Giáo dục

Kỳ 1: Thầy giáo mang màu áo lính

Mỹ Hà - Tiến Hùng 20/11/2024 10:43

Trong những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã mở hàng chục lớp học xóa mù chữ ở những bản vùng cao Nghệ An. Bà con không chỉ được dạy chữ, được trang bị đầy đủ tài liệu học tập mà còn được dạy nhiều kiến thức về nông nghiệp, giúp cải thiện cuộc sống.

giannanxoamuchuvungcao-k1-cover.png

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 20/11/2024

Trong những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã mở hàng chục lớp học xóa mù chữ ở những bản vùng cao Nghệ An. Bà con không chỉ được dạy chữ, được trang bị đầy đủ tài liệu học tập mà còn được dạy nhiều kiến thức về nông nghiệp, giúp cải thiện cuộc sống.

giannanxoamuchuvungcao-k1-t1.png

Trung tuần tháng 11/2024, tại bản Lam Sơn (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong), diễn ra lễ khai giảng lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ. Lớp do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 mở, nằm trong Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng” của Chính phủ. Giáo viên là những tri thức trẻ tình nguyện công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.

Gần tới giờ khai giảng, chị Quang Thị Hóa (bản Lam Sơn, 40 tuổi), mới vội vã chạy tới, xin đăng ký vào học. “Chị Hóa là học viên thứ 26 của lớp này. Hôm qua mới chỉ có 21 học viên đăng ký, nhưng đến trước giờ khai giảng đã có 26 học viên. Khó khăn nhất vẫn là vận động được các học viên tới lớp”, Thượng tá Nguyễn Như Hồng - Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 cho biết.

Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 tặng quà cho các học viên lớp xóa mù chữ ở xã Tri Lễ - Quế Phong
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tặng quà cho các học viên lớp xóa mù chữ ở xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Mỹ Hà

Chị Hóa cũng như nhiều phụ nữ khác ở địa phương, trước đây vì cuộc sống khó khăn, nên chưa một ngày được đến trường. “Tôi không biết chữ, mà con chữ cũng chẳng biết tôi. Vì không biết chữ nên gặp vô vàn khó khăn. Chỉ có thể quanh quẩn trong bản này thôi”, chị Hóa cười nói. Ít ngày trước, chị được bộ đội cũng như chính quyền địa phương đến tận nhà vận động tham gia lớp xóa mù chữ, dù rất muốn tham gia nhưng vì chồng đi làm xa, chưa xin ý kiến được nên chị không mạnh dạn đăng ký.

Đến sáng nay, chồng đi làm về, khi tôi hỏi, chồng mới bảo “đi học chữ thích vậy sao còn không đi”? Nên tôi mới chạy đến lớp để đăng ký. Bây giờ làm bà ngoại rồi mới đi học cũng ngại lắm”.

Chị Quang Thị Hóa, bản Lam Sơn (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong)

Cán bộ đoàn quốc phòng 4 hướng dẫn động viên người dân xã Tri Lễ học xóa mùa chữ
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn, động viên người dân xã Tri Lễ học xóa mù chữ. Ảnh: Tiến Hùng

Tương tự chị Hóa, bà Lương Thị Hiền (51 tuổi, bản Lam Hợp), cũng lần đầu đi học chữ khi đã có đủ các cháu nội, ngoại. “Không biết chữ cũng bất tiện lắm. Biết đi xe máy nhưng không biết chữ nên không thể học bằng, nên mỗi lần có việc đi xa cũng chỉ đi bộ thôi. Con lấy chồng ở xa muốn gọi điện, nhắn tin hỏi thăm cũng không biết chữ để nhắn tin”, bà Hiền kể.

Lớp học chỉ có vỏn vẹn 26 học viên, nhưng có đến 4 giáo viên, 2 giáo viên dạy chính, 2 giáo viên còn lại thay nhau kèm cặp, hướng dẫn từng học viên. Vì nhiều học viên không thể nói được tiếng phổ thông, nên các giáo viên hầu hết được lựa chọn từ người dân tộc thiểu số. Có cả giáo viên người Mông, người Thái và Khơ Mú. Một trong số những giáo viên đó có anh Hà Văn Cáng (người Thái, ở bản Kẻm Đôn (xã Tri Lễ năm nay 26 tuổi).

Lớp học xóa mù chữ cho học viên huyện Quế Phong
Lớp học xóa mù chữ cho học viên huyện Quế Phong. Ảnh: Tiến Hùng

Theo chia sẻ của anh Cáng, sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, Cáng vào miền Nam, làm giáo viên tại một trường THPT. Mẹ Cáng trước đây cũng không biết chữ. Năm ngoái, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 mở lớp xóa mù chữ ở bản Kem Đôn, nên mẹ Cáng tham gia. Sau hơn 1 năm kiên trì, mẹ có thể đọc, viết thành thạo. “Khi nhận được tin nhắn trong điện thoại do mẹ viết, em cảm động đến rớt nước mắt. Cũng chính vì thế mà em nghỉ việc ở trong đó, làm hồ sơ xin vào Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, trở thành trí thức trẻ tình nguyện để đi dạy lớp xóa mù chữ này”, Cáng nói.

giannanxoamuchuvungcao-k1-t2.png

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đóng quân trên địa bàn 8 xã thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, với chức năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn; triển khai thực hiện các dự án Kinh tế - Quốc phòng… Theo Phó Chính ủy Nguyễn Như Hồng, trong quá trình xây dựng Khu Kinh tế - Quốc phòng Kỳ Sơn - Quế Phong, thông qua công tác nắm địa bàn, Chỉ huy Đoàn nhận thấy tỷ lệ nhân dân chưa được đi học, hay đi học nhưng sau thời gian dài không tiếp cận đến con chữ lại trở thành mù chữ còn rất nhiều. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhận thức không đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi dục, lôi kéo làm những việc xấu; cũng là nguyên nhân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới dẫn đến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao, đời sống nhân dân chậm phát triển, xóa đói, giảm nghèo không bền vững. Từ thực trạng đó, hằng năm Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục mở lớp học xóa mù chữ.

Lớp học ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong) do Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức. Ảnh: Đình Tuyên

Theo Thượng tá Nguyễn Như Hồng, mặc dù là lớp xóa mù chữ nhưng khi tới lớp, các học viên còn được học nhiều kiến thức khác. Bên cạnh chương trình học văn hóa, các học viên còn được truyền thụ các kiến thức về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phòng dịch, bảo vệ môi trường, bảo vệ các công trình công cộng... Những chương trình “ngoài giờ” này được tổ chức hàng tuần do các cán bộ, nhân viên, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 luân phiên đảm nhiệm.

Chúng tôi lồng ghép linh hoạt giữa việc dạy chữ với công tác phổ biến kiến thức, nhờ vậy đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và kỹ năng canh tác, chăn nuôi của học viên sau mỗi buổi học, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, người dân vững tin theo Đảng”.

Thượng tá Nguyễn Như Hồng - Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4

Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 tặng sách, vở cho các học viên tham gia lớp xóa mù chữ
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tặng sách, vở cho các học viên tham gia lớp xóa mù chữ. Ảnh: Mỹ Hà

Thượng tá Hồng cũng cho biết, trong quá trình học tập, đơn vị còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ mang bản sắc truyền thống địa phương; tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày 8/3, 20/11, tổ chức sinh nhật tập thể... từ đó tạo ra tinh thần ham học tập cho học viên.

Ông Xồng Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: "Do tập tục văn hóa cũng như đời sống kinh tế trước đây còn khó khăn, nên số lượng người mù chữ trên địa bàn còn rất nhiều. Đặc biệt là ở những bản có đông người Mông sinh sống. Quan niệm của người Mông cho rằng, con gái là con nhà người ta, có đầu tư bao nhiêu thì cũng chẳng nhận được gì, vì sau khi kết hôn cũng làm giàu cho nhà chồng. Vì thế mà trước đây không cho con gái đi học. Chính vì thế, hầu hết phụ nữ người Mông từ 40 tuổi trở lên đều không biết chữ. Những lớp học như thế này được mở ra chính là cơ hội thứ 2 dành cho họ để biết được con chữ và kiến thức cơ bản”.

z6033378868672_a3b06cfa2305e39ae29846906e49ef49.jpg
Những món quà được chuẩn bị cho các học viên xóa mù chữ. Ảnh: Mỹ Hà

Đến năm 2023, cả nước vẫn đang có hơn 189.000 người từ 15 - 35 tuổi chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (hoàn thành chương trình lớp 3) và hơn 322.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (hoàn thành chương trình tiểu học). Trong khi đó, với độ tuổi từ 15 - 60, tỷ lệ này với chuẩn mức độ 1 là hơn 734.000 người và hơn 1,7 triệu người mức độ 2. Tại Nghệ An, năm 2023, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn hơn 16.000 người, độ tuổi từ 50 - 60 tuổi mù chữ (chiếm 0,7% dân số).

Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huỵện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên
Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên

Trang chủ
Kỳ 2: Đi học chữ được... giao lưu, tặng quà!
Kỳ cuối: Kiên trì với những giải pháp có tính lâu dài

Kỳ 1: Thầy giáo mang màu áo lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO