Kỳ 3: Đột nhập lò mổ
(Baonghean) - Người dân nơi đây rỉ tai nhau về những mánh khoé làm ăn của các cơ sở giết mổ trâu bò ở Đô Lương, với những chiêu thức dùng hoá chất "ướp xác" để tươi thịt cả tháng trời, đặc biệt là thủ thuật bơm chuyền nước vào thịt bò để kiếm lời bất chính. PV Báo Nghệ An đã điều tra và bước đầu tiếp cận được toàn cảnh quy trình giết mổ kinh hãi và những thủ thuật bơm nước vào thịt bò.
"Công nghệ" bơm nước
Được biết tại xã K - Đô Lương có 3 điểm giết mổ trâu, bò của các hộ, hoạt động chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Trần Văn K - một "thổ địa" đã giải nghệ, nói: Đột nhập vào các cơ sở giết mổ không phải dễ, vì thời gian mổ trâu, bò thường diễn ra lúc 1-2 giờ sáng, họ lại kín cổng, cao tường, có người canh gác. Trong vai những người lần đầu tiên đi mua thịt bò về bán lẻ, chúng tôi mới vào được điểm giết mổ.
Đúng 1 giờ sáng ngày 29/10, trời mưa xối xả, điểm giết mổ của bà P nhộn nhịp. Một gã đầu trọc tay cầm dao phay sáng loáng giọng ồm ồm: "Khách mới à, mua nhiều không?". Tôi đáp: "Em đi xem hàng đã". Vòng ra phía sau nhà, lướt mắt thấy cả khu nhà tạm bợ có 15 con bò đang chờ bị "hành quyết". Trong ánh điện lờ mờ, N - một "đồ tể" kéo con bò gầy buộc sát vào cột bê tông rồi lạnh lùng giáng chiếc rìu sắt bổ củi vào giữa đầu con bò. Con bò chỉ kịp rống lên một tiếng rồi cả khối thịt đổ rầm xuống sàn. Chỉ trong vòng 10 phút "hành quyết" theo kiểu "trung cổ", 15 con bò nằm sõng soài. N còn kể: "Thời trai trẻ, mới học nghề, có lần phải giáng 2-3 cú bò mới chết, còn nhớ có lần "hành quyết" con trâu mộng, ngay cú đầu tiên đánh trượt, không chết, nó lao chạy sứt cả mũi rồi quay lại điên cuồng húc người. Giờ thì tay nghề "ngon" rồi, giơ rìu chỉ cần phát một là xong...! Tôi nghe N kể mà thấy lạnh cả sống lưng.
Thịt bò được "bơm nước" công khai ở xã K, huyện Đô Lương
(ảnh chụp qua điện thoại di động).
Tiếp đến, các "đồ tể" dùng dao dài nhọn hoắt thọc thẳng vào cổ bò, những dòng tiết đỏ tươi ồng ộc phun ra trong chiếc chậu nhựa cáu bẩn. Tưởng chọc tiết xong là mổ bụng làm thịt bò nhưng còn có những công đoạn làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại đây có nhiều đường ống nhựa dẫn nước to bằng ngón tay, đầu được cắm chiếc kim tiêm loại lớn, người ta đâm thẳng kim tiêm vào cổ họng bò hoặc vào động mạch để "tiếp nước". Bơm liên tục khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, con bò ban đầu đưa vào gầy xo, được bơm "no" nước bỗng béo căng tròn.
Khi những con bò được xẻ thịt ra thì người ta lại tiếp tục đưa vòi nước gắn kim tiêm chích vào thịt bò. Kim tiêm cắm đến đâu thì từng thớ thịt căng phồng đến đó. Thậm chí phần nội tạng tim, gan... cũng được chích nước cho căng phồng. Người vào mua sỉ thịt trâu bò vẫn bình thản ngồi chờ chủ lò mổ "chuyền nước" để lấy thịt. Ông Q, một tay mua thịt chuyên bán cho các chợ ở Yên Thành thừa nhận: Thịt bò mua từ lò mổ về, chúng tôi vẫn tiếp tục chích nước vào thịt bò để "bù" vì trong quá trình vận chuyển từ lò mổ về lượng nước chuyền trước đó bị hao. K bật mí: "Thường thì những người nhập sỉ về bán tại các chợ họ sử dụng xi lanh loại lớn để tiếp tục bơm nước để kiếm lãi. Nhưng họ chỉ bơm vừa, không bơm đến nỗi nước chảy lõng thõng ra ngoài thịt. Còn tại lò mổ, mỗi con bò người ta thường tiếp khoảng 20-30 lít nước, bò tăng trọng thêm được khoảng 20-30 kg. Với cách kiếm lãi bất chính này, các chủ lò mổ ở xã K - Đô Lương ai nấy đều giàu sụ.
Điều lạ là điểm giết mổ của bà P đã được cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn. Theo quy định, trâu bò trước khi giết mổ phải qua các khâu kiểm tra, đều có thẻ tai, mã số để biết nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận đã kiểm dịch. Cán bộ thú ý có nhiệm vụ kiểm dịch lâm sàng, kiểm dịch chất lượng... Nhưng tuyệt nhiên trong quá trình giết mổ, chúng tôi không thấy con trâu bò nào đeo thẻ và cũng chẳng thấy bóng dáng cán bộ thú y nào cả. Mọi việc bơm nước để tăng trọng lượng trâu bò vẫn diễn ra công khai trắng trợn.
Ô nhiễm thực phẩm từ khâu giết mổ
Khoảng 2 giờ 30 phút sáng, tất cả các con bò đều được các "đồ tể" xẻ thịt ngổn ngang. Khoảng hơn 40 người đồng loạt làm việc tích cực tại điểm giết mổ này. Quan sát, chúng tôi thấy rằng quy trình giết mổ hoàn toàn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thịt trâu, bò xẻ ra được bày giữa nền xi măng nhớp nhúa, chưa kể là phần nội tạng lòng vèo, tim cật... cũng không được cho vào chậu mà họ đổ ngay tại gần hố nước thải đen ngòm vương vãi phân trâu bò. Sách bò được bỏ vào chậu "ngâm ủ" với hoá chất để tẩy trắng. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc!
Tại xã K có 3 điểm giết mổ trâu bò, theo thống kê mỗi ngày "hành quyết" từ 25-30 con trâu bò. Việc giết mổ bừa bãi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng về nguồn nước và không khí, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân quanh vùng. Hàng ngày, lượng trâu bò tập kết về khá nhiều, kéo theo cơ man là phân, chất thải... Lượng nước thải hôi thối từ lò mổ được xả bừa bãi ra ao hồ, thẩm thấu vào cả nguồn nước sinh hoạt. Chưa kể người dân còn chịu ảnh hưởng của tiếng ồn thâu đêm suốt sáng từ các lò mổ này phát ra.
Khoảng hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này các điểm giết mổ ở Đô Lương đang tăng cường hoạt động. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm giết mổ ở Đô Lương thực sự đáng báo động. Cấp uỷ, chính quyền huyện Đô Lương, đặc biệt là Trạm Thú y huyện, Chi cục Thú y tỉnh cần tiến hành kiểm tra giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ ở địa bàn Đô Lương nói riêng và toàn tỉnh nói chung, đảm bảo quyền lợi và sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Vinh Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Đô Lương, cho biết: "Hiện nay, toàn huyện có 19 điểm giết mổ gia súc tập trung. Tuy nhiên, công tác kiểm dịch, kiểm tra ATVSTP chưa được thực hiện vì các cơ sở này đang trong quá trình tái hoạt động trở lại". Về vấn đề các chủ cơ sở giết mổ bơm nước vào thịt trâu bò, ông Hạnh thừa nhận không biết và cho rằng không thể quản lý được vì đó là ý thức của các chủ cơ sở giết mổ.!?
Nhóm phóng viên