Xây dựng Đảng

Kỳ 2: Khi dân biết, dân bàn, dân quyết định

Nhóm PV 30/08/2024 09:13

Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 ở Nghệ An cho thấy: “Tỉnh bám huyện, huyện bám xã, xã bám thôn, thôn bám hộ gia đình” và khơi dậy được ý thức, trách nhiệm “làm chủ” của nhân dân để bàn thảo, đi đến thống nhất phương án sắp xếp.

taodongthuan-b2-cover.png

Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 ở Nghệ An cho thấy: “Tỉnh bám huyện, huyện bám xã, xã bám thôn, thôn bám hộ gia đình” và khơi dậy được ý thức, trách nhiệm “làm chủ” của nhân dân để bàn thảo, đi đến thống nhất phương án sắp xếp.

Thành Duy - Mai Hoa - Nguyên Nguyên - Hữu Quân • 30/08/2024

baihocdanvan-b2-tit22.png

Tên một đơn vị hành chính thể hiện truyền thống lịch sử, những dấu ấn gắn với địa phương, niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân ở đó vun đắp, xây dựng và cả những mơ ước của họ gửi gắm vào địa danh ấy. Chưa kể, các địa phương có thể có tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục khác nhau.

Việc đặt tên mới khi sáp nhập vì vậy là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; nếu không tính toán kỹ lưỡng, cụ thể, sát sao, chặt chẽ, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận, thậm chí còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.

Lẽ dĩ nhiên, thời gian qua, câu chuyện đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp luôn được nhân dân, dư luận rất quan tâm. Đó cũng là vấn đề tâm điểm nhất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

Công tác lấy ý kiến cử tri về sáp nhập 2 xã Thanh Dương và xã Xuân Tường (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Công tác lấy ý kiến cử tri về sáp nhập 2 xã Thanh Dương và xã Xuân Tường (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Ở Thanh Chương, hai xã Thanh Giang và Thanh Mai sẽ sáp nhập, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính huyện nghiên cứu và đặt yếu tố lịch sử, văn hóa lên hàng đầu đã đề xuất hai tên gọi Minh Triều hoặc Tân Dân. Tương tự, tên gọi dự kiến ban đầu của xã mới trên cơ sở sáp nhập hai xã: Thanh Hòa và Thanh Chi là Vĩnh Thọ. Tuy nhiên, đó là các phương án dự kiến, vấn đề cốt lõi là lắng nghe ý kiến của người dân, khuyến khích dân bàn để quyết định, thực hiện một cách thực chất.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Phương án ban đầu của huyện chỉ mang tính chất định hướng còn quan điểm của Ban Chỉ đạo huyện, tên gọi các xã mới sau sáp nhập phải tôn trọng ý kiến của cán bộ, nhân dân các địa phương. Sau khi lắng nghe các ý kiến phản hồi của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương về phương án tối ưu nhất, các xã Thanh Giang và Thanh Mai thống nhất chọn tên xã mới là Mai Giang. Còn các xã Thanh Hòa và Thanh Chi chốt tên xã mới là Thanh Quả với sự đồng thuận cao từ cơ sở.

Phương án ban đầu của huyện chỉ mang tính chất định hướng còn quan điểm của Ban Chỉ đạo huyện, tên gọi các xã mới sau sáp nhập phải tôn trọng ý kiến của cán bộ, nhân dân các địa phương.

Ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương làm đồ họa về các xã thuộc diện sáp nhập. Ảnh CSCC
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Chương làm đồ họa về các xã thuộc diện sáp nhập. Ảnh CSCC

Tại huyện Yên Thành, trong phương án sắp xếp thị trấn Yên Thành và xã Hoa Thành để hình thành thị trấn với tên được đề xuất là Hoa Thành. Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình chủ trương sáp nhập để thị trấn huyện được mở rộng hơn, có thêm không gian phát triển. Tuy nhiên, câu chuyện nhiều người còn phân vân, băn khoăn nhất là liệu có nên chọn tên gọi mới Hoa Thành hay vẫn giữ nguyên tên thị trấn Yên Thành?

Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thị trấn và Ban cán sự các khối đã chủ động nắm bắt dư luận, vận động người dân theo hướng kiên trì, thận trọng, chắc chắn trên cơ sở nắm vững, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Từng tổ chức đoàn thể có trách nhiệm dân vận trong đoàn viên, hội viên. Tổ trưởng, tổ phó các tổ liên gia có trách nhiệm đả thông tư tưởng cho các hộ dân trong tổ… Cấp trên không “khoán trắng” cho cơ sở, mà trực tiếp vào cuộc đồng hành, hỗ trợ. Đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Thành và Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện trực tiếp tham gia các cuộc họp dân, họp tổ liên gia và đến tận hộ gia đình để cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho người dân.

Cán bộ xã Công Thành (huyện Yên Thành) kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về sáp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ xã Công Thành (huyện Yên Thành) kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về sáp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa

Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khối 4, thị trấn Yên Thành, bà Cao Thị Nhung cho biết: “Lúc đầu, tư tưởng, tâm lý của người dân khá “căng”, nhưng nhờ tập trung các biện pháp, giải pháp dân vận, cơ bản người dân đã đồng thuận. Kết quả bỏ phiếu lấy ý kiến sáp nhập với tỷ lệ đồng thuận đạt hơn 93%”.

Chia sẻ kinh nghiệm công tác dân vận trong sắp xếp đơn vị hành chính, đồng chí Nguyễn Công Chúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Thành đúc kết: Công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện đồng bộ. Đội ngũ tổ trưởng, tổ phó tổ liên gia, người uy tín trong cộng đồng và các chức sắc, chức việc trong tôn giáo đã phát huy trách nhiệm để tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, các cấp ngành, lực lượng chức năng cũng thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết, đấu tranh với các phần tử cực đoan, có tư tưởng chống đối, gây nhiễu sự việc.

cachdattensausapxep.png
Đồ họa: H.Q

Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, từ chủ trương đến thống nhất tên gọi mới đã được cấp ủy, chính quyền phát huy cơ chế “dân biết, dân bàn, dân quyết định” phù hợp với đặc điểm, tình hình mỗi địa phương. Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Nghệ An cho thấy, các cấp không “máy móc”, không cứng nhắc “cơ học” mà tạo được sự đồng thuận cao ở hầu hết các cộng đồng dân cư.

baihocdanvan-b2-tit23.png

Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Hưng Nguyên giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã, còn lại 15 đơn vị (1 thị trấn và 14 xã). Theo đó sẽ thành lập xã Thịnh Mỹ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các xã: Hưng Mỹ, Hưng Thịnh; thành lập xã Thông Tân trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các xã: Hưng Thông và Hưng Tân và thành lập xã Phúc Lợi trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các xã: Hưng Phúc và Hưng Lợi.

Cử tri xóm Xuân Tân, xã Hưng Thịnh tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến về phương án sáp nhập xã Hưng Thịnh và xã Hưng Mỹ, thành xã Thịnh Mỹ. Ảnh: Mai Hoa
Cử tri xóm Xuân Tân, xã Hưng Thịnh tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến về phương án sáp nhập xã Hưng Thịnh và xã Hưng Mỹ, thành xã Thịnh Mỹ. Ảnh: Mai Hoa

UBND huyện Hưng Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cùng đó, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến thành lập tổ lấy ý kiến cử tri tại các khu dân cư; lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến; hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri…

Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Phòng Nội vụ UBND huyện phối hợp tổ chức các hội nghị chuyên đề “Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025” theo 3 “cặp” xã sáp nhập với nhau cho toàn thể cán bộ, công chức cấp xã và những người tham gia công tác ở xóm trực tiếp tham gia các tổ lấy ý kiến ở 6 xã thuộc diện sáp nhập.

Ở từng địa phương thuộc diện sắp xếp đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri, tăng thời lượng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, mạng xã hội và tuyên truyền tại trụ sở xã, nhà văn hoá các xóm về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; niêm yết công khai danh sách cử tri và ngày tổ chức lấy ý kiến cử tri…

Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), ông Phạm Xuân Điệt cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, thuyết phục, người dân nhận thức được những lợi ích của việc sáp nhập xã. Người dân cũng hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn đối với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, khi tiến hành lấy ý kiến, 100 cử tri tham gia, trong đó có 95,3% đồng ý phương án sáp nhập xã.

Trụ sở xã Hưng Thông được lựa chọn làm trụ sở làm việc của xã Thông Tân sau khi sáp nhập xã Hưng Thông và Hưng Tân. Ảnh: Mai Hoa
Trụ sở xã Hưng Thông được lựa chọn làm trụ sở làm việc của xã Thông Tân sau khi sáp nhập xã Hưng Thông và Hưng Tân. Ảnh: Mai Hoa

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Lê Phạm Hùng cho biết: Những vấn đề băn khoăn liên quan đến giải quyết cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở xã mới sau sáp nhập đều được huyện thông tin kịp thời, tạo sự thống nhất chung trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc lựa chọn trụ sở làm việc của các xã mới sau sáp nhập dựa trên các yếu tố có vị trí thuận lợi về hệ thống giao thông, cơ sở vật chất được đầu tư tốt hơn, có khuôn viên diện tích rộng và những yếu tố văn hoá - xã hội khác. Tất cả vì sự phát triển của đơn vị mới sau sáp nhập.

Một số địa phương cũng tạo thuận lợi cho người dân lấy ý kiến thông qua tổ chức phát phiếu và lấy ý kiến tại nhà đối với những trường hợp sức khỏe yếu, hoặc bận công việc, hay do hoàn cảnh không đến bỏ phiếu tại khu vực tập trung. Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu ở cả 15 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp, có tổng 137 tổ lấy ý kiến cử tri đều tiến hành phát phiếu và lấy ý kiến tại từng hộ dân.

bna_ QL2.jpg
Lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ và huyện Quỳnh Lưu kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến vào phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: CSCC

Sau khi lấy ý kiến người dân, Đại biểu HĐND các cấp tổ chức họp với tỷ lệ đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Toàn tỉnh chỉ có 2 xã có tỷ lệ 96% và 95,65% số đại biểu HĐND tham gia tán thành; còn các xã, huyện khác đều đạt 100%.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Không đơn thuần là “phép cộng”
>> Kỳ 3: “Giải bài toán” cán bộ dôi dư

Kỳ 2: Khi dân biết, dân bàn, dân quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO