Xã hội

Kịp thời giải quyết kiến nghị của người dân vùng tái định cư thủy điện

Tiến Hùng 20/08/2024 10:07

Sau nhiều năm người dân vùng tái định cư cũng như chính quyền địa phương kiến nghị, chủ đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ đã thống nhất đầu tư bổ sung nhiều hạng mục.

Thống nhất đầu tư nhiều hạng mục ở 2 xã tái định cư

Ngày 19/8, ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết, địa phương vừa nhận được văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung Dự án Thủy điện Bản Vẽ. “Sau nhiều năm người dân và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị, cuối cùng những nguyện vọng của bà con cũng sắp được hoàn thành”, ông Hùng nói.

Theo EVN, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành theo đúng quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ được Bộ Công nghiệp thống nhất ban hành tại Văn bản số 1174/CV-NLDK ngày 16/3/2004. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng vận hành các công trình hạ tầng, công trình công cộng, có một số bất cập, phát sinh do việc thay đổi tổ chức hành chính các xã, thôn, bản và cập nhật tiêu chí nông thôn mới. Việc hỗ trợ bổ sung bằng nguồn vốn dự án theo kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An chưa có trong các quy định hiện hành, nên EVN đã gửi các văn bản, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Nghệ An thực hiện đầu tư các hạng mục xây dựng hạ tầng bổ sung theo Quyết định 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư.

Một góc xã tái định cư Ngọc Lâm. Ảnh. Nguyễn Đạo
Một góc xã tái định cư Ngọc Lâm. Ảnh: Nguyễn Đạo

Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu EVN giải quyết hỗ trợ các nội dung này từ nguồn vốn đầu tư dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 143/TBVPCP ngày 13/4/2019, trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư, ngày 19/03/2020, EVN đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị cho phép hỗ trợ theo đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An từ nguồn vốn đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ, phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 06/2019/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay kiến nghị này chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại và quyết toán dự án, EVN đang đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc cho phép hỗ trợ bổ sung theo đề xuất của địa phương với các nội dung đã được chủ đầu tư rà soát, báo cáo tại Văn bản số 71/BC-EVNGENCO1 ngày 15/5/2024 và Văn bản số 80/BC-EVNGENCO1 ngày 30/5/2024. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép hỗ trợ từ nguồn vốn dự án, đề nghị chấp thuận để chủ đầu tư thực hiện theo phương án chuyển kinh phí hỗ trợ một lần đợt cuối cùng để địa phương tự thực hiện đầu tư xây dựng và chịu trách nhiệm quyết toán giá trị hỗ trợ theo quy định, giá trị hỗ trợ một lần được đưa vào giá trị quyết toán dự án.

Người dân vất vả mưu sinh dọc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ,
Người dân vất vả mưu sinh dọc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ: Ảnh: Tiến Hùng

Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi rà soát, các bên đã thống nhất giá trị khái toán để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét như sau: Giá trị khái toán sau rà soát đối với huyện Tương Dương là hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, gồm các hạng mục như sau: Xây dựng Khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương là hơn 25 tỷ đồng; xây dựng Khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Vẽ ra khỏi vùng sạt lở đất, xã Yên Na, huyện Tương Dương là hơn 5,5 tỷ đồng.

Đối với các hạng mục hỗ trợ thuộc huyện Thanh Chương, chủ đầu tư dự án và UBND tỉnh đã tổ chức rà soát, thống nhất giá trị khái toán các hạng mục kiến nghị hỗ trợ được ghi nhận tại biên bản làm việc ngày 03/11/2023 với tổng giá trị khái toán là hơn 20 tỷ đồng. Các hạng mục ở huyện Thanh Chương sẽ được đầu tư bao gồm nhà văn hóa bản Noòng, xã Ngọc Lâm; Đài tưởng niệm liệt sĩ, chợ nông thôn và sân vận động ở 2 xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm.

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Tiến Hùng

Tiếp tục kiến nghị bồi thường đất trên cốt ngập

Cũng liên quan đến Dự án Thủy điện Bản Vẽ, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ đất trên cốt ngập đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ. Trước đó, tháng 4/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản tương tự gửi Bộ Công Thương, tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, thẩm quyền của vấn đề này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Văn bản mới đây của UBND tỉnh cho hay, theo quy định hiện nay, các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án thủy điện đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Cụ thể, tại Khoản 3 quy định, hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Còn tại Khoản 4 quy định, hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Một hộ dân sinh sống, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện.
Một hộ dân sinh sống, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 23, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg, thì các dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo quyết định này. Theo đó, Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình Thủy điện Bản Vẽ tại Quyết định số 1291/QĐ-EVN-QLXD-KTDT ngày 19/5/2005 và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thống nhất quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Lả (nay là Bản Vẽ) tại Văn bản số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005, trong đó, chỉ được bồi thường về đất đối với các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án (phạm vi ngập lòng hồ, dưới cao trình 200m). Vì vậy, đối với các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án Thủy điện Bản Vẽ không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất.

Nhưng trên thực tế, khi triển khai theo chủ trương của dự án, những hộ dân có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nằm trên cốt ngập lòng hồ thủy điện đều phải di dời cùng với cộng đồng làng bản, không thể ở lại, cũng như quay trở lại sản xuất trên phần đất này. Hơn nữa, đến nay, công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ chưa hoàn thành, UBND huyện Tương Dương chưa phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở bố trí kinh phí chi trả cho nhân dân, do đó, cần thiết phải thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng về đất trên cốt ngập để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến tương tự như các hộ dân thuộc diện tái định cư trong phạm vi ngập lòng hồ.

Cho đến nay, hàng nghìn hộ dân vẫn đang mong chờ được đền bù đất trên cốt ngập.
Cho đến nay, hàng nghìn hộ dân vẫn đang mong chờ được đền bù đất trên cốt ngập. Ảnh: Tiến Hùng

Mặt khác, phần lớn diện tích đất trên cốt ngập của các hộ dân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân. Vì vậy, hiện nay một số hộ dân vẫn quay trở lại nơi cũ (khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ) để làm ăn, sản xuất, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và ảnh hưởng cho địa phương trong công tác quản lý đất đai, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ, cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, an ninh, trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập dự án Thủy điện Bản Vẽ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg./.

Mới nhất

x
Kịp thời giải quyết kiến nghị của người dân vùng tái định cư thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO