Kỳ 2: Hợp tác xã: Bình cũ- rượu mới
Trở lại với các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh, khi vấn đề về HTX Trung Đô chưa lắng, thì một loạt các HTX khác như Trung Dũng, Thống Nhất đã và đang chuyển nhượng cổ phần ra ngoài để kết nạp xã viên mới, hoặc thay thế Ban chủ nhiệm, chuyển quyền quản lý điều hành HTX cho các xã viên mới.
Trở lại với các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh, khi vấn đề về HTX Trung Đô chưa lắng, thì một loạt các HTX khác như Trung Dũng, Thống Nhất đã và đang chuyển nhượng cổ phần ra ngoài để kết nạp xã viên mới, hoặc thay thế Ban chủ nhiệm, chuyển quyền quản lý điều hành HTX cho các xã viên mới.
Xem Kỳ 1: "Cơn sóng" tìm đất Hợp tác xã
HTX Trung Dũng- Thành phố Vinh, quản lý trên 4.000 m2 đất sinh lợi ở hai đường Nguyễn Phong Sắc và đường Phong Định Cảng. Ban chủ nhiệm mới đã thay thế Ban chủ nhiệm cũ và lập một dự án mới trên mảnh đất đó là Trung tâm thương mại dịch vụ với quy mô 9 tầng. Trong vai người đi tìm ốt kinh doanh, chúng tôi được chị H, chị N (xin được dấu tên) cho biết: " chúng tôi sắp phải đi rồi, không còn ốt đâu mà thuê. Người khác đã mua mất rồi".
Mỗi xã viên được "bồi thường" từ 100 triệu đến 200 triệu cho việc ra khỏi HTX. Đồng nghĩa với việc hàng chục ki ốt kinh doanh sành sứ, đồ thờ cúng, vật liệu xây dựng của các xã viên sẽ di chuyển chỗ khác.
Ở HTX này, việc mua bán cổ phần và kết nạp xã viên được tiến hành " bài bản": tức là HTX tiến hành Đại hội xã viên và các xã viên tự nguyện với việc bán hay không bán cổ phần để rút khỏi HTX hoặc ở lại. HTX này tồn tại đã nhiều năm, trong chiến tranh, xã viên vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thời kỳ hoàng kim đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình của 38 xã viên. Nay HTX hoạt động chủ yếu là các xã viên tự kinh doanh bươn chải và cho thuê lại mặt bằng. Hiện nay, HTX đã có chủ nhiệm mới.
Theo ông Nguyễn Khắc Quý- chủ nhiệm HTX cũ thì 7/38 xã viên còn ở lại, 31 người xin ra khỏi HTX. Sau Đại hội vừa qua, HTX còn 16 xã viên. Dư luận băn khoăn là, với việc mua bán cổ phần, thay thế Ban chủ nhiệm như ở các HTX này, liệu bản chất HTX có còn nữa không? Việc quản lý dân chủ trong HTX như Luật HTX qui định có còn không và HTX có tồn tại lâu dài không? Hay chỉ tồn tại trong một thời gian để lấy xong mặt bằng phục vụ mục tiêu của nhà đầu tư là hết?
Còn ở HTX Thống Nhất: sở hữu mảnh đất mặt tiền đắc địa vào loại nhất của thành phố Vinh (số 4- đường Trần Phú), đối diện với Bic C, có diện tích 696 m2 đất cũng là đối tượng nhòm ngó của không ít nhà đầu tư. HTX này ngành nghề chính là may thêu quần áo và cờ, nhiều năm qua kinh doanh cũng không hiệu quả, năm 2010, doanh thu chỉ đạt 380 triệu đồng.
HTX có 21 xã viên. Hiện nay HTX cũng đang liên doanh liên kết với một nhà đầu tư góp vốn và xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng, công trình cao 6 tầng nổi, một tầng hầm. Giấy phép xây dựng cho HTX này đã được Sở Xây dựng cấp vào ngày 11/11/2010. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm thương mại này và yêu cầu chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Dạo qua một loạt các HTX đã và đang chuyển đổi, củng cố, cho thấy: hầu hết các HTX đều đang sở hữu những diện tích đất khá lớn. HTX Trung Đô: 8.898 m2, Trung Dũng: 4.3378 m2, Quyết Tiến: 14.872 m2..., nhưng thành phố chưa có chấn chỉnh gì trong quản lý đất đai, không thu hồi đối với những diện tích không hiệu quả, không đúng mục đích, để lãng phí hàng chục năm trời. Lấy ví dụ về thu ngân sách: một nhà hàng ăn như Ngọc Châu nạp thuế một năm hơn 500 triệu đồng, trong khi các HTX nạp thuế rất không đáng kể. HTX Trường Sơn, kinh doanh vật liệu xây dựng, sắt mạ kẽm, sản xuất lan can thép cầu đường ở khối 13 phường Cửa Nam, sở hữu 8000m2 đất được cấp bìa từ 2009, nhưng nạp thuế chỉ 50 triệu đồng (2009), HTX Thống Nhất nạp thuế 75 triệu đồng, HTX Thành Đô nạp thuế 30 triệu đồng (năm 2010)...
HTX Trường Sơn ( phường Cửa Nam) mới lập một dự án với 3 giai đoạn, tổng đầu tư 13 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2008 đến giai đoạn 2 là năm 2011 và tiếp giai đoạn 3, nhưng vào HTX quan sát, quang cảnh của HTX khá vắng vẻ, trống trải. HTX này còn treo biển cho thuê lại mặt bằng nhà xưởng.
Mặc dù kinh doanh không hiệuquả nhưng các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố cố tình níu kéo, giữ đất đai, cho thuê lại mặt bằng nhà xưởng, làm nơi đóng gạch táp lô, đóng than... trên những vị trí đắc địa, sinh lợi cao rất lãng phí. Có HTX tìm mọi cách để lập các dự án này nọ để được cấp bìa đỏ lâu dài, nhưng dự án triển khai không đúng tiến độ. Có HTX mặc dù bị thành phố ra quyết định giải thể nhưng vẫn không chịu, làm đơn tập thể kiến nghị không giải thể bằng bất cứ giá nào, chung qui cũng chỉ vì chiếm giữ đất đai.
Theo đánh giá của Thành phố Vinh: hiện 55% số HTX sử dụng đất đúng mục đích, còn lại chủ yếu cho thuê lại mặt bằng nhà xưởng. Khoảng 40% HTX sản xuất hiệu quả như Quyết Thành, Thành Đô, Quyết Tiến..., 35% sản xuất trung bình, còn 25% HTX thuộc loại kém. Các HTX nhìn chung qui mô nhỏ, thiếu vốn, khả năng cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh tế và xã hội chưa cao, niềm tin vào HTX vẫn còn hạn chế.
(Còn nữa)
Nhóm P.V kinh tế