Lên miền Tây Nghệ An gặp thợ giỏi làng nghề

(Baonghean) - Ngày cuối năm lên miền Tây, chúng tôi tìm gặp những người thợ giỏi của các làng nghề dệt thổ cẩm, hương trầm, mây tre đan... Họ là những người thợ giỏi tầm nghệ nhân đã tâm huyết gây dựng và truyền nghề cho lớp thế hệ con cháu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An. 

Ông Lô Hải Truyền ở xã Mường Nọc (Quế Phong)- thợ giỏi nghề mây tre đan.
Ông Lô Hải Truyền ở xã Mường Nọc (Quế Phong)- thợ giỏi nghề mây tre đan.

 Ông Lô Hải Truyền ở bản Na Ngá, xã Mường Nọc (Quế Phong) - thợ giỏi nghề mây tre đan, năm nay 59 tuổi, có gần 40 năm gắn bó với nghề đan lát truyền thống của đồng bào Thái. Ông Truyền cho biết, trước kia ông thường đan các vật dụng như mâm mây, ghế, ép xôi, giỏ đựng đồ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình và làm quà biếu cho người thân, bạn bè... 

Mãi đến năm 2006, các sản phẩm mây tre đan của ông được huyện chọn trưng bày tại Lễ hội đền Chín Gian, từ đó khách tham quan từ nhiều địa phương biết đến sản phẩm đan lát của ông và tìm đến đặt hàng.

Dịp cận Tết này, nhu cầu tiêu thụ nhiều nên ông Truyền hiếm khi được nghỉ ngơi, phải làm từ 4 - 5 giờ sáng và gần nửa đêm mới nghỉ. Mâm mây là sản phẩm khó làm và tốn nhiều công sức nhất, đan cả tháng cũng chỉ hoàn thành được 4 chiếc. Còn nếu trong tháng chỉ chuyên làm ghế mây thì được 15 cái; ép xôi cũng chỉ làm được 15 cái/tháng. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm như thúng, mẹt, gióng, gánh... của bà con đặt hàng, ông đều làm hết.

Bây giờ, hàng năm các sản phẩm mây tre đan truyền thống do ông sản xuất đều được trưng bày ở các lễ hội Đền Chín Gian, lễ hội Hang Bua, và mới đây ở Ngày hội hoa hướng dương (Nghĩa Đàn). Ông Truyền trải lòng: "Gần 40 năm miệt mài với nghề đan, giờ lưng đau, tay mỏi, gối chùng. Ấy nhưng dừng đan một vài ngày tôi thấy người càng mệt mỏi thêm... Hơn nữa là mình làm còn để duy trì nghề cho thế hệ sau. Đến nay, tôi đã truyền nghề cho hơn 50 lao động trong huyện".

Nghề dệt thổ cẩm góp phần tăng thu nhập cho người dân bản Hoa Tiến 1 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu)
Nghề dệt thổ cẩm góp phần tăng thu nhập cho người dân bản Hoa Tiến 1 (xã Châu Tiến, Quỳ Châu). Ảnh tư liệu

Chị Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm HTX Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) là một trong những thợ giỏi của tỉnh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề dệt thổ cẩm, năm lên 13 tuổi chị đã được mẹ truyền cho nghề dệt. Hồi đó nguyên liệu không có sẵn như bây giờ, gia đình chị Bích phải chăm chỉ trồng bông, trồng dâu nuôi tằm để ươm tơ, kéo sợi, dệt vải. 

Thời đó, theo phong tục con gái Thái trước khi về nhà chồng phải dệt được hàng chục váy, áo, đệm, chăn để làm quà mừng cho các anh, chị em bên nhà chồng thì mới được nhà chồng kính trọng gái siêng... Vì thế mà con gái Thái ai cũng chau chuốt nghề dệt thổ cẩm và từ đây đã gây dựng nên làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Với chị Bích, gần 40 năm gắn bó với nghề, thổ cẩm như trở thành máu thịt, tất cả các hoa văn mang đặc trưng riêng của dân tộc mình chị đều thêu, dệt nhuần nhuyễn. Chị không nhớ nổi đôi tay mình đã dệt bao nhiêu sản phẩm chân váy, chăn, áo, khăn piêu,... Hoa văn thổ cẩm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái được bảo tồn một phần lớn cũng nhờ những người như chị.

Chị Sầm Thị Bích - thợ giỏi của làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu.
Chị Sầm Thị Bích - thợ giỏi của làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu.

Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) có nghề thêu dệt thổ cẩm lâu đời, tuy nhiên một thời gian khá dài đã bị mai một. Đến năm 1992, tham gia dự án thêu dệt thổ cẩm, chị em được tập huấn, được học và nắm bắt những kiến thức cơ bản của nghề dệt thổ cẩm. Từ đó, phụ nữ bản Hoa Tiến nhanh chóng bắt tay vào sản xuất thổ cẩm hàng hóa, đưa nghề dệt thổ cẩm hồi sinh. Năm 2010, nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh. Rồi HTX làng nghề ra đời do chị Sầm Thị Bích làm chủ nhiệm, HTX với vai trò "bà đỡ" cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Tâm huyết với nghề, không chỉ kết nối bao tiêu sản phẩm cho bà con, chị Bích thường xuyên say sưa truyền nghề cho lao động trong xã và các xã khác trong, ngoài huyện. Hàng năm, thông qua các lớp đào tạo nghề tại địa phương, chị trực tiếp cầm tay chỉ việc, truyền nghề cho người học. Tính đến nay, chị Bích đã truyền nghề cho khoảng gần 1.000 lao động nghề dệt thổ cẩm trong tỉnh. 

Chị Lô Thị Nga ở làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cũng được suy tôn danh hiệu thợ giỏi. Là người phụ nữ Thái, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 35 năm. Tình yêu với thổ cẩm trong chị đã lan tỏa đến nhiều phụ nữ vùng cao. Chị Nga hàng năm đều tích cực tham gia truyền nghề cho bà con trong huyện và các xã khác ở huyện Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương. Đến nay, chị đã truyền nghề cho khoảng 700 - 800 lao động. Chị trải lòng rằng, có lẽ cái hồn cốt của thổ cẩm chính là cách nhuộm vải truyền thống của người Thái.

Sản phẩm thổ cẩm được nhuộm bằng các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên. Những đường nét, màu sắc, hoa văn thể hiện trên trang phục đều mang một ý nghĩa nhất định theo quan niệm của người Thái, ví như màu xanh tượng trưng cho sự sống, màu đỏ là màu của lửa, của máu, tượng trưng cho tình yêu và khát vọng, còn màu đen thể hiện sự nảy mầm từ mặt đất,...

Ông Hoàng Nhật Minh - thợ giỏi ở Làng nghề sản xuất hương trầm khối 3, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).
Ông Hoàng Nhật Minh - thợ giỏi ở Làng nghề sản xuất hương trầm khối 3, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).

Còn với ông Hoàng Nhật Minh - thợ giỏi nghề sản xuất hương trầm ở làng nghề khối 3, thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), thì duyên nghề ngấm vào ông từ nhỏ. 70 tuổi đời, gần 60 năm gắn bó với nghề, ông là một trong số ít người gây dựng nên nghề làm hương trầm ở đất Quỳ Châu. Sinh ra ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), năm lên 10 tuổi ông Minh vừa đi học, vừa làm hương phụ giúp cha mẹ. Đến năm 1962, cụ thân sinh lên làm việc ở huyện Quỳ Châu đưa cả gia đình lên định cư ở miền đất này và mang theo nghề làm hương. Lúc bấy giờ trên địa bàn Quỳ Châu rất nhiều cây rễ hương, ông Minh đi rừng lấy rễ hương về rửa sạch, dùng búa đập nhỏ, sau đó phơi khô bọc vào bao ni lông cất cẩn thận để đến gần Tết mới đưa nguyên liệu ra làm hương. Hồi đó làm hương chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình và cho bạn bè thưởng thức. Năm 1965, một số tiểu thương biết tiếng sản phẩm hương thơm của ông Minh, đã tìm đến đặt hàng để bán tại các thị tứ trong huyện. Đến năm 1972, hương trầm thực sự trở thành hàng hóa, thời điểm này mỗi dịp Tết gia đình ông đã sản xuất được 3 vạn que hương. Từ đó, hàng năm đều có người tìm đến gia đình ông học nghề và sản phẩm hương trầm bắt đầu thịnh hành từ đây. 

Cơ sở của ông Minh hiện mỗi năm sản xuất 2 triệu que hương thẻ, 40 vạn hương trầm phục vụ thị trường khắp cả nước. Ông Minh chia sẻ, nghề làm hương sản xuất quanh năm, nhưng cứ mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng đột biến nên người làm nghề phải phát huy tối đa công suất sản xuất mới đáp ứng kịp. Tuy vậy, để có sản phẩm hương thơm, chất lượng, từ khâu chọn nguyên liệu cũng rất công phu... 

Dù còn những hạn chế, khó khăn song việc sản xuất các nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An đã phát triển thành hàng hóa, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đưa bản làng ngày càng phát triển hòa nhập nhịp sống mới. 

Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Toàn tỉnh có 1 nghệ nhân và 9 thợ giỏi được suy tôn, trong đó nhiều nhất ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm.

Quỳnh Lan 

tin mới

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.

Hạt sở ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn đạt chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường

Người dân Nghĩa Đàn mở lối thoát nghèo từ cây sở

(Baonghean.vn) -Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn tích cực khôi phục, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị cho cây sở. Hướng đi này mang lại hiệu quả cao, mở lối thoát nghèo cho người dân các xã miền núi đất đai cằn cỗi. 

Giá vàng

Vàng tăng giảm trái chiều; Tỷ giá USD đi lên

(Baonghean.vn) - Vàng trong nước tăng giá mạnh, ngược lại trên thế giới đột ngột giảm sốc; Tỷ giá USD "phăm phăm" đi lên; Thị trường dầu thô thế giới vượt mốc 92 USD/thùng, là những thông tin thị trường được cập nhật trong sáng 13/4. 

Chia sẻ kiến thức khởi nghiệp 4.0 cho học sinh phổ thông Nghệ An

Chia sẻ kiến thức khởi nghiệp 4.0 cho học sinh phổ thông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” là một hoạt động trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động triển khai đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khát vọng và chia sẻ cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới ở Thanh Chương

Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới ở Thanh Chương

(Baonghean.vn) - Thanh Chương là huyện trung du, những xã chưa về đích nông thôn mới đều khó khăn, nhất là thực hiện tiêu chí giao thông; song với tinh thần quyết tâm, tìm mọi biện pháp khắc phục, huyện đang đặt ra mục tiêu đưa 6 xã về đích nông thôn mới trong năm 2024 này.

Sản phẩm bê tông nhựa của Công ty TNHH -Trường An (Thuý Danh) được khẳng định khi tham gia tại nhiều công trình, án trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Văn Trường

Bê tông nhựa Trường An (Thuý Danh) khẳng định chất lượng

(Baonghean.vn)- Với dây chuyền công nghệ hiện đại, bê tông nhựa của Công ty TNHH -Trường An (Thuý Danh), xã Trù Sơn, huyện Đô Lương là nhà máy có công suất lớn về sản xuất bê tông nhựa tại Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, đáp ứng được cho mọi công trình giao thông và các công trình liên quan.

Thành Vinh mùa hoa giáng hương

Thành Vinh mùa hoa giáng hương

(Baonghean.vn)- Những ngày đầu tháng 4, tuyến đường dọc kênh Bắc thành Vinh lại được nhuộm vàng rực bởi loài hoa giáng hương. Những chùm hoa vàng đua nhau nở rộ giữa những cành lá xanh ngát, khó ai có thể rời mắt khỏi vẻ đẹp quyến rũ của loại hoa này.