Kỳ 18 - mở đường tuần tra trên biên giới

20/07/2011 19:22

(Baonghean) - Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, giữa nắng và gió, chúng tôi bắt gặp những sắc xanh áo lính đang xẻ núi, mở đường tuần tra xuyên qua “thiên đường” xanh Pù Mát. Nơi vực sâu, suối thẳm đang hiện lên một cung đường…


Ngay từ đầu bản Bu là thượng nguồn Khe Choăng, tiếng máy móc ầm ào, tôi thấy một cây cầu đã lao dầm bắc ngang khe Choăng. Đây là km số “0” đường tuần tra biên giới. Dân bản Nà, bản Bu chiều nào cũng đứng hai bên bờ xem thợ làm cầu. Già bản La Văn Khánh người Đan Lai ở bản Bu phấn khởi: Người Đan Lai không lâu nữa sẽ được đi trên cây cầu mới, không còn phải lo cảnh vượt bè nứa qua khe Choăng nữa. Cuộc sống tối tăm lạc hậu rồi sẽ sáng lên…

Từ km số 0, đứng trên một đỉnh dốc đã lộ rõ hình hài con đường tuần tra biên giới nằm ngoằn ngoèo, uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh. Con đường mới mở, nền còn nham nhở đất, đá và những gốc cây trồi lên. Xe rú ga leo dốc, vượt qua không biết bao nhiêu núi non hiểm trở. Những người lính công binh thời bình đang phá đá mở đường đầy gian khổ, khó khăn, nhưng các anh luôn làm việc với tinh thần hăng say, “vượt nắng, thắng mưa”.

Đại tá Trương Xuân Tân, Lữ đoàn trưởng công binh 414 tâm sự: Mở tuyến đường tuần tra biên giới này phải qua nhiều địa thế hiểm trở, nhưng với kinh nghiệm dạn dày Lữ đoàn công binh hỗn hợp chỉ trong thời gian ngắn đã vận chuyển được hàng ngàn tấn thiết bị, máy móc lên công trường.

Thiếu tá Trần Quốc Cẩn - chỉ huy trưởng gói thầu, đã không ít lần bị sốt rét rừng hành hạ, nhưng anh vẫn “bám” rừng sâu hàng tháng trời. Anh nói: Đưa được máy móc đến tận cùng biên giới đã khó, nhưng để điều hành được hoạt động con người, và máy móc càng khó hơn, vì ở đây thiếu thốn đủ bề, từ xăng, dầu, lương thực thực phẩm. Tuy nhiên với phương châm “làm đến đâu, gọn đến đó”, an toàn và tiết kiệm trong thi công, trách nhiệm cụ thể được đặt lên từng cá nhân. Hơn một năm “vật lộn” với nắng gió, rắn rít đến nay những người lính của Lữ đoàn 414 đã thông tuyến, tạo được nền lòng đường dài 7km,đảm bảoyêu cầu thiết kế, kỹ thuật. Những đợt kiểm tra của của Ban dự án 47 làm đường tuần tra biên giới, đánh giá gói thầu của Lữ đoàn 414 đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng tốt.


Một trong những đoạn đường mới mở

Đại tá Dương Văn Minh - Giám đốc Xí nghiệp 185 cho biết: Gói thầu của Xí nghiệp 185 từ Km 10 đến km23, có nhiều đoạn phải phá đá mới mở được đường. Với những đoạn đá cứng thì phải dùng mìn, đoạn đá cấp 4 lại dùng máy xúc công suất lớn gắn đầu búa để đập, cạy đá. Sáng kiến này năng suất hiệu quả khá cao, lại an toàn trong quá trình thi công. Để vận chuyển được nhiên liệu xăng, dầu vào công trường là cả một bài toán khó. Xí nghiệp 185 đã có sáng kiến là chở dầu bằng máy ủi, gia công phía sau đuôi máy xúc một cái “đế” để tẹc dầu. Tẹc dầu được “cải tạo” thành hình vuông gắn thật chắc chắn phía sau, máy ủi cứ thế vượt đèo dốc, kéo trượt tẹc dầu vào công trường. Đây là sáng kiến lạ, độc đáo theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ” để vận chuyển nhiên liệu, mà chỉ có những người lính cụ Hồ mới sáng tạo ra trong gian khó. Trong quá trình thi công, Xí nghiệp 185 luôn đủ nhiên liệu để cho các loại máy móc hoạt động hết công suất chạy đua với thời gian tránh mùa mưa lũ.

Chiều. Mưa giăng trắng đại ngàn. Chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình vào tận điểm cuối cùng giáp với biên giới Việt-Lào, nơi các chiến sĩ Quân khu 4 đang thi công. Trời xẩm tối nhưng hoàng loạt chiếc máy xúc đang cần mẫn bóc tách những vỉa đá, hạ từng gốc cây. Trong tiếng máy nổ rền vang cả núi rừng, anh Ngô Việt Bắc, Đội trưởng đội thi công - Xí nghiệp XD COECCO tâm tình: Đây là gói thầu cuối cùng khó khăn nhất của cung đường, trên 90% là đá cứng. Những ngày đầu mở đường không thể kể hết những thách thức, hiểm nguy. Xí nghiệp có trên 20 chiến sĩ tinh nhuệ, được mệnh danh là “người nhện,” luôn treo mình trên những vách núi để khoan đá, nổ mìn. Anh Nguyễn Văn Trường (tổ trưởng tổ khoan đá) cười tươi: Anh em tổkhoan đá chúng tôi luôn thể hiện tinh thần thép, dũng cảm, sáng tạo trong công việc nguy hiểm này. Còn anh Ngô Trí Thắng - (chỉ huy nổ mìn) thì cho rằng nghề khoan đá ngoài sự gan dạ cũng phải đầy sáng tạo. Biết chỗ nào cần khoan sâu, khoan cạn để khi “cắm” mìn vào nổ cho hiệu quả.


Công nhân bám công trường

Anh Nguyễn Trường Lâm – Phó giám đốc Xí nghiệp XD COECCO (Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4) cho biết: Mọi sinh hoạt đều thiếu thốn, để ra được chợ Châu Khê phải vượt rừng 50 km. Đặc biệt mùa này nước quý như vàng, lấy nước phải vào tận khe suối cách công trường 3 km. Anh em phải đào hố trải những tấm bạt để đựng nước. Nhiều bữa thiếu lương thực, thực phẩm phải câu cá, thả lưới chờ tiếp ứng, nhưng cán bộ chiến sĩ của Xí nghiệp vẫn “bám đường, bám máy, bám công trường” hoàn thành thông đường từ Km 31-Km 38.

Anh Nguyễn Quang Sơn – Cán bộ của Ban quản lý dự án 47 đường tuần tra biên giới cho biết: Tuyến đường dài hơn 38 km, xuất phát từ bản Bu và kết thúc tại ngã ba suối Phượng. Tuyến đường này sẽ dẫn vào Đồn biên phòng 553, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm soát chống thâm nhập vượt biên trái phép, bảo vệ khu vực biên giới, thuận lợi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân vùng đệm của VQG Pù Mát/..


Văn Trường

Mới nhất
x
Kỳ 18 - mở đường tuần tra trên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO