Kỳ 5 : Quy hoạch giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh
(Baonghean) - Ông Nguyễn Thế Độ - Chi cục trưởng Thú y Nghệ An trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An về công tác quản lý giết mổ gia súc.
PV: Xin ông cho biết về công tác quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Thế Độ: Hiện nay, công tác quản lý giết mổ gia súc ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung từ Quảng Trị trở ra nhìn chung kém hiệu quả. Ở Nghệ An hiện chỉ còn 4 huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn và Thành phố Vinh duy trì được quản lý giết mổ gia súc tập trung.
Đầu năm 2002, tỉnh đã có Đề án xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn. Ngày 2/7/2002, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2316 "về ban hành quy định giết mổ, vận chuyển và buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An", chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện. Bước đầu đạt được một số kết quả khá: Toàn tỉnh đã xây dựng được 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với quy mô vừa và nhỏ ở 9 huyện, thành phố, thị xã vùng đồng bằng và 1 huyện miền núi. Trong năm đầu, các cơ sở duy trì được hoạt động giết mổ đều đặn. Về sau, quá trình quản lý giết mổ gia súc gặp nhiều khó khăn bất cập nên các cơ sở giết mổ bị thu hẹp dần. Đến nay chỉ còn lại 29 cơ sở giết mổ gia súc thuộc 4 huyện trên đang duy trì hoạt động, 33 cơ sở tạm ngừng hoạt động, 8 cơ sở đã phá bỏ do quy hoạch không phù hợp. Số lượng gia súc đưa vào giết mổ tập trung chỉ đạt khoảng 15- 20% so với số gia súc giết mổ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay có khoảng 80-85 % số gia súc giết mổ được thực hiện ở 2.350 điểm nhỏ lẻ, phân tán tại hộ gia đình. Do vậy, việc quản lý giết mổ và kiểm soát giết mổ số gia súc này rất khó thực hiện được.
PV: Nguyên nhân của tình trạng trên là gì?
Ông Nguyễn Thế Độ: Việc chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở chưa đồng bộ, nhiều địa phương chưa xác định việc quy hoạch địa điểm và tổ chức quản lý giết mổ là trách nhiệm của các cấp chính quyển mà cho rằng đó là nhiệm vụ của ngành Thú y, từ đó không chỉ đạo kiên quyết các ngành chức năng vào cuộc. Trong khi đó, Chi cục Thú y chỉ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y, thực hiện chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y trên địa bàn tỉnh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y..., nên không đủ thẩm quyền chỉ đạo các ngành, các cấp về quản lý giết mổ gia súc tập trung.
Ngoài ra, người tham gia giết mổ thiếu ý thức đưa gia súc vào giết mổ tập trung, còn người tiêu dùng chưa có ý thức lựa chọn thực phẩm đã được kiểm dịch nên tạo điều kiện cho việc giết mổ tự do tại hộ gia đình. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc giết mổ nhỏ lẻ, phân tán và buôn bán sản phẩm động vật vẫn diễn ra tùy tiện khắp nơi.
Bên cạnh đó, chủ cơ sở giết mổ phần lớn được chính quyền vận động, tự phát đầu tư xây dựng. Khi chính quyền chỉ đạo không kiên quyết, gia súc không vào giết mổ hoặc vào quá ít, hoạt động không có lãi, thậm chí còn lỗ, nên một số cơ sở giết mổ tự bỏ cuộc. Một số cơ sở giết mổ xây dựng với quy mô không phù hợp so với số lượng gia súc giết mổ thực tế tại địa phương nên không tồn tại được. Một số khác lại xây dựng nằm trong nội thành, nội thị phải giải tỏa để quy hoạch xây dựng đô thị mới.
PV: Vậy các giải pháp quản lý giết mổ gia súc trong thời gian tới như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Độ: Thực hiện Chỉ thị số 19/2011/CT-UBND ngày 20/6/2011: Về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các cấp, các ngành trong tỉnh cần xây dựng phương án chi tiết về quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung và chỉ đạo triển khai thực hiện quản lý đồng bộ, thống nhất hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh cho vật nuôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cụ thể:
- Rà soát lại các cơ sở đã được xây dựng. Cơ sở nào đã phù hợp có khả năng duy trì và phát triển sẽ chỉ đạo nâng cấp sữa chữa để bảo đảm VSATTP trong giết mổ và duy trì phát triển bền vững lâu dài; Các cơ sở không còn phù hợp cần sớm giải thể, chuyển mục đích sử dụng khác;
- Khảo sát lại địa bàn, mức độ giết mổ tại từng địa phương để quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung mới bảo đảm khoa học, hợp lý không làm ảnh hưởng môi trường, chú trọng tập trung ở thành phố và các huyện ven đô, các trung tâm thị trấn, thị tứ, tiến tới xóa bỏ hẳn giết mổ phân tán, nhỏ lẻ ở vùng đồng bằng.
- Phối hợp với Ban Quản lý Dự án cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm để nâng cấp các cơ sở đang hoạt động và xây mới các cơ sở giết mổ gia súc tập trung đảm bảo tính phù hợp và bền vững; Quy hoạch lại các khu bán thực phẩm động vật tươi sống tại các chợ để quản lý, kiểm soát được nguồn thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào chợ tiêu thụ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhóm phóng viên