Hoạt động Khuyến công: Được và chưa được

(Baonghean) - Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề. tuy nhiên Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới  cần phải có những điểm nhấn, những dự án có tầm ảnh hưởng, lan tỏa.

“Cú hích” cho các doanh nghiệp
Được hỗ trợ vốn từ Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương, Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên và một số doanh nghiệp khác đã có thêm điều kiện, cơ hội thuận lợi để vươn lên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Chị Quang Thị Hoa - Công nhân xưởng may Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên (KCN Bắc Vinh) kể lại: “Là gia đình thuộc diện khó khăn ở xã Long Thành – Yên Thành vào Vinh học làm thợ may công nghiệp tại Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên,  tôi được hỗ trợ kinh phí học nghề, được bao ăn trưa, công ty còn trả thêm phụ cấp lương 1,8 triệu đồng/tháng. Sau 3 tháng theo học nghề may công nghiệp do chương trình khuyến công hỗ trợ, tôi đã thành thạo công việc và nay có thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/tháng”. Chị Hoa và 300 công nhân trẻ tại Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên đã may mắn được hưởng lợi từ chương trình khuyến công năm 2013 do Bộ Công Thương đầu tư.
 Sản xuất mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong.
Sản xuất mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong.
Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên là một trong những doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh sử dụng số lượng lao động lớn ( hiện nay có hơn 1.100 cán, bộ CNV). Để hỗ trợ cho doanh nghiệp nguồn lao động có tay nghề cao, Bộ Công Thương đã đầu tư nguồn vốn để cùng doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp. Năm 2013, chương trình khuyến công của Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 300 công nhân học nghề may tại Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên (thời gian đào tạo từ tháng 6 – 9/2013), tất cả học viên này hiện có việc làm ổn định tại công ty. Chị Nguyễn Thị Xuân – Quản lý nhân sự Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên nhận xét: “Phần lớn thợ may được đào tạo nghề của chương trình khuyến công Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương đều phát huy tốt và tay nghề ngày càng được nâng cao, góp phần cho công ty nâng cao sản lượng, chất lượng”.
Năm 2012, Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên cũng đã đào tạo và giải quyết việc làm cho 200 lao động nghề may thông qua chương trình khuyến công. Năm 2013, Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên đã sản xuất 1,5 triệu sản phẩm (gồm quần, áo xuất khẩu) và trong 2 tháng đầu năm 2014, sản xuất hơn 200.000 sản phẩm. Ngoài  Công ty CP may Minh Anh – Kim Liên, còn có Công ty TNHH Tuấn Phương ở xã Diễn Hồng – Diễn Châu,  Công ty CP Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc (tại xóm 2, xã Nghi Phú – TP Vinh) được hỗ trợ vốn đào tạo nghề. 
Năm 2013, Công ty CP Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc cũng đã được hỗ trợ  xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tấm nhựa cao cấp công suất 2.500 tấn sản phẩm/năm. Bởi đây là mô hình sản xuất mới và sử dụng nguyên liệu chính là bột đá siêu mịn có nguồn gốc từ đá vôi trắng tại Quỳ Hợp được doanh nghiệp sử dụng sản xuất tấm lợp nhựa cao cấp. Do vậy, việc hỗ trợ để xây dựng mô hình này là rất cần thiết và để qua đó có thể nhân rộng tại địa bàn Nghệ An. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ cho mô hình này chỉ 250 triệu đồng trên tổng số vốn đầu tư của nhà máy là hơn 19,2 tỷ đồng, nhưng nhờ được sử dụng đúng mục đích, nên đã phát huy rất hiệu quả. Chị Hà Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Tổ chức – Hành Chính Công ty CP Công nghiệp và Phát triển xây dựng miền Bắc cho biết: “Được Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương hỗ trợ thêm nguồn vốn, nên chúng tôi đã biên soạn tài liệu giới thiệu quy trình sản xuất tấm nhựa cao cấp cho tất cả cán bộ, công nhân trong công ty và giới thiệu với khách hàng, cùng với nguồn vốn đó lắp đặt thêm một số thiết bị mới trong dây chuyền sản xuất tấm nhựa, giàn đùn khung cửa… nâng cao chất lượng, sản lượng, đồng thời tổ chức giới thiệu mô hình cho các đơn vị, doanh nghiệp đến thăm quan, học hỏi”. Do đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại (giàn đùn khung cửa window, khuôn khung cửa window…),  thu hút khách hàng, doanh thu của đơn vị đạt khá cao. Năm 2013 đạt 33 tỷ đồng.
Tạo đà cho tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
Hiệu quả nhất của khuyến công tỉnh xây dựng trong thời gian vừa qua chính là công tác đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đây là chương trình được thực hiện nhiều nhất, chiếm 33% kinh phí khuyến công vì nó phù hợp với nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp. Trong hơn 10 năm qua, Trung tâm khuyến công đã thực hiện được 351 đề án đào tạo 34 nghề với 23.427 lao động cho 81 làng nghề, tập trung vào các nghề chính như mây tre đan, dệt thổ cẩm, mộc, ươm tơ, chế biến hải sản, may công nghiệp... Tại 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Trung tâm đã phối hợp với Hợp tác xã dệt may thổ cẩm Hải Vân và Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Môn Sơn tổ chức đào tạo cho 300 lao động tại các huyện. Chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ Môn Sơn cho biết: Ban đầu, HTX hoạt động dưới quy mô nhỏ do không có nhiều chị em biết sử dụng máy dệt và áp dụng được những kỹ thuật hiện đại. Nhưng sau khi Trung tâm khuyến công tổ chức đào tạo nghề thì đã có nhiều chị em thực hiện tốt kỹ thuật dệt. Hiện nay, HTX có 60 lao động thường xuyên và khoảng 200 lao động thời vụ trong xã. Mỗi tháng, HTX sản xuất được từ 500 - 600 sản phẩm cung ứng cho thị trường các huyện lân cận và đưa đi tiêu thụ tại các gian hàng hội chợ trong tỉnh cũng như trong nước.
Trong hơn 10 năm qua, trung tâm đã xây dựng 36 đề án với tổng số vốn lên tới 1,295 triệu đồng (bình quân mỗi đề án 38 triệu đồng) để các doanh nghiệp mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ. Một số mô hình trình diễn đã được thực hiện và đến nay đang tạo ra hiệu quả cao như: Sản xuất nguyên liệu mây tre đan xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong, chế biến nước mắm tại Công ty CP thủy sản Vạn Phần, sản xuất chè xanh tại Công ty Công nông - nghiệp 3/2, sản xuất gạch tuynel theo công nghệ mới tại Công ty CP xây dựng số 3 Nghệ An... Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công mà doanh nghiệp đã giảm bớt khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Tuy nguồn hỗ trợ từ quỹ khuyến công không lớn nhưng đã giúp cho công ty tạo được nguồn nguyên vật liệu ổn định. Trước nay, những nguyên liệu thừa đều được công ty vứt bỏ nhưng nhờ sử dụng công nghệ tái chế nên đã tiết kiệm được khá kinh phí. Nhờ đó, hoạt động của công ty ổn định hơn và đời sống của người lao động tốt hơn.
Tại Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, giai đoạn 2002 - 2010, công ty đã tham gia nhiều gian hàng ở hầu hết các kỳ hội chợ, triển lãm tại Thành phố Vinh, Diễn Châu và một số hội chợ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần cho biết: Thông qua các kỳ hội chợ, công ty đã mở thêm nhiều cửa hàng, đại lý và một số điểm ký gửi bán sản phẩm. Công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường đã giúp cho sản phẩm của công ty có mặt trên hầu hết các thị trường trong nước và cũng đang được thị trường Lào rất ưa chuộng. Năm 2012, công ty đã xuất khẩu được 1.800 lít nước mắm sang thị trường Malaysia. Nước mắm Vạn Phần nay đã là một thương hiệu, đó cũng nhờ quỹ khuyến công đã hỗ trợ quảng bá. 
Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của UBND tỉnh nên hàng năm, kinh phí khuyến công đều được bố trí ổn định và tăng đều (cụ thể như giai đoạn 2002- 2005; mỗi năm 2 tỷ đồng; giai đoạn 2007-2012 mỗi năm là 4 tỷ đồng). Nhờ “vào cuộc” của khuyến công, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 18,32%, ngành nghề nông thôn phát triển mạnh, nhất là các nghề mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến hải sản, dệt thổ cẩm... Đến nay đã có 119 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Một số sản phẩm như nước mắm, tương, ngói Cừa, hương trầm Quỳ Châu đã có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, Nghệ An đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Điều này khẳng định hoạt động khuyến công là một chủ trương, một hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề. Đây là những kết quả rất quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong những năm tới. 
Yêu cầu phải đổi mới
Bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, nguồn vốn khuyến công còn dựa vào ngân sách tỉnh và nguồn vốn khuyến công quốc gia mà chưa động viên, huy động được nhiều nguồn lực khác. Trong khi đó, hệ thống cán bộ theo dõi hoạt động khuyến công ở cấp huyện thiếu ổn định, hồ sơ thủ tục khuyến công vẫn còn phức tạp. Chưa xây dựng được các dự án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò làm hạt nhân thúc đẩy… Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mỗi năm, nguồn vốn khuyến công được trung bình hơn 4 tỷ đồng, trung bình một đề án là 70 triệu đồng được chia thành 2 lần, vì vậy nhiều đơn vị chưa “thiết tha”. Nội dung hoạt động khuyến công còn chưa  sát nhu cầu của các cơ sở sản xuất, của các địa phương. 
Bất cập lớn nhất là tư tưởng “dễ làm khó bỏ” đã khiến cho quy mô các hoạt động khuyến công trong thời gian qua còn quá nhỏ và mất cân đối giữa các nhiệm vụ. Nhiều địa phương vẫn chỉ tập trung thực hiện các hoạt động đào tạo nghề và xây dựng dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chưa mở rộng thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công khác theo 7 tiểu chương trình tại Quyết định số 136/2007/QĐ- TTg. Ví dụ, trong 7 nội dung thì riêng công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề đã chiếm 39% kế hoạch kinh phí. Trong khi đó, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình sản xuất chỉ chiếm 10% kinh phí; hỗ trợ máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 4% kinh phí... 
Một số đề án khuyến công chưa tập trung hỗ trợ rõ nét, có hiệu quả vào những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Vì thế mà một số đề án đào tạo nghề hiệu quả kém như nghề thêu, chế tác đá mỹ nghệ, ghép nưa, chiếu tre... Ông Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm, cái khó lớn nhất hiện nay là ở cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách lĩnh vực khuyến công nên việc lựa chọn, xây dựng kế hoạch hỗ trợ còn hạn chế và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương. Từ đây, chất lượng xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công chưa cao. Số đề án sai với quy định về nội dung, dự toán, hồ sơ còn nhiều...
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Sở Công Thương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phân phối, các loại hình phân phối để tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, quan tâm người lao động. Chỉ khi nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động khuyến công thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mới có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Phạm Bằng - Hoàng Vĩnh

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.