trương của nhà nước trong thu hồi đất thực hiện dự án, nhưng đất đai đó là tài sản duy nhất của gia đình nên phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, như các gia đình trong xã được hưởng...". Với trưởng xóm Cồng, ông Nguyễn Duy Nhiệm, việc nhà nước thu hồi 240m2 đất trong hơn 10.000m2 ông đang trồng mía là không đáng kể và cũng chỉ mới lấy đến phần bờ rào, nhưng ông vẫn khiếu kiện bởi "Được thì được, không được coi như cống hiến"(!).  Tuy nhiên, ông Nhiệm cho rằng, trong công tác quản lý đất đai có vấn đề chồng chéo, dẫn đến việc cấp quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp chồng lấn lên đất của người dân khai hoang trước thời điểm năm 1993. Còn ông Trần Văn Bình cho rằng, việc cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp trùm lên đất của 8 hộ dân là không minh bạch...
Đồi keo dân tái trồng trên đất nhà nước đã thu hồi
Đồi keo dân tái trồng trên đất nhà nước đã thu hồi
Các ông Trần Văn Bình, Đặng Viết Minh đều cho rằng, suốt quá trình từ năm 2010 đến nay, dân liên tục khiếu nại nhưng việc giải quyết của chính quyền các cấp là không thỏa đáng; việc Sở TN&MT và các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với dân vào ngày 24/4/2015 và đưa ra kết luận buộc 8 hộ dân phải bàn giao mặt bằng; những hộ trồng cây trên đất nhà nước đã thu hồi thì buộc phải thu hoạch nếu không sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là “ép dân vào bước đường cùng”... Vì vậy, trong ngày 24/4, các ông này đã có những hành động phản ứng thái quá...
Nguyên nhân
Qua xác minh, việc 8 hộ dân xã Yên Hợp vì sinh kế mà khai hoang, vỡ đất trồng cây lương thực, hoa màu (trên đất nhà nước đã thu hồi) từ khoảng năm 1989 là đúng sự thật. Tuy nhiên căn cứ trên các văn bản có đủ tính pháp lý mà Lâm trường Đồng Hợp còn lưu giữ khẳng định phần diện tích đất mà 8 hộ dân này sử dụng thuộc tiểu khu 262 đã được nhà nước giao quyền quản lý sử dụng cho Lâm trường Đồng Hợp. 
Lâm trường Đồng Hợp là đơn vị thành viên của Liên hiệp Lâm công nghiệp Sông Hiếu (nay là Công ty lâm nông nghiệp Sông Hiếu), được thành lập vào năm 1989. Và tổng diện tích 5.325 ha (trong đó có phần diện tích đất hơn 5,1 ha mà 8 hộ dân nói trên) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp vào năm 2003 nằm trong vùng đất nhà nước giao cho Liên hiệp Lâm công nghiệp Sông Hiếu quản lý, thể hiện tại bản đồ phân bổ tài nguyên rừng khu lâm nghiệp Sông Hiếu năm 1970; các Quyết định số 31/CP ngày 8/3/1965 của Hội đồng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị ký, Quyết định số 139/TCH ngày 1/4/1981 của Hội đồng Chính phủ do Phó Thủ tướng Tố Hữu ký, Quyết định số 104LN/KL ngày 3/3/1989 do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt ký, Công văn số 301/LN.UB ngày 26/3/1993 của UBND tỉnh do Chủ tịch tỉnh Hồ Xuân Hùng ký... Đến năm 1989, Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã bàn giao quyền quản lý cho Lâm trường Đồng Hợp. 
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục để được cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Lâm trường Đồng Hợp nhiều lần được UBND xã Yên Hợp xác nhận vào hồ sơ liên quan (từ biểu thống kê lô đất Lâm trường Đồng Hợp xin đăng ký quyền sử dụng đất lập ngày 15/3/2003; Biên bản thống nhất ranh giới lập ngày 20/5/2003; Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất). Không chỉ vậy, ngày 15/5/2003, lãnh đạo UBND xã Yên Hợp là ông Mạc Hương (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND xã) còn có Tờ trình số 08/TT-UB gửi UBND tỉnh đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp (trong tờ trình có nêu rõ địa giới của xã Yên Hợp và lâm trường). 
Làm việc với Lâm trường Đồng Hợp, Giám đốc Hồ Thanh Hùng tái khẳng định phần đất 8 hộ dân đang khiếu nại thuộc lâm trường quản lý; dù vậy, ông cũng xác nhận có việc 8 hộ dân sản xuất trên khu đất này trước thời điểm năm 1999; và cho đến năm 2009, lâm trường mới kiểm tra, lập biên bản với các hộ dân nhưng chỉ có 1 hộ ký nhận. Như vậy có thể thấy một trong những lý do dẫn đến việc 8 hộ dân cho rằng đất do họ bỏ công khai hoang, sản xuất ổn định từ 1989 và không có tranh chấp thì họ phải được công nhận quyền sử dụng đất có nguyên nhân từ việc quản lý còn lỏng lẻo của Lâm trường Đồng Hợp. Đây là hệ lụy của một thời kỳ lịch sử, bởi cả một giai đoạn dài trước đây, khi đất đai còn chưa có giá trị, các tổ chức nông lâm trường được Nhà nước giao quản lý sử dụng đất đai nhiều, nhưng việc quản lý thiếu chặt chẽ. Trong khi đó, từ những năm 1962 - 1965, tỉnh có chủ trương di dân từ các vùng đồng bằng lên miền Tây. Chỉ riêng trên địa bàn xã Yên Hợp đã có khoảng trên 500 hộ di dân từ vùng Thanh Chương, Hưng Nguyên… lên lập nghiệp. Vì sinh kế, người dân thời điểm đó và thế hệ sau của họ đã tự tìm đất để khai hoang sản xuất mà không được chính quyền cơ sở, tổ chức nông lâm trường quan tâm, nhắc nhở nên không biết mình đang sản xuất trên đất đã có chủ sử dụng.
Qua điều tra xác minh, một nguyên nhân chính yếu đã dẫn tới việc 8 hộ dân kéo dài việc đơn thư khiếu nại đến hơn 4 năm trời ròng rã xuất phát từ việc làm trái trong xác nhận quyền sử dụng đất của UBND xã Yên Hợp, mà người chịu trách nhiệm chính là ông Mạc Văn Hương - nay là Chủ tịch UBND xã. Cụ thể, trên hồ sơ thể hiện năm 2003, chính quyền xã Yên Hợp đã xác nhận cho Lâm trường Đồng Hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả phần đất thuộc tiểu khu 262, thế nhưng đến năm 2009, lại xác nhận quyền sử dụng đất cho 8 hộ dân kèm theo sơ đồ trích đo thửa đất trong đó thể hiện đất của các hộ dân phía Tây giáp rừng Lâm trường Đồng Hợp! 
Và, mặc dù cả chính quyền và người dân đều chứng thực giấy xác nhận quyền sử dụng đất được làm năm 2009, nhưng trong xác nhận của UBND xã lại đề ngày 14/10/1993 do ông Mạc Hương ký tên đóng dấu với chức danh Phó Chủ tịch UBND xã (tại thời điểm năm 1993, ông Hương chưa là Phó chủ tịch UBND xã). Mặt khác, trong giấy xác nhận này còn có chữ ký của ông Phan Thúc Huỳnh với chức danh "địa chính xã" dù theo chính ông này “vào năm 2007, vì không có bằng cấp nên ông đã phải nghỉ không làm cán bộ địa chính của xã Yên Hợp. Năm 2009, vì có thâm niên làm công tác đất đai nên ông được UBND xã giao "giúp đỡ" cán bộ địa chính mới trong thực hiện bồi thường GPMB Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng”. Giấy xác nhận được thực hiện năm 2009, rõ ràng việc ông Huỳnh ký xác nhận với tư cách "địa chính xã" là không đúng thẩm quyền.
Qua đây, có thể thấy việc UBND xã Yên Hợp xác nhận nguồn gốc sử dụng đất như trên là trái với quy định; vì ngày, tháng, năm tại thời điểm xác nhận không phù với chức danh lúc đó của người ký xác nhận. Mặt khác, diện tích mà các hộ đề nghị UBND xã xác nhận đã được UBND tỉnh giao quyền quản lý và sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp  chứ không thuộc quyền quản lý của xã Yên Hợp. Dù việc làm của UBND xã Yên Hợp là do tắc trách, thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật (hay vì tạo điều kiện cho dân được hưởng đền bù về đất nên cố tình “lách luật”), thì cũng là nguồn cơn dẫn đến người dân vin vào đó để khiếu kiện kéo dài. Ở đây, vì đã có sự thỏa thuận để điền sai thông tin trong giấy xác nhận, nên trong cái sai của chính quyền địa phương cũng có cái sai của người dân. 
Còn một nguyên nhân khác cần phải nhắc đến, đó là khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hợp phần cụm đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn xã Yên Hợp, có 218 hộ dân bị ảnh hưởng và thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, thì có khá nhiều hộ dân thuộc xóm Trọng Cánh. Cùng khai hoang, sản xuất, nhưng trên vùng đất do xã quản lý thì  ngoài được đền bù về tài sản, vật kiến trúc còn được hưởng bồi thường về đất theo quy định của luật. Chỉ có 8 hộ nói trên, vì sản xuất trên đất của lâm trường, nên chỉ được hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc trên đất nên nảy sinh ra sự so sánh, cho rằng như vậy là có sự không công bằng.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đã từng xuất hiện những vướng mắc tồn đọng từ nhiều năm trước để lại thể hiện những bất cập trong các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật các thời kỳ; sự yếu kém, lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai, quản lý hành chính của chính quyền địa phương cơ sở và những tổ chức liên quan. Có thể xem đấy là những vấn đề mang tính lịch sử để lại. Những vướng mắc trong GPMB thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng ở địa bàn xã Yên Hợp cũng bắt nguồn từ đó. 
Việc chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan đã giải quyết vướng mắc trong GPMB Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nói trên như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở các số báo sau...
(Còn nữa)
  Nhóm P.V

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.