Một chính sách 'cứu cánh' nghề rừng

(Baonghean) - Sau gần 5 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thấy đây là một chính sách vừa tích cực thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, vừa tạo nguồn lực “cứu cánh” cho nghề rừng phát triển…

Những năm gần đây, nhất là kể từ khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng kết thúc, cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước, do khó khăn về ngân sách nên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Nghệ An rất hạn chế. Đáng quan tâm là rất nhiều ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn bị cắt giảm nguồn đầu tư dẫn tới các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng cũng như huy động người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng hết sức nan giải. Nhiều khu rừng phòng hộ và đặc dụng đứng trước nguy cơ suy giảm. Vào thời điểm đó, Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được Chính phủ ban hành và triển khai thực sự như một luồng gió mát làm “hạ nhiệt” cho những khó khăn thách thức trong hoạt động nghề rừng. 

Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nước với gần 1,2 triệu ha; trong đó nhiều diện tích còn khá giàu và đó thường là rừng thượng nguồn các lưu vực thủy điện, nên thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá mà còn duy trì nguồn nước và điều hòa nguồn động năng cho sản xuất điện. Vì thế, trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách. Điều này thể hiện ngay từ khâu tổ chức với Hội đồng quản lý Quỹ được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giúp Cơ quan điều hành Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng phát huy tốt trách nhiệm làm đầu mối quản lý, tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách”. 

Sa mu dầu - cây di sản ở khu rừng Pù Hoạt.	Ảnh: hồ phương
Sa mu dầu - cây di sản ở khu rừng Pù Hoạt. Ảnh: Hồ Phương

Mặc dù đây là chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện nên gặp không ít khó khăn lúng túng, nhưng với quyết tâm “vừa làm, vừa tìm hiểu, rút kinh nghiệm”, việc thực hiện chính sách sớm đi vào ổn định và đạt kết quả khả quan. Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp cũng như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, thì Nghệ An là một trong những tỉnh tốp đầu làm tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ. Đáng ghi nhận là 5 năm qua, Nghệ An đã huy động hơn 250 tỷ đồng từ các nhà máy thủy điện, đơn vị dùng nước sạch và một số đối tác khác nhằm góp phần làm tốt an sinh xã hội vùng đặc thù và gìn giữ màu xanh cho rừng với gần 250.000 đồng ha/năm. 

Trở lại với các xã được hưởng lợi chính sách như: Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong), Mỹ Lý, Bắc Lý (Kỳ Sơn), Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Xiêng My (Tương Dương)... không chỉ chứng kiến nhiều cánh rừng phòng hộ trên các triền núi đang trải rộng màu xanh, mà còn được nghe nhiều câu chuyện về bà con thôn bản tham gia bảo vệ rừng và hưởng lợi chính sách. Anh Lô Văn Tiến - Trưởng ban Lâm nghiệp xã Đồng Văn (Quế Phong) thổ lộ: “Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2015, toàn xã có 760 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ  gần 20.000 ha rừng và đã nhận về gần 8 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu hơn 10 triệu đồng/năm từ bảo vệ rừng”.

Khảo sát tại bản Pù Duộc (xã Đồng Văn), mùa này bà con đang vào rừng khai thác lùng, anh Vi Văn Tâm – một người dân bộc bạch: “Được hưởng lợi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bà con ưng lắm. Không chỉ được hỗ trợ tiền mà còn tạo thuận lợi để cây lùng phát triển nhanh cho thu nhập hàng ngày”. Được biết, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con trong bản được tuyên truyền, giáo dục, không tùy tiện vào rừng khai thác lâm sản và phát rừng làm rẫy trái phép, mà tích cực tham gia tuần tra bảo vệ, đẩy lùi các hành vi vi phạm lâm luật. Diện tích rừng tự nhiên, nhất là cây lùng, cây nứa trên đỉnh Pù Duộc phục hồi nhanh, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha. Nhờ đó, ngoài giúp cải thiện đời sống, nhiều hộ đã làm được nhà mới, sắm tiện nghi đắt tiền như xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại... 

Ông Lô Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), không dấu được niềm vui: “Rất may, nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã cứu nhiều cánh rừng ở thượng nguồn biên giới thoát khỏi nạn phát nương làm rẫy, phục hồi xanh tốt”. Tìm hiểu tại nhiều địa bàn, lưu vực hưởng lợi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đều có chung kết quả tích cực: Chính sách được tuyên truyền triển khai đi vào cuộc sống. Với cách giao khoán linh hoạt cho hộ, nhóm hộ thực sự đã sớm phát huy vai trò trách nhiệm của chủ rừng, người nhận khoán và già làng, trưởng bản trong công tác quản lý và bảo vệ rừng nên nạn phá rừng được đẩy lùi, rừng được bảo vệ phát triển, dân bản đoàn kết, an vui. Không những thế, khi được giao làm đầu mối cấp huyện trong thực hiện chính sách, lực lượng kiểm lâm cũng không kém phấn khởi.

Bà con huyện Yên Thành chuẩn bị keo giống phục vụ trồng rừng. Ảnh: Phú Hương
Bà con huyện Yên Thành chuẩn bị keo giống phục vụ trồng rừng. Ảnh: Phú Hương

Phó hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn Nguyễn Việt Minh - người trực tiếp phụ trách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn cho hay: “Thực hiện chính sách đã xóa đi mặc cảm, nhân lên hình ảnh người cán bộ kiểm lâm thân thiết, gần gũi, mang chính sách và niềm vui đến với bà con dân bản, chứ không phải chỉ kiểm tra, bắt bớ, xử lý; qua đó góp phần ngăn chặn nạn khai thác, đốt phá rừng trái phép, quản lý tốt diện tích rừng hiện có. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giảm dần qua các năm”. Theo tổng hợp của Chi cục kiểm lâm, năm 2011 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 1.366 vụ vi phạm lâm luật, năm 2013 là 1.141 vụ, năm 2014 giảm còn 856 vụ đến năm 2015 chỉ còn 695 vụ.       

Hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ dừng lại ở những con số mà đã tác động vào thực tiễn, nhất là hoạt động nghề rừng khá sâu sắc. Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt - ông Nguyễn Danh Hùng tâm sự: “Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách cứu cánh cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng của ban. Nó giúp đơn vị có nguồn kinh phí khá ổn định để làm tốt công tác quản lý 85.000 ha rừng phòng hộ và đặc dụng một cách bền vững”. Được biết, 2 năm (2014 và 2015) Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hỗ trợ trên 27 tỷ đồng vào công tác quản lý bảo vệ, bình quân mỗi năm trên 13 tỷ đồng (trong khi trước đó ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 1,2- 1,5 tỷ đồng/năm). Chính sách thực sự đã giúp công tác bảo vệ rừng của đơn vị thoát khỏi khó khăn bế tắc, từng bước quản lý tốt diện tích rừng hiện có. Ghi nhận thành quả ấy, ngày 28/11, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho quần thể 56 cây sa mu dầu và 5 cây phay sừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Tuy vậy, qua thực hiện, người dân cũng như chính quyền các địa phương còn băn khoăn. Đó là đơn giá giữa các lưu vực của các nhà máy thủy điện chênh lệch quá lớn, chẳng hạn tại huyện Quế Phong năm 2015 lưu vực thủy điện Hủa Na - Cửa Đạt mức chi trả 400.000 đồng/ha, trong khi Sao Va là gần 76.000 đồng/ha/năm (chưa bổ sung giá). Với đơn giá chi trả tùy theo khả năng sản xuất và tiêu thụ điện của từng nhà máy thủy điện, có lưu vực trả quá thấp vô hình trung gây ra thách thức, nguy cơ mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác, trách nhiệm của UBND xã, nhất là trách nhiệm của chủ tịch xã, trưởng thôn bản về quản lý nhà nước về rừng trên địa bàn có vai trò nhiệm vụ không kém phần quan trọng như tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các tình huống nảy sinh phức tạp là yếu tố góp phần thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa được hưởng thù lao… 

Thiết nghĩ, phát huy cái tốt, cái hay, xem xét xử lý kịp thời các vấn đề bất cập nảy sinh là việc làm cần thiết thường xuyên cho mỗi chủ trương, chính sách nói chung và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng. Có như vậy mới góp phần hoàn thiện và đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đi vào cuộc sống một cách sâu sắc, giúp công tác quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả, bền vững.

Hải Yến

tin mới

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.