Thức dậy Đồng Văn

(Baonghean) - Đồng Văn một trong những địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong. Những năm gần đây, địa phương này đã biết khai thác tiềm năng về đất đai, mặt nước… vào chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra những mặt hàng mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. 
Liên kết trồng ngô nếp
Dịp trung tuần tháng 8, trời dịu mát, anh Nguyễn Bá Hiền, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn và ông Lô Văn Tiến, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến dẫn chúng tôi đến cánh đồng màu của bản Túc. Lúc này, bà con đang tích cực ra đồng đắp bờ, vơ cỏ, thuê máy cày làm đất, chuẩn bị trồng ngô. Anh Hiền cho biết: Mới rồi đích thân anh làm việc với Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH về việc liên kết để trồng ngô nếp nhập cho công ty làm thức ăn cho bò. Được Công ty CP sữa TH giúp đỡ, UBND xã giao cho HTX Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến triển khai. Bước đầu, xã chọn cánh đồng màu của bản Túc để trồng, sau đó nhân ra diện rộng. Khu vực đất màu này trước đây cấy 1 vụ lúa/năm, nhưng do công trình thủy lợi hư hỏng nên bà con bỏ đất hoang từ năm 2009 đến nay. Trong khi bà con đang thiếu việc làm, đất đai lại bỏ hoang, nên khi triển khai trồng ngô nếp, hầu hết gia đình nào cũng đồng ý. Bà con chỉ việc trồng và chăm sóc, khi bắp ngô đang giai đoạn ngậm sữa là thu hoạch cả cây, bán nhập cho Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH, làm thức ăn cho bò sữa, không lo đầu ra cho sản phẩm.
Bà con nông dân bản Túc làm đất trồng ngô nếp. 	Ảnh: Hồ Phương
Bà con nông dân bản Túc làm đất trồng ngô nếp. Ảnh: Hồ Phương
Phó bản Tục Vi Văn Đua cho biết: Khu vực đất sản xuất nông nghiệp này rộng hơn 2 ha, vì là đất màu ven đồi nên trước đây bà con sản xuất 1 vụ lúa mùa/năm. Nhưng do thiếu nước tưới nên bà con bỏ hoang từ 6 năm nay. Do đất để hoang lâu năm nên cỏ mọc dày đặc, bà con phải thuê máy từ xã Tiền Phong lên cày đất chứ sức trâu không thể kéo nổi. Máy cày làm đến đâu, bà con đi sau vơ hết cỏ lên bờ. Dự kiến, sau nửa tháng, bà con sẽ làm xong đất, khi đó xã cấp giống ngô để gieo trỉa. Đây là lần đầu tiên đồng bào tái định cư (TĐC) này được trồng ngô hàng hóa, cho nên HTX Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến cần tích cực hướng dẫn bà con cách chăm sóc để đạt năng suất cao. Nếu có hiệu quả, thì đây là cây trồng có thể nhân rộng ra các bản khác, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, đặc biệt là đồng bào TĐC.
Ao nuôi ếch của gia đình ông Lô Văn Tiến.	Ảnh: Hồ Phương
Ao nuôi ếch của gia đình ông Lô Văn Tiến. Ảnh: Hồ Phương
Theo anh Nguyễn Bá Hiền cho biết, ngoài những diện tích đất màu thuộc các bản TĐC của xã, thì Đồng Văn còn có thể tận dụng hàng chục ha đất bãi ven lòng hồ Thủy điện Hủa Na để trồng ngô. Hồ Thủy điện Hủa Na vào mùa khô, mực nước rút sâu xuống trong khoảng 3 – 4 tháng, tạo thành những bãi đất màu mỡ, trồng ngô rất phù hợp. Do vậy, chính quyền địa phương sẽ tăng cường liên kết với Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH trồng ngô nếp, làm thức ăn cho bò, nhằm khai thác tiềm năng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. 
Sản xuất nước mắm “chuyện thật như bịa”
Đến Đồng Văn lần này, chúng tôi được “mục sở thị” cơ sở sản xuất nước mắm cá mương của gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường ở bản Pang. Nói nước mắm cá mương, ai cũng ngạc nhiên, bởi chuyện xưa nay hiếm. Nhưng quả thực, bà con trong vùng đã bắt đầu biết đến cơ sở sản xuất nước mắm của ông Tường, đánh đường đến tìm mua về dùng cho bữa cơm hàng ngày. 
Vợ chồng ông Tường quê gốc ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), vào đây sinh sống từ cách đây hơn 30 năm, nên ông sành với nghề đánh bắt cá sông suối. Từ ngày lòng hồ Thủy điện Hủa Na tích nước, nguồn lợi thủy sản phong phú, tạo điều kiện cho ông hành nghề đánh bắt. Ông nói: Có những đêm đánh bắt được 4 – 5 tạ cá mương, sáng ra thuyền chở nặng, bán nhập cho lái buôn,  chẳng được bao nhiêu tiền. Loại cá mương chỉ to bằng 2 ngón tay trở xuống, mình dài, thịt mỏng, xương cứng, không ai muốn nấu ăn, chỉ có cách là chế biến làm thức ăn cho gia súc là tốt nhất. Nhiều lần ông nghĩ, loại cá này nếu biết cách, có thể chế biến được nước mắm. Thế là, sau một đêm cuối tháng 8/2014, ông đánh bắt được 5 tạ cá mương, lần này ông không bán cho thương lái, mà chở về nhà, rửa sạch, tận dụng những chiếc xô nhựa, chum sành của gia đình, để ủ nước mắm. Công thức chế biến nước mắm của ông: cá mương đánh từ lòng hồ về đang tươi, rửa sạch, ướp với muối biển, tỷ lệ 100 kg cá trộn với 30 kg muối biển. Thời gian ủ đúng 1 năm là có sản phẩm nước mắm. Chúng tôi tò mò xin nếm thử món nước mắm cá mương. Quả là bằng cảm quan, cũng như khi nếm thử, nước mắm của ông làm không khác mấy so với nước mắm miệt biển. Ông Tường thổ lộ: Lần đầu tiên làm chưa có kinh nghiệm nên chất lượng chưa ưng ý, tới đây ông sẽ cất công về làng nghề chế biến nước mắm ở vùng ven biển, hoặc đọc sách báo, tài liệu để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, mình sử dụng cá nước ngọt nên chất lượng không thể bằng nước mắm làm từ cá biển. Ông Tường cho biết, nhiều gia đình trong bản, xã đã mang chai đến mua nước mắm của ông về sử dụng, giá cả có rẻ hơn giá nước mắm được chuyển từ vùng biển lên. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Hiền, nếu mô hình sản xuất nước mắm này thành công, chính quyền địa phương tới đây sẽ tổ chức một đợt đi tham quan học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chế biến nước mắm, đồng thời hỗ trợ bà con mua sắm dụng cụ để chế biến nước mắm tại chỗ với số lượng lớn hơn, nhằm khai thác tiềm năng cá lòng hồ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng nước mắm của bà con nơi vùng miền núi này.
Cá, vịt trời và cây dược liệu 
Ngoài hàng nghìn ha mặt nước của hồ Thủy điện Hủa Na, xã Đồng Văn còn có khoảng 2 ha ao hồ tại gia đình. Khai thác tiềm năng mặt nước, nhiều gia đình đầu tư chăn nuôi cá, vịt trời, mặc dù đang ở dạng mô hình, nhưng đây là hướng mở để địa phương phát triển vật nuôi mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. 
Gia đình bà Hà Thị Quyết ở bản Tục có hệ thống ao hồ khá thuận lợi để chăn nuôi cá và vịt trời, bởi bờ bao đã được xây kè cẩn thận, xung quanh có cây cối xanh mát, nước ao sâu. Bà Quyết, cho biết: những năm trước, ao cá này mỗi năm nuôi được hàng tạ cá thịt, bán ra thị trường, gia đình thu về khoản tiền khá. Đọc báo, xem ti vi, thấy người ta nuôi vịt trời hiệu quả kinh tế cao, cách đây gần 2 tháng, bà đầu tư tiền, mua 120 con vịt trời giống về nuôi thử. Tận dụng mặt nước ao rộng, nước sạch, đặc biệt có nguồn thức ăn dồi dào (là cá mương mà bà con đánh bắt từ lòng hồ) về cho vịt ăn, rất nhanh lớn. Sau gần 2 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con vịt trời đạt khoảng 1 kg, tới đây bà sẽ liên hệ với nhà hàng để bán nhập vịt thịt. Như vậy, diện tích ao hồ này, ngoài nuôi cá, gia đình còn tận dụng nuôi vịt trời, rất thuận lợi.
Ông Lô Văn Tiến, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến, cho rằng: Nuôi vịt trời khó nhất là khâu thức ăn, nhưng ở Đồng Văn, hàng ngày có lượng cá mương do bà con đánh bắt ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na, bán với giá 3 – 5 nghìn đồng/kg, nếu người dân đầu tư nuôi vịt trời là rất thuận lợi, vì loại cá này dùng làm thức ăn cho vịt trời rất phù hợp. Gia đình ông Tiến có 4 cái ao, quanh năm đầy ắp nước, tới đây ông sẽ đầu tư chăn nuôi vịt trời với số lượng nhiều. Hiện ông Tiến đang chăn nuôi cá, kết hợp nuôi ếch hàng hóa, thu nhập khá cao. Khi xác định được tính hiệu quả của chăn nuôi vịt trời, HTX sẽ tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi vịt trời, mục đích là tạo được nguồn hàng lớn để nhập cho các nhà hàng chế biến món ăn đặc sản.
Đồng Văn còn được biết đến là địa phương có nhiều cây chè hoa vàng lâu năm trên các khu rừng tự nhiên. Theo ông Nguyễn Bá Hiền, Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn xã có hàng nghìn cây chè hoa vàng nhiều năm tuổi. Hoa của nó làm dược liệu, giá bán từ 8 – 10 triệu đồng/kg hoa khô, nên nhiều bà con vào rừng hái hoa về phơi khô bán lấy tiền. Để cây chè hoa vàng không bị mai một, chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách hái hoa, không ảnh hưởng đến cây và cành, cấm không được chặt cả cây để hái hoa, vì đây là loại cây dược liệu có giá trị, tồn tại nhiều năm trên rừng, nếu trồng rất lâu mới ra hoa, do vậy cần phải quản lý tốt để khai thác.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng: Giải pháp để xóa nghèo của Quế Phong trong giai đoạn tới là khai thác các loại cây trồng dược liệu có sẵn trên rừng; tận dụng lòng hồ Thủy điện Hủa Na để đánh bắt thủy sản, chăn nuôi cá lồng; phát triển kinh tế rừng, kết hợp đẩy mạnh chăn nuôi một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao… Trong đó, xã Đồng Văn có nhiều lợi thế, địa phương cần biết khai thác để người dân ổn định cuộc sống. Thời gian qua, Đồng Văn đã xuất hiện một số mô hình kinh tế, với cách làm mới, huyện đang quan tâm theo dõi tính hiệu quả kinh tế để nhân ra diện rộng.
Xuân Hoàng

tin mới

Xuân Hoàng

Khi nào thì vận hành lưới điện 110kV ở Tân Kỳ?

(Baonghean.vn) - Mặc dù dự án lưới điện 110kV của huyện Tân Kỳ đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 2 năm, nhưng do vướng mắc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đô Lương nên đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành được.

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

Nỗ lực ‘đánh thức’ báu vật du lịch Pù Mát

(Baonghean.vn) - Vườn Quốc gia Pù Mát là “kho báu” trong khai thác giá trị kinh tế ngành du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái bền vững. Hiện, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch xanh, bước đầu cho hiệu quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

Thị trường vàng Nghệ An im ắng trước giờ 'G'

(Baonghean.vn) -Ngày mai (22/4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, nhằm góp phần hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Trước thông tin này, thị trường vàng Nghệ An trong những ngày qua khá trầm lắng, giao dịch giảm hẳn…

Dây điện chằng chịt

Dây điện chằng chịt tại vựa rau lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Huyện Quỳnh Lưu được xem là thủ phủ rau màu của tỉnh Nghệ An. Mặc dù vậy, hiện nay, việc canh tác rau nơi đây vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một trong số đó là hệ thống điện phục vụ sản xuất rau mất an toàn, đấu nối chằng chịt, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa nắng nóng, mưa bão.

Xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cốt lõi

Xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cốt lõi

(Baonghean.vn) - Trong khuôn khổ “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam” (từ ngày 15-21/4/2024), Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. 

Giá vàng

Vàng trong nước giảm nhẹ; Tỷ giá Yen Nhật bật tăng

(Baonghean.vn) - Giá vàng trong nước giảm nhẹ, vàng thế giới tăng dữ dội; Tỷ giá Yen Nhật bất ngờ bật tăng; Xăng dầu tiếp đà tăng giá; Cà phê giảm nhẹ, vẫn đang ở mức trên 122.000 đồng/kg, là những thông tin thị trường cập nhật trong sáng 20/4.

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.