"Những dấu hỏi" trên đồng muối

(Baonghean) - Bạn tò mò chăng, về “những dấu hỏi”? Nếu bạn đã qua đồng muối vào trưa gắt nắng, hẳn rằng sẽ ám ảnh bởi những tấm lưng người. Những tấm lưng cong hình dấu hỏi, trên cánh đồng lấp lóa lân tinh. Và ở bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến những “tấm lưng”- những “dấu hỏi” ấy, không chỉ bởi đặc thù công việc, mà còn bởi gánh nặng của tuổi tác, của nỗi vất vả suốt một đời trên đồng bãi quê hương.

Ông Trương Văn Tâm và bà Lê Thị Tường (xóm Kim Liên - Diễn Kim - Diễn Châu) trên đồng muối.
Ông Trương Văn Tâm và bà Lê Thị Tường (xóm Kim Liên - Diễn Kim - Diễn Châu) trên đồng muối.
Khi bắt đầu chấp chới có những cơn nắng sau những ngày đông giá rét, là diêm dân Diễn Kim (Diễn Châu) đã tất tả cho một vụ muối. Họ soạn sửa xuống đồng, làm đất, chỉnh trang ô, nề và lợp lại lều chứa muối. Những thửa giát phơi phóng tinh tươm, bắt đầu xăm xắp nước chờ nắng “chín”. Dân 3 xóm thuần nghề muối của Diễn Kim (Kim Liên, Bắc Liên, Nam Liên) cũng chỉ biết trông cậy vào hạt muối mà mưu sinh. Họ lấy nỗi vất vả làm niềm vui, đổi mồ hôi mà lấy vị mặn cho đời…
Một đời với muối
Từ cữ nắng tháng 3 lại nay, ngày nào ông Trương Văn Tâm và vợ là bà Lê Thị Tường (xóm Kim Liên) đều đã trên, dưới 80 tuổi cũng gọi nhau trở dậy từ hơn 3 giờ sáng. Trong căn nhà nhỏ cũ kỹ được làm từ những năm 70 của thế kỷ trước, ngọn đèn đỏ quạch được bật lên. Căn nhà đơn sơ đến nỗi, cái xe đạp gỉ sét, không còn phanh cũng trở thành vật dụng “sáng giá” nhất. Bà Tường loay hoay trên chiếc chõng tre cót két, gọt cau, têm trầu. Ông Tâm mở cửa, ra góc sân tìm xe cút kít, trang và thêu (dụng cụ làm đất, xúc muối) . Bà nhắc ông nhớ cầm theo chai nước. Rồi chừng 4 giờ, hai người lụi cụi xuống đồng. Hai cái bóng đã còng, vác theo trang và thêu cán dài lêu đêu, xiêu vẹo trong bóng sáng lờ mờ của đất trời.
Lúc này, trên đường làng cũng đã bắt đầu đông dần. Người ta í ới hỏi nhau đoán định về thời tiết như đó là câu chào muôn thuở của diêm dân. Cánh đồng 4 giờ sáng, đang còn chút gió mát. Cặm cụi, miệt mài, người xúc đất, người tưới nước… Làm đến chừng 7, 8 giờ thì về nhà, cơm nước. Chờ tới giữa trưa, khi nắng nhất (hơn 12 giờ), lại xuống đồng. Tưới thêm nước mặn lắng từ các giếng chứa lên ô giát, rồi trang đất, xúc đất đổ rãnh. Chờ muối kết dần trong gió và nắng quạt lửa. Vun muối thành đống, hong cho khô. Xúc muối lên xe, đẩy cất dần vào kho… Ông Tâm nói rằng, nhắm mắt lại, ông vẫn làm được thành thạo, không sai một ly những công việc ấy…
Năm 1964, khi ấy ông Tâm đang là xã viên của HTX Nông nghiệp Đại Thành thì được vận động và trở thành một trong những người tiên phong đi khai hoang đồng muối Diễn Kim. “Nghề muối, đất muối muôn đời đã có ở đây, nhưng trước người dân làm thuê cho Pháp. Còn khi ấy, là làm cho hợp tác xã, ta đã đứng lên làm chủ”- ông Tâm nhớ lại với nỗi bùi ngùi xen lẫn tự hào. “Cả tôi và bà ấy (bà Tường- PV) đã gắn bó với hạt muối từ ngày ấy. 7 đứa con tôi cũng từ đồng muối mà lớn lên, rồi lần lượt cũng nối gót theo nghề. Cho tới giờ, đến đời các cháu cũng vẫn tiếp nghề muối”.
7 người con ông Tâm, theo mẹ cha xuống nại từ nhỏ. Cái nghề đến vất, mấy đời cũng chưa thấy khá lên. Ông Tâm khẽ thở dài. Có lẽ vậy, nên chẳng có con nào nuôi nổi cha mẹ, hai ông bà già vẫn một mái nhà, ngày ngày cặm cụi lao động tự nuôi mình. 2 giát muối, mỗi ngày nắng 2 ông bà cũng có được dăm chục ngàn.  Nhưng ông nói, ông sống chết cũng không bỏ nghề muối. Nói rồi, ông xòe bàn tay ra. “Chỉ có người làm muối mới có được bàn tay này”. Một bàn tay với các ngón đều to, vết chai hằn sâu giữa lòng tay thô ráp. Suốt một đời cầm trang, cầm thêu và đẩy xe mà…
Ông Cao Thành Long, người “dẫn đường” của chúng tôi đồng thời cũng là Chủ nhiệm HTX Diêm nghiệp Kim Liên với 1.200 xã viên là diêm dân của 3 xóm muối giới thiệu thêm cho chúng tôi biết, ông Tâm đã từng được tặng danh hiệu “chiến sỹ thi đua”, là lao động giỏi, đội trưởng đội cao sản, được đi tham quan lăng Bác Hồ những năm xưa. Chuyến đi thăm lăng Bác cũng là chuyến đi xa nhất trong đời người diêm dân Diễn Kim ấy. Lần đầu tiên, ông xa đồng muối, xa cái mặn ngái mà ông luôn cảm thấy trong gió quê, xa tiếng xe cút kít trên con đường thấp thỏm, gập ghềnh… Để rồi, trở về, ông lại tiếp tục nhịp điệu không ngừng nghỉ, yêu thêm công việc mình làm, đôi lúc nhớ về chuyến đi như một kỷ niệm đặc biệt của đời mình.
Và không chỉ có ông Tâm, bà Tường, rất nhiều người già trong các gia đình, dù đã hết tuổi lao động vẫn đang ra đồng cùng con, cháu. Có người được con, cháu thuê ruộng hộ, tự làm việc nuôi sống bản thân. Trên cánh đồng Diễn Kim, chúng tôi gặp bà Đào Thị Thiềng (tuổi trên 70) đang gắng đóng những bì muối để nhập cho thương lái. Bà xúc muối gom góp từ đầu mùa ở trong kho, và người mua đến tận ruộng để chở. Lúc này, con gái bà, chị Lê Thị Biển cũng vừa tới để cân muối giúp mẹ. Chị nói, bà Thiềng ở một mình, cha chị mới mất, chị nhận mấy giát muối này lâu nay để cha mẹ có đồng tiền mà tiêu vì con cháu đều nghèo cả. Nhà chị làm muối đến 5 đời rồi, từ thời ông bà cố của chị đến nay. Ngoài làm việc trực tiếp trên đồng, chị Biển cũng tự đi bán muối khắp nơi để “may chăng còn có thêm đồng tiền lãi”. Rồi chị nhẩm tính, lượng muối bà Thiềng làm được từ đầu mùa đến giờ chừng được 1,5 tấn, bán cho thương lái chỉ được chừng một triệu rưỡi cho mấy tháng ròng làm việc cật lực…
Sinh nghề, tử nghiệp
Cánh đồng muối càng nắng trưa, càng thêm đông người. Ông Cao Thành Long nói rằng, đợt nắng vừa qua, rất nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi đã bị “hớp nắng” mà ngất xỉu. Cách “chống nóng” truyền thống bao đời nay, cũng chỉ thêm manh áo dài, thêm khăn bịt mặt, chiếc khăn mặt ẩm đội lên đầu dưới vành nón. Đồ lề “xuống nại”, ngoài dụng cụ lao động, có chai nước buộc dây treo toòng teng trong lều, thêm túi trầu đối với các bà lão. “Sang” hơn một chút thì mua thêm viên C sủi bỏ vào chai nước. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của ông bà Tâm trong ngôi lều nhỏ chứa muối giữa ruộng, chúng tôi được nghe câu chuyện về những con người khi nhắm mắt cũng trên đồng muối này.
Ấy là ông Bùi Văn Diễn, người bạn cùng HTX, cùng xung phong đi khai hoang với ông Tâm năm nào, trong lúc làm nại đã trúng bom Mỹ. Ông nằm lại nơi đồng đất này, trên tay vẫn còn cầm trang xúc đất. Hay ông Tuyền, bà Thăng... những người gặp sét đánh khi chạy muối lúc trời mưa giông. Những dòng máu đỏ đã thấm vào hạt muối trắng. Chẳng xa xôi gì, chỉ mấy tháng trước, chồng bà Thiềng là ông Lê Văn Tứ, đi xuống nại đến đêm mà chưa thấy về. Nóng ruột, con cái chạy ra đồng tìm cha thì thấy ông đã gục xuống nơi bờ kênh dẫn nước vào ruộng muối. Con kênh này, nước  chỉ ngang đầu gối. Người ta đoán rằng, ông làm rốn, muộn mới về, lúc đó sức đã luội nên khi lội qua kênh đã đột ngột khuỵu xuống giữa dòng...
Để đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng muối, việc đo độ mặn chính xác được bà Nguyễn Thị Thảo (HTX Kim Liên)  thực hiện thường xuyên. Bà Thảo cho biết: Nếu không kiểm tra chính xác độ mặn của nước biển sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất muối cũng như độ bóng, đẹp của hạt muối
Để đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng muối, việc đo độ mặn chính xác được bà Nguyễn Thị Thảo (HTX Kim Liên) thực hiện thường xuyên. Bà Thảo cho biết: Nếu không kiểm tra chính xác độ mặn của nước biển sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất muối 
Bà Bùi Thị Lân, một người thoát khỏi cái chết vì sét đánh trên đồng một cách đầy may mắn cách đây gần 30 năm, năm nay 73 tuổi cũng vẫn thủy chung với nghề muối. Bà kể lại, năm đó bà đang có mang đứa con trai út được 8 tháng, cùng mọi người làm lụng trên đồng thì trời mưa giông, lốc xoáy dữ dội. Đang quáng quàng tìm cách chạy muối, bà nghe tiếng nổ xẹt và thấy mình bị nhấc bổng. Bà được nghe kể, giây phút định mệnh ấy, ông Tuyền làm nại ngay sát ruộng nhà bà đã bị sét đánh chết, còn bà bị hất qua mấy giát muối, bất tỉnh. Dân làng đã tìm mọi cách để cấp cứu cho bà, nhưng đến 7 ngày sau thì bà mới thực sự tỉnh lại. Bà chỉ nhớ, trong cơn lơ mơ khi còn đang trên ruộng muối, bà thấy ông Tuyền vẫy tay gọi mình: “Cháu có nhìn thấy những bậc thang xanh đỏ kia không, cháu bước lên đó đi. Lên đây là lên trời đấy cháu ạ!”. Bà đã nói: “Cháu đang bụng mang dạ chửa, bước lên cao sợ lắm, chú”. Nói thế, nhưng rồi tò mò, bà vẫn lén bước lên những bậc thang có màu sắc cầu vồng, được ngắm nhìn thiên đình lộng lẫy.
Thế rồi, như sực nhớ ra bữa cơm tối đang chờ mình ở dưới hạ giới, bà vội vã xuống thang. Khi bà bước xuống những bậc cuối cùng, thì cái thang tự dưng biến mất. “Chỉ một xíu nữa, tôi không còn được về nhà”- bà Lân nói, như thể cơn mơ kia đã là một phần rất thực trong đời bà, nó giúp bà một lần được nhìn thấy một không gian lộng lẫy, khác với nỗi vất vả nắng gió ngày thường, nhưng nó cũng giúp bà nhận ra, nơi đồng muối ấy là chốn của mình, là nơi mình không nỡ rời xa... Cũng như những bài thơ của ông lão có tên Chu Minh, đã ở lại với tuổi 76 trên đồng đất này, cả đời nhọc nhằn nhưng những vần thơ của ông được làm trên những ô nại muối vẫn được người dân Diễn Kim truyền tụng: “Chiếc xe cút kít, cút ki/  Chỉ có một bánh mà đi vững vàng...”.
Lời kết
Một ngày, về với đồng muối Diễn Kim, để hiểu vì sao mồ hôi, nước mắt lại có vị mặn. Để chia sẻ cái sự thực đắng lòng: càng nắng, càng mừng, nhưng càng mừng để càng rơi nước mắt. Bởi giá muối xuống thấp từng ngày. Các vụ trước, giá muối còn được gấp rưỡi hiện tại, năm nay được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm, 1 tấn muối chỉ được 1.000.000 đến 1.100.000 đồng. Gặp để thấy ông chủ nhiệm HTX Cao Thành Long cũng mãi loay hoay để lo nước vào ruộng trong khi hạn hán làm mực nước sông hồ xuống thấp, rồi để lo đầu ra cho diêm dân (cả mấy xã muối Diễn Châu hiện chỉ có 1 thương lái chịu mua muối cho bà con với giá mà họ tự áp)...
Và mãi ám ảnh, là những tấm lưng người cong thành dấu hỏi. Những dấu hỏi cứ tiếp nối, như đời này đã truyền nghề muối cho đời khác trên cánh đồng này. 
...Trong cuộc đời bộn bề, giữa muôn âm thanh dội vào lòng bạn, hẳn sẽ có âm thanh của một buổi mai, khi bạn còn đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì tiếng rao: “Ai muối đơi…” đầy nỗi nhọc nhằn đậu xuống bên giường. Và nhắm mắt, bạn vẫn hình dung, người đàn bà bán muối, tất tả với đôi bồ chằng sau chiếc xe đạp cọc cạch, đôi vạt áo bạc màu lật phật bay trong gió ngược cùng tiếng rao đi khắp mọi ngả đường. Phía sau bóng người đàn bà ấy, là bóng của bao nhiêu diêm dân đang cúi xuống trên cánh đồng đầy nắng gió để làm nên màu trắng tinh khôi...
Vinh - Tuấn

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.