Kỳ 1: Phnôm Pênh trên đường đổi mới!

28/02/2014 19:11

(Baonghean) - Vừa qua, được tham gia cùng Đoàn báo chí Trung ương, địa phương đi khảo sát các điểm đến du lịch tại đất nước Campuchia, chúng tôi đã tới thăm Thủ đô Phnôm Pênh, thăm tỉnh Siêm Riệp, để tận mắt cảm nhận vẻ đẹp, sự kỳ vĩ của quần thể Angkor - một trong 7 kỳ quan của thế giới còn lại được sánh ngang với Vạn lý Trường Thành, Kim tự Tháp Ai Cập...

Từ sân bay Nội Bài, trên chuyến bay VN 921 của hãng hàng không Vietnam Airlines, sau hơn 2 giờ bay, đoàn nhà báo chúng tôi háo hức đáp xuống sân bay Quốc tế Phnôm Pênh, là sân bay chính của đất nước Campuchia, cách trung tâm Thủ đô Phnôm Pênh chừng 7 km về phía tây. Không giống như ở Hà Nội đang trong những ngày rét buốt, tiết trời ở Phnôm Pênh tương đối ấm áp. Tiếp tục hành trình bằng phương tiện ô tô chừng 10 phút, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm thủ đô.

Đông đảo du khách tham quan chùa Bạc.
Đông đảo du khách tham quan chùa Bạc.

Trước khi đặt chân xuống sân bay Phnôm Pênh, chúng tôi đã có được thông tin về tình hình Campuchia dịp này không được tốt, các cuộc biểu tình diễn ra liên tục, song rất may mắn, hôm chúng tôi đến thủ đô khá yên bình, mọi sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường. Nhiều đoàn khách du lịch từ các nước châu Âu, châu Á vẫn nườm nượp tìm đến tham quan. Cảm nhận đầu tiên là Thủ đô Phnôm Pênh xe cộ thưa vắng, nhiều ô tô cá nhân và không kín đặc xe máy như Hà Nội. Dọc những con phố chính, thấp thoáng chùa tháp cổ kính và những ngôi biệt thự kiến trúc thời thuộc địa. Theo anh Din, hướng dẫn viên người Campuchia thì Phnôm Pênh tương đối nhỏ, ngồi trên ô tô chỉ đi nửa tiếng đồng hồ là hết những con phố chính. Nơi đây, không có nhiều nhà chọc trời, cũng chưa phát triển các khu đô thị mới nhưng Phnôm Pênh đang dần hiện rõ là một thành phố du lịch, các tòa nhà lớn ở đây chủ yếu là khách sạn. Hiện nay, thủ đô cũng đang trên lộ trình hiện đại hóa với nhiều tuyến đường, công trình nhà cửa vừa mới được xây dựng xong hoặc đang dang dở. Có cảm nhận, Phnôm Pênh cũng giống như các đô thị ở Việt Nam là thói quen buôn bán vỉa hè, đỗ xe ô tô ở lòng, hè đường khá “tự do”, và nhiều con đường chưa được rải nhựa nên trông nhếch nhác...

Địa danh chúng tôi đến thăm đầu tiên ở Thủ đô Phnôm Pênh là Hoàng cung. Khác với những khu phố xá

Tượng Vua Norodom đặt trong ngôi tháp ở Hoàng cung Campuchia.
Tượng Vua Norodom đặt trong ngôi tháp ở Hoàng cung Campuchia.
nơi người dân buôn bán, đường đến Hoàng cung với khu quảng trường rộng thênh thang và không cho phép xe cộ lưu hành. Rất đông khách du lịch xếp hàng giữa nắng để được vào tham quan với mong muốn được tận mắt nhìn thấy khu vực dành cho Quốc vương Campuchia ở. Được biết, Hoàng cung là một trong những nơi linh thiêng được xây dựng mới vào năm 1866 để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương, gia đình quốc vương và các quan khách nước ngoài. Đây là nơi diễn ra các nghi thức ngoại giao và nghi lễ hoàng gia. Toàn bộ công trình được ngăn cách với con đường phía ngoài bằng một bức tường thành với những bức phù điêu lớn, phía trước là dòng sông rất đẹp. Các công trình bên trong được trang trí công phu và chăm sóc kỹ lưỡng cùng với khu vườn đầy hoa, cây xanh hai bên lối đi… Anh Phil Jone, một du khách người Anh chia sẻ: Đất nước chúng tôi cũng có Hoàng gia, nhưng hoàng cung Campuchia rất độc đáo, gồm nhiều công trình hình tháp cao chót vót - một kiến trúc tiêu biểu của xứ sở chùa Tháp.

Nằm ở phía bên phải Hoàng Cung là chùa Bạc. Chùa có tên chính thức là Wat Preah Keo Morokat, có nghĩa là “Chùa Phật ngọc lục bảo”. Nền chùa được lát bằng 5.000 miếng bạc, mỗi miếng nặng 1kg. Chùa được xây bằng gỗ năm 1892, thời vua Norodom, theo kiểu chùa Ngọc Phật ở Thái Lan và được trùng tu vào năm 1962. Chùa Bạc lưu giữ những bảo vật vô giá của đạo Phật và những vật dụng khác nhau từ các đời vua. Trong chùa, có nhiều tượng Phật quý giá, đặc biệt là tượng Phật đứng làm bằng vàng tạc năm 1906, nặng 90kg, có gắn 9.584 viên kim cương, viên lớn nhất nặng 25 cara. Bên trên còn có tượng Phật ngồi, làm bằng ngọc lục bảo, cao chừng 30cm. Ngoài ra, còn có bức tượng Phật xá lị ngồi trong một tháp nhỏ bằng vàng, bạc. Đây là ngôi chùa của Hoàng gia nên chùa Bạc không có hoà thượng cư ngụ và tu hành.

Một điểm mà du khách không thể bỏ qua khi đến Thủ đô Phnom Pênh là chùa Wat Phnom (chùa Bà Pênh), một ngôi chùa lịch sử gắn chặt với sự khởi đầu của thủ đô. Chùa nằm trên một quả đồi, xung quanh là những thảm cỏ và những cây cổ thụ xanh mát. Truyền thuyết kể lại, năm 1372, người phụ nữ có tên là Penh (Yea Penh) - một cư dân địa phương tình cờ vớt được cây gỗ trôi dạt trên sông, bên trong có 4 bức tượng Phật. Thấy lạ, bà Penh liền cho đắp một ngọn đồi (phnom) và xây dựng lên trên đó một ngôi chùa nhỏ (wat) để thờ. Sau này, các khu vực chung quanh chùa được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có tên thủ đô Phnôm Pênh ngày nay.

Đêm ở Phnôm Pênh, đoàn nhà báo chúng tôi được đến thăm khách sạn Naga World nằm bên bờ sông Mê Kông. Cách khách sạn vài trăm mét là cây cầu nối qua đảo Kim Cương. Nơi đây, năm ngoái đã xảy ra một sự kiện bi thảm: Người dân Campuchia chen nhau xem hội đua ghe, chỉ vì nghe tiếng hô sập cầu mà hốt hoảng giẫm đạp lên nhau, khiến hơn 370 người thiệt mạng. Naga World nổi bật với lối kiến trúc hiện đại, tao nhã; vẻ sang trọng nhưng lại dễ gần. Với hơn 700 phòng, đây là điểm dừng chân lý tưởng của du khách đến xứ Chùa Tháp. Kể từ khi được xây dựng cho đến nay, Naga World luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Phnôm Pênh với không khí sôi động của cuộc sống, bầu trời đêm nhân tạo. Nơi đây có sòng bạc lớn nhất Campuchia, các con bạc đến Naga World chủ yếu là người châu Á vào mỗi cuối tuần, nhiều hơn vẫn là người Việt Nam. Được biết, ông chủ của Naga World là người Malaysia gốc Hoa, chủ của các sòng bạc nổi tiếng trên thế giới, như: Genting ở Malaysia và sòng bạc ở Sigapore. Chưa biết không khí trong sòng VIP ra sao, nhưng dạo qua sòng bài “cò con” ở tầng 1, các bà - các chị cũng không kém cánh nam giới chúi vào đặt cửa. Chỉ có điều thắng bạc lớn ở đây gần như là chuyện không tưởng. Song, không vì thế mà lượng khách vào đây thuyên giảm...

Sau một ngày đêm cảm nhận Thủ đô Phnôm Pênh, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình bằng đường bộ đi Thành phố Siêm Riệp, nơi có Kinh đô cổ Angkor, một trong 7 kỳ quan thế giới chứa đựng nhiều điều bí ẩn.

Bài, ảnh: Trâm Anh

Mới nhất

x
Kỳ 1: Phnôm Pênh trên đường đổi mới!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO