Miền núi tích cực gieo cấy vụ mùa

(Baonghean) - Nắng hạn kéo dài đã khiến cho nhiều huyện miền núi gieo cấy lúa vụ mùa chậm thời vụ. Với phương châm “chậm còn hơn không” ngay sau khi trời có mưa to, các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung làm đất, kết hợp với các biện pháp chủ động nguồn nước tưới trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Đắp bờ giữ nước
Vụ mùa này, huyện Quế Phong phấn đấu gieo cấy 2.200 ha lúa nước, 330 ha lúa rẫy và 150 ha ngô. Theo ông Lữ Văn Tiến – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Vụ mùa này, UBND huyện chỉ đạo cơ cấu các giống lúa ngắn và trung ngày, đảm bảo 2 yếu tố là ổn định năng suất, chất lượng gạo tốt, đó là: Lúa lai Nhị ưu 986, TH 3-5 và các giống lúa thuần, như: Japonica, Bắc thơm 9; Vật tư NA2, Nếp 97. Trên một cánh đồng chỉ cơ cấu 1 – 2 giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi trong phòng chống dịch bệnh trên lúa. UBND huyện bố trí lịch thời vụ gieo cấy vụ mùa từ ngày 5 đến 16/7 (tùy từng giống lúa). Tuy nhiên do diễn biến của thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước khô cạn, nên gieo cấy vụ mùa chậm hơn thời gian của lịch thời vụ khoảng 10 ngày.
Nếu như theo lịch thời vụ của huyện, hiện nay bà con đã ra đồng gieo cấy lúa, nhưng đến ngày 12/7, trên tất cả cánh đồng của Quế Phong bà con đang làm đất, đắp bờ giữ nước. Anh Lữ Văn Tiến cho biết: Khác với các năm trước nguồn nước dồi dào, bà con chỉ việc làm đất, đắp phụ bờ, thì nay phải đắp chắc bờ, không cho nước chảy tự do như trước, giữ mực nước vừa đủ cấy tại ruộng, phòng khi trời tiếp tục nắng hạn dẫn đến kéo dài thời gian chậm thời vụ. Sở dĩ phải làm vậy, vì đặc thù của Quế Phong không có hồ đập lớn, nên không chủ động được nước tưới mà chủ yếu dựa vào thời tiết. Về phân bón, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hợp lý đối với từng giống lúa, những đám ruộng bậc thang cần sử dụng phân dúi sâu.
Mẹ con chị Hà Thị Thủy ở bản Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong) đắp bờ giữ nước, chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa.
Mẹ con chị Hà Thị Thủy ở bản Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong) đắp bờ giữ nước, chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa.
Khác với vụ mùa trước, vụ mùa này Quế Phong cơ cấu gieo cấy giống lúa Japonica hơn 300 ha tại các cánh đồng lớn của một số địa phương. Trong đó xã Mường Nọc có 280 ha được cơ cấu hơn 50% diện tích là cấy giống lúa này, nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất lúa hàng hóa cho bà con. Xã Châu Kim vụ mùa này gieo cấy 198 ha lúa, trong đó cơ cấu 50% diện tích lúa lai, 50% diện tích lúa cao sản. Đến trung tuần tháng 7, cơ bản toàn bộ diện tích đất của Châu Kim đã được bà con cày bừa, đắp bờ be nước cẩn thận. Bà Hà Thị Thủy ở bản Muồng, đang cùng con gái đắp bờ cho mảnh ruộng bậc thang, bộc bạch: Nhà có 5 sào ruộng, đáng lẽ cấy từ đầu tháng 7, nhưng vì không có nước nên mới bắc mạ được mấy hôm. Vụ mùa này gia đình chọn giống lúa Tạp giao 1 để cấy. Sau mấy ngày có mưa, mẹ con ra ruộng làm đất, làm cỏ, đắp bờ cẩn thận để giữ nước ngay tại ruộng, chứ không cho nước chảy tràn lan như trước. Nếu thời tiết thuận lợi, bà con bản Muồng sẽ xuống đồng cấy lúa vào những ngày tới.
Châu Thôn là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa mùa nhiều của huyện, với 200 ha. Ông Vi Văn Chín, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Vận dụng khe suối có nhiều nước sau mưa, bà con trong xã sửa chữa, lắp đặt guồng nước tưới cho đồng ruộng. Khi nước đầy ruộng, bà con đắp kín bờ, nhém lọng, giữ nước, làm đất bằng sức máy, hoặc những đám ruộng nhỏ thì dùng sức trâu cày, bừa. Xã tuyên truyền, chỉ đạo bà con tuyệt đối không gieo sạ, mà bắc mạ để cấy. Đặc thù của lúa vụ mùa thời gian sinh trưởng ngắn, nên xã hướng dẫn bà con tập trung bón lót nhiều phân, bón thúc sớm. Đặc biệt, dựa vào các yếu tố của từng giống lúa để tăng cường phân bón ka ly, nhất là các giống lúa lai, trong đó tăng cường bón phân dúi sâu.
Đào hố tích nước
Kỳ nắng hạn đã qua và thời vụ gieo cấy vụ mùa cũng đã muộn, nhưng bà con nông dân ở huyện miền núi Con Cuông cũng đang tích cực xuống đồng. Những vùng trồng lúa nước tập trung vụ mùa muộn trở thành giải pháp tối ưu của bà con để đảm bảo lương thực. Đối với những nông dân trồng lúa nước ở nhiều xã như Đôn Phục, Bình Chuẩn, Mậu Đức, Thạch Ngàn, những trận mưa sau hạn hán thực sự quý như vàng, là cơ hội tốt để bà con xuống đồng gieo cấy với phương chậm “muộn còn hơn không”.
Thuê máy cày về cày ruộng (ảnh chụp tại bản Trung Đình - Chi Khê - Con Cuông).
Thuê máy cày về cày ruộng (ảnh chụp tại bản Trung Đình - Chi Khê - Con Cuông).
Xã Đôn Phục có 172 ha ruộng nước phân bố rải rác trên 7 bản của toàn xã. Lâu nay bà con đã từ bỏ nương rẫy nên lúa nước trở thành nguồn lương thực chính của địa bàn còn khá nhiều khó khăn này. Riêng bản Hồng Thắng, phần lớn trong tổng số 21 ha ruộng nước tại đây đều nằm dọc con suối Khe Phèn trước đây khá thuận lợi về nước tưới. Tuy nhiên đợt nắng nóng kéo dài đã khiến dòng suối này cạn kiệt, dẫn đến nhiều diện tích ruộng không có nước làm đất cấy. Chính vì thế, ngay sau khi có mưa, bà con nông dân đã tích cực xuống đồng gieo mạ, cày đất theo phương châm “dù đã muộn nhưng không thể để muộn hơn”. Ông La Đình Việt, trưởng bản Hồng Thắng, chia sẻ: Dẫu vậy thì trong bản vẫn còn những nhà có ruộng cao hơn so với con suối vẫn thiếu nước. Bà con đang tích cực tận dụng những phần nào có nước tưới để cấy. Thôn bản cũng đang kiến nghị với chính quyền hỗ trợ người dân bơm nước vào những chân ruộng cao.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở hai bản Tổng Tờ và Tổng Tiến (xã Đôn Phục) là những bản khó khăn nhất về nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất. Người dân đã có ý thức áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm nước để tưới ruộng. Bên những thửa bậc thang, bà con đã đào những hố sâu để tích trữ nước mưa, tưới cho lúa khi cần thiết. Một phụ nữ đang nhổ mạ chuẩn bị cấy, cho biết: “Người dân ít khi nghĩ đến chuyện đào hố tích nước thế này, nhưng năm nay hạn to, cán bộ phổ biến nên làm theo và thấy cũng hiệu quả, phù hợp với đồng ruộng vùng cao”.
Chị Hồ Tuệ Vân, cán bộ nông nghiệp xã Đôn Phục, cho biết, hiện có khoảng hơn 10 ha ruộng cấy lúa mùa vẫn còn khó khăn về nước tưới. Nếu tới đây trời tiếp tục mưa thì số diện tích này vẫn có thể gieo cấy. Để chủ động đối phó với thời tiết, UBND huyện cũng đã hỗ trợ 2 máy bơm dã chiến để bơm nước tưới cho ruộng. Ngoài ra xã cũng đã hướng dẫn, khuyến khích người dân giữ nước sản xuất bằng cách đào những hố chứa bên cạnh ruộng”. Đến trung tuần tháng 7, nhiều hộ dân ở các bản đã xuống đồng nhổ mạ, cấy được những diện tích thuận lợi về nước tưới.
Bản Quẻ là địa bàn khó khăn nhất của xã Bình Chuẩn. Đường sá khó khăn nên người dân nơi đây ý thức rõ việc tạo nguồn lương thực tại chỗ sẽ giúp giải quyết khó khăn khi mưa gió, đường lầy lội, rất khó đi mua gạo ăn. Dù diện tích ruộng nước khá khiêm tốn nhưng bà con vẫn tận dụng những vùng đất bằng nhất có thể khai hoang ruộng nước. Đợt khô hạn vừa qua khiến phần nhiều diện tích ruộng nước trong bản thiếu nước tưới. Sau khi có những trận mưa sau hạn, dù lượng mưa không lớn nhưng bà con rất phấn khởi. Gia đình anh Lô Văn Thành có 1.200 m2 ruộng nước. Thời tiết thuận lợi mỗi năm cấy được 2 vụ, gia đình tạm đủ gạo ăn. Không thể để thiếu gạo ăn, sau đợt hạn hán này, gia đình phải tìm mọi cách thuê máy bơm nước để đảm bảo đủ nước tưới. Dù đã tận dụng mọi nguồn nước, tích cực nạo vét mương dẫn nước, nhưng cũng chỉ đủ tưới cho 800m2, diện tích còn lại vẫn phải chờ nước trời. “Nếu không có mưa thì đành phải tiếp tục thuê máy bơm nước cho kịp thời vụ, nếu không để đất hoang, gia đình sẽ thiếu gạo ăn trong nhiều tháng liền”, anh Thành cho biết. 
Ở bản Quẻ không chỉ gia đình anh Lô Văn Thành mà hầu hết những gia đình làm lúa nước đều phải thuê máy bơm để đảm bảo nước tưới. Đây cũng là tình trạng chung của một số thôn bản khác trong xã. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, cho biết: “Tận dụng những nguồn nước sau mưa, bằng mọi cách, địa phương sẽ tạo điều kiện cho bà con đủ nước tưới để sản xuất vụ mùa. Dù đã chậm thời vụ, nhưng vẫn phải cấy bằng được, hạt lúa với bà con là quý lắm, nếu để thiếu ăn cuộc sống sẽ khó khăn gấp bội”.
Con Cuông là địa bàn chịu thiệt hại nặng trong đợt nắng hạn vừa qua, dẫu vậy bà con vẫn tích cực chủ động tạo nguồn nước tưới ruộng. Hiện nay nhiều xã đã hoàn thành việc gieo cấy, đặc biệt là “vựa lúa” Môn Sơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, bà con khu vực cánh đồng Mường Quạ đã gieo cấy sớm. Hiện lúa hè thu và mùa sớm đang trên đà phát triển tốt. Một số xã khó khăn hơn như Yên Khê, Chi Khê về căn bản đến trung tuần tháng 7 bà con cũng sẽ cấy xong vụ mùa và mùa muộn. 
Như vậy, vụ mùa này nhiều địa phương vùng miền núi gieo cấy lúa chậm thời vụ do hậu quả của nắng nóng kéo dài. “Trong cái khó ló cái khôn”, với kinh nghiệm thực tế của đồng bào vùng cao, hy vọng các địa phương này có thêm vụ mùa bội thu.
X.Hoàng - V.Chôồng

tin mới

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

(Baonghean.vn) -Thực hiện Kế hoạch mở đợt kiểm tra cao điểm về hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), chiều 28/3, đoàn công tác Ban chỉ đạo IUU của tỉnh tiến hành kiểm tra tại địa bàn Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai.

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.