Giáo dục

Kỳ 1: Cán bộ xã lấn chiếm hàng trăm m² “đất vàng” của trường học

Tiến Hùng 03/07/2024 08:05

Một vị cán bộ xã (ở huyện Tân Kỳ) được chủ tịch UBND xã này cắt 20m2 đất của trường học trái thẩm quyền để xây ki-ốt tạp hóa, nhưng sau đó người này còn lấn chiếm thêm của nhà trường, nâng tổng diện tích lên đến hơn 150m². Vụ việc bị người dân làm đơn tố cáo, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có biện pháp xử lý dù đã có kết luận rõ ràng.

b-cover.png

Cắt đất trái thẩm quyền

Nhiều năm nay, những lần HĐND các cấp tiếp xúc cử tri ở xã Phú Sơn (huyện Tân Kỳ), một số người dân đặt câu hỏi về việc một vị cựu cán bộ xã lấn chiếm “đất vàng” của Trường Tiểu học Phú Sơn để xây nhà kiên cố. Người dân đã gửi đơn tố cáo, chính quyền địa phương cũng đã có kết luận sai phạm, nhưng cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ngôi nhà vẫn nằm chình ình trong khuôn viên nhà trường, ở khu vực được cho là trung tâm đắc địa nhất của xã.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1993, ông Lê Phương Hải - cán bộ xã Phú Sơn, được Chủ tịch UBND xã này quyết định cắt đất tại khu vực Trường Tiểu học Phú Sơn với diện tích 20m2 (chiều dài 5m, chiều rộng 4m2), để xây ki-ốt bán hàng tạp hóa. Việc cắt đất này của Chủ tịch UBND xã Phú Sơn là hành vi trái thẩm quyền.

Ngôi nhà có 2 mặt bám đường, có vị trí trung tâm nhất của xã Phú Sơn Ảnh Tiến Hùng
Ngôi nhà có 2 mặt bám đường, có vị trí trung tâm nhất của xã Phú Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Không chỉ cắt đất trái thẩm quyền, và dù chỉ được cắt 20m2 nhưng gia đình ông Hải sau đó lấn chiếm công khai, nâng tổng diện tích lên tới hơn 151m2. Thửa đất này nằm ngay ngã ba đường, có 2 mặt bám đường liên xã, phía trước là trụ sở UBND xã Phú Sơn, sau lưng là trường học.

Đến năm 2008, thực hiện chủ trương đo đạc bản đồ địa chính trên địa bàn xã Phú Sơn để phục vụ công tác quản lý về đất đai và cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì thửa đất này được đo với diện tích là 151m2. Dù phát hiện thửa đất đã bị lấn chiếm, nhưng chính quyền xã Phú Sơn thời điểm đó vẫn không có biện pháp xử lý. Thậm chí, sau đó có lập hồ sơ, giúp gia đình vị cán bộ xã này được nhận tiền đền bù.

Cụ thể, khi thực hiện dự án xây dựng đường vào trung tâm xã và dự án kênh mương Khe Là, gia đình ông Hải còn 2 lần được nhận tiền đền bù lên đến hơn 70 triệu đồng, với diện tích giải phóng mặt bằng là 61m2. “Sau khi được đền bù cho 61m2 này, theo lý, thửa đất chỉ còn lại 91m2. Nhưng không hiểu sao, gia đình ông Hải vẫn xây dựng nhà kiên cố, thửa đất thậm chí còn nâng lên 156m2. Việc này là rất mờ ám”, một người dân xã Phú Sơn nói và cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc, ông Hải đã nhận tiền đền bù cho diện tích đất đã lấn chiếm, nhưng vẫn không giải phóng mặt bằng, mà thậm chí còn lấn chiếm thêm.

Ngôi nhà này hiện nằm trên thửa đất rộng hơn 150m2Ảnh Tiến Hùng
Ngôi nhà này hiện nằm trên thửa đất rộng hơn 150m2. Ảnh: Tiến Hùng

Loay hoay tìm cách xử lý

Liên quan đến vụ việc nói trên, năm 2018, một vị xóm trưởng ở xã Phú Sơn đã làm đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất của trường chuẩn quốc gia, xây dựng nhà ở trái phép của ông Lê Phương Hải lên UBND huyện Tân Kỳ. Trong đơn tố cáo, người này cho biết, ban đầu bố ông Hải có làm đơn xin mượn mảnh đất nhỏ để làm ki-ốt cắt tóc. Ki-ốt này sau đó chuyển sang cho vợ chồng ông Hải sử dụng để bán hàng tạp hóa.

“Ban đầu là mượn một ô đất nhỏ nằm ở góc trường học để cắt tóc, nhưng sau đó không trả nữa, rồi còn lấn chiếm lên gấp nhiều lần. Khi được đền bù, cũng không giải phóng mặt bằng, mà ông Hải lấy tiền đền bù đó cơi nới thêm, xây nhà to hơn, lợp mái che phủ cả kênh mương để làm nơi buôn bán, che khuất tầm nhìn của người dân đi lại. Người dân địa phương rất bức xúc, nhiều lần có ý kiến nhưng chính quyền vẫn không xử lý”, người này nói.

Sau khi có đơn tố cáo, UBND xã Phú Sơn đã vào cuộc kiểm tra và kết luận, tố cáo của công dân là đúng. Tuy nhiên, sau đó không có biện pháp xử lý nào được đưa ra.

Một góc phía trước ngôi nhà. Ảnh: Tiến Hùng
Một góc phía trước ngôi nhà. Ảnh: Tiến Hùng

Đến ngày 16/4/2018, người dân lại tiếp tục làm đơn tố cáo gửi lên UBND huyện Tân Kỳ. Ngày 23/7/2018, trong văn bản về việc xử lý đơn tố cáo của công dân, UBND huyện Tân Kỳ cho biết, sau khi xem xét nội dung đơn và tài liệu kèm theo, căn cứ quy định của pháp luật, UBND huyện nhận thấy UBND xã Phú Sơn đã kết luận là nội dung tố cáo đúng, nhưng nội dung xử lý chưa cụ thể. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện giao Chủ tịch UBND xã Phú Sơn kiểm tra xác minh và kết luận bổ sung các nội dung gồm: thời điểm lấn chiếm; diện tích lấn chiếm và biện pháp xử lý.

Đến ngày 23/8/2018, UBND xã Phú Sơn đã có báo cáo kết quả kiểm tra xác minh và biện pháp đề nghị xử lý. Theo báo cáo của UBND xã Phú Sơn, ngày 26/7/1993, ông Lê Phương Hải có đơn xin đất làm ốt quán bán hàng được Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn đồng ý và được UBND xã Phú Sơn xác nhận ngày 6/9/1993 đồng ý cắt 20m² đất ở góc trường. Ít ngày sau, UBND xã Phú Sơn ra quyết định nhất trí cho ông Hải được tiến hành xây ốt tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra, việc UBND xã Phú Sơn cắt đất cho ông Hải là trái thẩm quyền.

Hiện nay nhà trường đã xây dựng bờ rào nên việc lấn chiếm mới dừng lại Ảnh Tiến Hùng
Hiện nay, nhà trường đã xây dựng bờ rào nên việc lấn chiếm mới dừng lại. Ảnh: Tiến Hùng

Về diện tích lấn chiếm, kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2008, thửa đất này đã lên tới 151m2. Hiện trạng hiện nay đã được ông Lê Phương Hải xây dựng nhà kiên cố, công trình phụ và khu vực kinh doanh với tổng diện tích 156m2. Ngoài ra, còn có 61m2 đã được đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện 2 dự án là kênh mương Khe Là và đường vào trung tâm xã. Tuy nhiên, báo cáo của đoàn kiểm tra cho rằng “không xác định được thời điểm ông Hải lấn chiếm”.

Sau khi có kết quả kiểm tra, mặc dù xác nhận có hành vi lấn chiếm cũng như cắt đất trái thẩm quyền, nhưng một lần nữa UBND xã Phú Sơn vẫn không có biện pháp xử lý, mà kiến nghị UBND huyện Tân Kỳ hướng dẫn xã thực hiện.

Sau thời gian chờ đợi không có kết quả, người dân tiếp tục tố cáo lên UBND huyện. Tại phiên tiếp công dân của lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ vào ngày 25/12/2018, người dân tiếp tục tố cáo ông Lê Phương Hải - cán bộ xã Phú Sơn chiếm đoạt đất công, xây nhà ở trái phép và nhận tiền đền bù nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Ông Trịnh Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ sau đó đã có văn bản giao Phòng Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND xã Phú Sơn thực hiện theo Kết luận số 15/KL-UBND ngày 25/3/2018 của UBND xã Phú Sơn. Thời hạn xong trước ngày 20/1/2019, nếu UBND xã Phú Sơn không thực hiện thì thực hiện xử phạt theo quy định.

Vị trí Trường Tiểu học Phú Sơn (Tân Kỳ). Ảnh: Google Maps

Tuy nhiên, cho đến nay, đã hơn 6 năm kể từ khi có kết luận về vi phạm, nhưng chính quyền xã Phú Sơn vẫn chưa đưa ra được biện pháp xử lý.

Thầy Nguyễn Viết Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn giai đoạn 2002 -2008, cho biết, trường học đặt tại khu vực này từ lâu, trước đây do bố ông Lê Phương Hải làm bảo vệ. “Hồi đó, bố ông Hải làm bảo vệ, nên có đến xin mượn nhà trường mảnh đất nhỏ để mở ốt cắt tóc, tiện cho việc trông coi luôn. Ít năm sau thì bàn giao lại cho con trai. Năm 2002, khi tôi lên làm hiệu trưởng, thì mảnh đất này cũng chỉ mới khoảng 50m2 thôi. Sau khi nhiều lần có ý kiến với xã để đòi lại nhưng không được, tôi đã cho học sinh làm hàng rào tre xung quanh. Nhưng khi tôi nghỉ, thì hàng rào bị phá, đất nhà trường lại bị lấn chiếm thêm”, thầy Quỳnh nói.

Trong thời gian tôi làm hiệu trưởng, nhà trường nhiều lần có ý kiến với xã để đòi lại, vừa là để khuôn viên nhà trường vuông vắn, vừa để giải phóng mặt bằng, tránh che khuất tầm nhìn của người dân tham gia giao thông, vì khu vực đó là ngã ba đường”.

Thầy Nguyễn Viết Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn giai đoạn 2002 -2008

Ngôi nhà nằm giữa ngã ba đường. Ảnh: Tiến Hùng
Ngôi nhà nằm giữa ngã ba đường. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết, hiện nay mảnh đất ông Hải đang sử dụng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đây là vấn đề do lịch sử để lại, thời điểm đó do quản lý lỏng lẻo, phần do nhận thức của lãnh đạo nên xử lý có nhiều nhộm nhoạm. Bây giờ kiểm tra rõ sai phạm rồi, nhưng cũng rất khó xử lý. Nếu chưa có tài sản gì trên đất thì dễ, nhưng giờ họ xây nhà kiên cố rồi, chính quyền cũng khó xử”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn

Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Phương Hải nhưng không được. Trong khi đó, vợ ông Hải cho biết “đất gia đình đang ở đã được chính quyền cắt cho, có giấy tờ đầy đủ”.


>> Kỳ 2: Bảo vệ mượn đất nhà trường rồi được cấp luôn “bìa đỏ”

Mới nhất
x
x
Kỳ 1: Cán bộ xã lấn chiếm hàng trăm m² “đất vàng” của trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO