Kỳ 2: Thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công

15/07/2011 08:57

Nam Đàn là huyện có số lượng lò gạch thủ công nhiều (40 lò) và cũng là địa phương có những động thái tích cực...

Nam Đàn là huyện có số lượng lò gạch thủ công nhiều (40 lò) và cũng là địa phương có những động thái tích cực nhất trong việc xóa lò gạch thủ công. Thực hiện chủ trương của tỉnh, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, ra Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn. Cùng với việc rà soát thực trạng sản xuất gạch trên địa bàn, huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả cưỡng chế đối với những chủ lò gạch thiếu tinh thần hợp tác. Một mặt, để đáp ứng nhu cầu thị trường gạch trên địa bàn, đảm bảo sản lượng sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công, Nam Đàn cũng đã tạo điều kiện thu hút một số dự án sản xuất gạch tuynel đi vào hoạt động, như: Nhà máy gạch tuynel Nam Thái; Nhà máy gạch tuynel Xuân Hòa, Nhà máy gạch tuynel Rú Bùi.... Ông Lê Khánh Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: "Đến thời điểm này, 40/40 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện đã ngừng hoạt động. Việc xóa bỏ lò gạch thủ công có ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một lượng lao động nhất định. Vì vậy, huyện đã tập trung các giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho các chủ lò tiếp tục nhận khoán đất phát triển kinh tế trang trại hoặc đầu tư dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ hiện đại, cho nên, hầu hết các chủ lò và lao động từng làm việc trong các lò gạch trước đây cũng đã nhanh chóng tìm được hướng đi cho mình, ổn định đời sống".

Xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) cũng là đơn vị có nhiều lò gạch thủ công, thời điểm cao nhất lên tới 18 lò hoạt động. Nhận thức rõ tác động tiêu cực của các lò gạch thủ công và qua nhiều lần giải quyết kiến nghị của người dân nên khi có chủ trương của tỉnh, của huyện, xã đã vào cuộc quyết liệt để xóa các lò gạch này. Lò gạch nào hết thời hạn hợp đồng thuê đất, xã không tiếp tục ký nữa. Đồng thời định hướng quy hoạch và tiếp tục tạo điều kiện để các chủ lò gạch nhận lại các diện tích để phát triển chăn nuôi, làm trang trại và nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Hương - Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Mặc dù huyện đã giao chỉ tiêu thu ngân sách từ khai thác vật liệu xây dựng năm 2011 cho địa phương là 80 triệu đồng, xã vẫn quyết tâm giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đang còn 4 lò hoạt động, nhưng xã đã làm việc với 4 chủ lò gạch để tiến hành chấm dứt hoạt động, trong đó có 2 lò sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương vào cuối tháng 7 này và 2 lò còn lại vào cuối tháng 10/2011".

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa quyết liệt. Đơn cử là huyện Tân Kỳ - địa bàn có số lò gạch ngói thủ công tương đối lớn với gần 180 lò đang hoạt động, trong đó trọng điểm là làng nghề ngói Cừa với 137 lò, tiếp đó là các xã Tân Long, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn. Do chưa có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo nên các công việc, giải pháp để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công chưa được huyện thật sự quan tâm. Đơn cử như làng nghề ngói Cừa, mặc dù đã có định hướng chuyển đổi sản xuất theo mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng chất lượng cao, nhưng đến nay mọi việc cũng mới dừng lại ở việc phê duyệt dự án. Trong khi đó, lộ trình mà huyện đề ra là đến năm 2012 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn. Nếu trong thời gian tới, Tân Kỳ không chỉ đạo quyết liệt hơn thì khó có thể thực hiện được.

Đô Lương cũng là một trong những địa phương thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công chậm. Nói là các xã tự ký hợp đồng cho thuê đất sản xuất gạch thủ công, nhưng huyện vẫn giao cho các xã thu ngân sách từ nguồn này. Đồng thời, huyện vẫn tiến hành quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng ở các khu vực hiện đang tập trung nhiều lò gạch thủ công ở các xã như Minh Sơn, Nhân Sơn. Việc làm này chẳng khác nào là tiếp tục cho duy trì các lò gạch thủ công.

Ông Nguyễn Trọng Do - Trưởng phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 300 lò gạch thủ công. Trọng điểm là các huyện: Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Thái Hòa... Thời gian qua, trừ một số ít đơn vị tích cực, việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở hầu hết các địa phương lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc rà soát, thống kê số lò gạch thủ công trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, của tỉnh đến các xã, chủ lò để chủ động có phương án chuyển đổi. Vì vậy, các cấp chính quyền cần phải vào cuộc và có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường".


Mai Hoa

Mới nhất

x
Kỳ 2: Thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO