Dồn điền, đổi thửa - "Tiếng nói" từ ruộng đồng . Bài 2: Những giá trị mới

(Baonghean) - Sau khi dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) người dân có điều kiện đưa cơ giới hóa và tiến bộ KHKT vào sản xuất, kích thích các dịch vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích… từng bước đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân. 
Cơ giới hóa làm đất ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên).  Ảnh: p.h
Cơ giới hóa làm đất ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương
Giảm sức lao động, tăng giá trị sản xuất
Không khó để nhận ra những thay đổi tích cực sau khi các địa phương hoàn thành cơ bản công tác DĐĐT trên thực địa. Về xã Thanh Liên (Thanh Chương), ông Đinh Viết Nam, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi ra “thực tế” ở các cánh đồng rồi nói: Bây giờ, xe ô tô đã đi ra đến từng chân ruộng, cánh đồng mà không gặp một trở ngại nào cả. Các loại máy móc đã đến từng ruộng đảm bảo sản xuất thuận lợi, giảm ngày công và sức lao động cho người dân. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng được đắp bằng đất ruộng rộng 7m, 2 bên có hệ thống mương thủy lợi rộng 1m. Nhờ chuyển đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch được 22 ha đất xấu, gần sông, ao hồ để xây dựng được 19 gia trại, trang trại cho thu nhập cao. Tại đây, chúng tôi đến trang trại của vợ chồng anh Phạm Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Phương, trên diện tích chỉ hơn 1,3 ha, ngoài cơ cấu trồng lúa 1 vụ và nuôi cá, anh chị đã đầu tư nuôi 500 con gà thịt, 30 con lợn thịt, lợn nái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Dũng cho biết: Nhờ có chuyển đổi ruộng đất, gia đình có điều kiện được nhận nhiều đất hơn, từ đó xây dựng trang trại và đến bây giờ thì điều kiện kinh tế đã khấm khá, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.
Xã Thanh Tiên (Thanh Chương), vốn là một địa phương chủ yếu có đất đồi núi, ruộng khe chọ hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng bơi hạn hán và lũ lụt. Tuy có lực lượng lao động dồi dào nhưng do diện tích đất sản xuất ít, cộng với tư duy phát triển kinh tế, chủ động chuyển dịch cơ cấu chưa mạnh mẽ nên thu nhập của người dân còn chưa cao.  Tình hình đã chuyển biến sau khi xã thực hiện xong DĐĐT. Những gia đình đông con nhưng ít đất nay đã mạnh dạn nhận những ruộng ở những vùng đất xấu để cải tạo, canh tác nhằm nâng cao năng suất. Hay những gia đình thiếu lao động đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm được sức lao động nhưng vẫn đảm bảo được mức thu nhập cho gia đình. Ông Nguyễn Trọng Bảy, Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: Nhờ DĐĐT, xã đã quy hoạch được các vùng chuyên canh như trồng lúa, trồng màu và xây dựng trang trại. Hiện trên địa bàn xã có hàng trăm chiếc máy cày, máy tuốt lúa, người dân đã không còn phải vất vả như trước đây. 
Xã Phúc Thành (Yên Thành) là địa phương được đánh giá đi đầu trong công tác DĐĐT ở Nghệ An. Với diện tích đất canh tác trên 500 ha, Phúc Thành có điều kiện để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước đây, do ruộng đất của xã còn manh mún, bình quân mỗi hộ có tới 5 - 10 thửa ruộng nên tổ chức sản xuất tập trung cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng khó khăn. Việc DĐĐT đã được thực hiện từ những năm 2000, nhưng chỉ từ năm 2010 trở lại đây, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, công tác DĐĐT ở Phúc Thành mới thực sự trở nên sôi động. Chủ tịch UBND xã - ông Đinh Văn Dương, cho biết: “Mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, cùng với đó chúng tôi tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Từ hợp đồng sản xuất lúa giống được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trên cánh đồng mẫu lớn rộng 40 ha, nông dân Phúc Thành đã có mức thu nhập lên tới 140 - 150 triệu đồng/ha/năm từ cây lúa”.
Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Hồ Ngọc Sỹ cho biết: Điều đáng ghi nhận nhất là đã thay đổi được nhận thức và thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, trên cùng một cánh đồng nhưng có nhiều thời vụ, nhiều loại giống là chuyện bình thường. Bà con sản xuất theo thói quen, nhu cầu của gia đình mình chứ chưa có ý thức cộng đồng, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Sau DĐĐT, từ những thửa ruộng lớn, vuông vắn, cơ giới hóa được đưa vào, cộng thêm những nỗ lực của ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, người dân đã dần làm quen với sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hóa tập trung, dần tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, các cánh đồng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng được nhân rộng. 
Hình thành cánh đồng mẫu lớn
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). 	Ảnh: phú hương
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Phú Hương
Thanh Chương là một trong những huyện đi đầu trong công tác DĐĐT. Những thay đổi rõ nét nhất là tình trạng thiếu nước trong vụ sản xuất hè thu đã không còn phức tạp như trước nhờ hệ thống kênh mương đã được đầu tư đồng bộ. Sau khi chuyển đổi, huyện đang đẩy mạnh vận động nhân dân xây dựng trang trại chăn nuôi trên những vùng đất xấu, kém hiệu quả. Tổng số trang trại hiện có tính đến thời điểm này là 300 trang trại, trong đó số trang trại tăng thêm sau thực hiện chuyển đổi là 206 trang trại. Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp cũng đã có bước phát triển rất mạnh với tổng số 1.699 máy,  tăng 702 máy so với trước chuyển đổi. Trên khắp các cánh đồng đã hình thành những cách đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao, như cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng ngô ở xã Thanh Liên, cánh đồng chuyên sản xuất lúa ở Thanh Phong... Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định: Thành công trong công tác DĐĐT đã khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện hình thành một số vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. 
Hoàn thành sớm DĐĐT, toàn huyện Yên Thành có điều kiện thuận lợi để phát huy được hiệu quả từ những thửa ruộng lớn và vuông vắn. Ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện Yên Thành đã có gần 20 máy gặt đập liên hợp, phục vụ cho trên 80% diện tích lúa toàn huyện, hơn 1.000 máy làm đất, đưa cơ giới hoá vào làm đất đạt tỷ lệ trên 80%, gặt đập tại ruộng trên 60%, góp phần giải quyết nhanh thời vụ và tăng năng suất lao động, giúp rút ngắn thời gian thu hoạch từ 7 - 10 ngày xuống còn 2 - 3 ngày. Từ kết quả của DĐĐT, huyện cũng đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hàng năm, địa phương này liên kết với các doanh nghiệp sản xuất gần 1.000 ha lúa giống mỗi vụ ở các xã như Hoa Thành, Thọ Thành, Đô Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Liên Thành,… tạo nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích gần 3.000 ha, mỗi năm cho giá trị thu nhập cao hơn từ 10 đến 15%, tổ chức sản xuất gần 40 cánh đồng sản xuất lớn, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. 
Hiện toàn tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 196 nghìn ha. Trước đây, đất nông nghiệp được chia manh mún và phân tán, số thửa ruộng của từng hộ nhiều, từ 3- 5 thửa/hộ, thậm chí có những hộ dân có trên 10 thửa ruộng. Sau 3 năm thực hiện chủ trương DĐĐT, hiện trạng đồng đất trên địa bàn toàn tỉnh đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Số thửa ruộng trên mỗi hộ được giảm xuống, thậm chí có những địa phương như Phúc Thành (Yên Thành), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ)... mỗi hộ chỉ còn 1- 2 thửa ruộng. Đây chính là tiền đề quan trọng để tạo ra những thay đổi căn bản trong sản xuất. Bắt đầu triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn từ vụ xuân năm 2012 trên cơ sở đất đai được tập trung, đến nay Nghệ An đã có 28 CĐML với các loại cây trồng chính là lúa, ngô và lạc, cho năng suất, sản lượng và hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà ít nhất 10 - 15%. Đồng thời, triển khai tổ chức 157 mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.
Phạm Bằng - Phú Hương

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.