Kỳ 15: Già Quyết - cây cổ thụ giữa đại ngàn

14/07/2011 10:56

Giữa đại ngàn hùng vĩ, già Quyết như cây cổ thụ chở che, nuôi dưỡng tinh thần bao thế hệ tộc người Đan Lai. Dân bản xem già Quyết như là một biểu tượng sống về lòng dũng cảm, tinh thần mạnh mẽ. Già tựa như nguồn sông Giăng mát lạnh chảy mãi đến vô cùng...

(Baonghean) - Giữa đại ngàn hùng vĩ, già Quyết như cây cổ thụ chở che, nuôi dưỡng tinh thần bao thế hệ tộc người Đan Lai. Dân bản xem già Quyết như là một biểu tượng sống về lòng dũng cảm, tinh thần mạnh mẽ. Già tựa như nguồn sông Giăng mát lạnh chảy mãi đến vô cùng...

Trong tộc người Đan Lai tại 2 bản Búng và Cò Phạt, ông La Văn Quyết hiện tại đang là người nhiều tuổi nhất. Năm nay đã gần 100 tuổi nhưng gặp già Quyết, ít ai có thể ngờ được đây lại là biểu tượng sống của người Đan Lai. Nước da ngăm đen, đôi mắt tinh nhạy, dù đôi chân đã không còn nhanh nhẹn như xưa nhưng ở già vẫn toát lên một khí chất của con người hoang dã mà đầy dũng mãnh. Suốt buổi trò chuyện, giọng già lúc trầm, lúc bổng, xen lẫn là những nụ cười thật thân thiết, gần gũi.

Không chỉ là người lớn tuổi nhất bản, già làng La Văn Quyết được mọi người trong bản tôn vinh như là người anh hùng của người Đan Lai. Chiến tích của già Quyết đến nay vẫn được dân bản truyền tai nhau như minh chứng của tinh thần người Đan Lai. Đó là lần già bắt sống được 3 tên phỉ Lào.


Già Quyết ( người mặc áo đỏ) cùng trưởng bản La Xuân Đường và bí thư Lê Văn Yên.

Già Quyết kể rằng: ngày xưa, bố mẹ của già đều làm ông (quan) trong bản. Vào năm 1954, lúc đó ta đang là Trung đội trưởng dân quân bản. Một hôm, trong lúc ra ngoài khe bắt con cá thì ta thấy 3 tên phỉ Lào đang lăm lăm khẩu súng trên tay tiến vào bản. Gìa kể: Lúc đầu, ta hơi hoảng sợ vì trên tay ta lúc ấy chỉ có một thanh gươm, còn bọn chúng có súng. Nhưng rồi, ta vẫn quyết tâm xông lên. Đôi bàn tay rắn rỏi, bàn chân thoăn thoắt của của già nhanh nhẹn áp sát đối phương, trong lúc cả 3 tên chưa định thần kịp thì cánh tay của một tên bỗng rơi tỏm xuống nước bằng nhát gươm sắc như ngọt của già. Cả 3 tên hoảng loạn bỏ chạy nhưng nhờ kinh nghiệm nhiều năm sống trên sông, trên suối, già quật mạnh chúng xuống nước rồi lần lượt trói tay dẫn về bản.

Đêm đó, cả bàn xôn xao chuyện một mình già Quyết trên tay chỉ có gươm mà bắt sống được 3 tên phỉ Lào hung dữ. Rồi dân bản mở hội ăn mừng. Bên ánh lửa bập bùng của cái cái se lạnh đầu mùa, gìa Quyết được tung hô như anh hùng của người Đan Lai. Năm sau, già được phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Người Đan Lai càng tin, càng nể già hơn. Mỗi khi bản có chuyện gì lớn hay nhỏ, cả bản ai cũng đến để được già Quyết chỉ dạy. Gìa Quyết khiêm tốn bảo: “Ta cũng làm như mọi người làm thôi. Nhưng trong bản ai cũng tin ta nên ta khuyên gì họ cũng nghe hết. Đợt trước, có cán bộ về đây giúp dân chuyển ra vùng đất mới, ta phải khuyên mãi họ mới nghe theo đó”.

Anh Nguyễn Văn Hoàn, cán bộ Đồn biên phòng 557 cho biết: già Quyết có vai trò rất lớn trong việc vận động người Đan Lai chuyển ra khu tái định cư mới. Nhiều chính sách, chủ trương khi muốn phổ biến cho người dân trước hết phải thông quan già làng Quyết thì dân bản mới nghe, mới làm theo.

Rót chén rượu mời chúng tôi, già Quyết cầm chén của mình lên rồi uống một hơi hết sạch. “Dân bản đây quen rồi, tiếp khách là phải có rượu. Nhưng từ ngày cán bộ khuyên nhủ nên cũng uống ít thôi vì còn để dành tiền mà mua lúa, mua thóc nữa”, già chậm rãi nói. Già chỉ tay về phía trưởng bản Lê Xuân Đường và bí thư chi bộ bản Lê Văn Yên rồi khoe rằng, cả 2 người đều là con rể của già. Gìa có 4 người con thì đều lấy chồng trong bản. Đến nay, Già đã có tổng cộng gần 20 cháu nội và ngoại. Những đứa trẻ lớn lên, được sự giáo dục của già nên đều rất ngoan ngoãn và chịu khó.

Gìa bảo rằng, thời xưa lúc già còn trẻ, cả bản ngày nào cũng đói, cái ăn không đủ nên mọi người không dám nghĩ đến cái khác. Do thiếu ăn cộng với hủ tục hôn nhân cận huyết thống nên người dân trong bản cứ quắt lại, hơn 30 tuổi mà như đứa con nít lên mười. Nhưng từ ngày được Đảng, Nhà nước giúp đỡ, dân bản được ăn no hơn, được mặc quần áo ấm, khi có bệnh thì được đi khám, con cháu được đến trường nên già vui lắm. Gìa Quyết bảo: “Chỉ có học cái chữ rồi làm cán bộ thì mới thoát đói, thoát nghèo được thôi. Mấy đứa nhỏ trong bản được đi học cả rồi. Mai này hấn làm cán bộ như thằng Long là ta vui lắm”.

Chàng thanh niên tên Long trong câu chuyện mà già Quyết nhắc đến là La Văn Long, cháu nội của già Quyết và hiện đang là cán bộ của Trạm QLBVR Phà Lài thuộc VQG Pù Mát. Long là một trong số ít người con của tộc người Đan Lai được học hành đến nơi đến chốn. Ngày Long được đi học tại Trường trung cấp Lâm nghiệp ngoài Quảng Ninh, Gìa Quyết vui mừng đến rơi nước mắt. “Thế là từ đây, bản mình đã có người đi ra ngoài kia làm cán bộ, được học nhiều chữ rồi. Bữa sau, ta cũng sẽ cho mấy đứa đi theo thằng Long nữa”, già thổ lộ.

Không giấu nổi vẻ xúc động, gìa Quyết nói với tôi rằng người Đan Lan biết ơn Đảng, Nhà nước lắm lắm. Già Quyết tâm sự: Suốt hơn 200 năm lẩn trốn trong rừng sâu, sống bằng nghề săn bắt, hái lượm, đời sống của dân bản lúc nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng rồi được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ nên dân bản hết khổ nhiều rồi. Người Đan Lai đến nay đã biết trồng lúa, biết nuôi lợn, nuôi bò. Rồi khi có bệnh, thì được cán bộ của trạm y tế cho thuốc không lấy tiền. Nếu không có Đảng thì người Đan Lai suốt đời cứ mãi sống chui lủi trong rừng thôi.

Nói đoạn, đôi mắt già Quyết đỏ hoe, đôi tay run run không cầm nổi chiếc gậy trên tay. Chúng tôi cùng già Quyết dạo một vòng quanh bản, tuy người dân bản còn có nhiều khó khăn nhưng gặp ai, trên khuôn mặt cũng nở nụ cười thật mãn nguyện. Gìa Quyết mời chúng tôi ở lại ăn cơm với già nhưng vì phải ra gấp nên xin hẹn già lúc khác. Rời Đan Lai khi trời vừa nhá nhem tối, chúng tôi vẫn thấy già Quyết vẫn đứng đó, nhìn xa xăm như cây đại thụ vẫn che chở cho dân bản Đan Lai trong cuộc sống bao đời./.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Kỳ 15: Già Quyết - cây cổ thụ giữa đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO