Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVI: Sôi nổi phiên thảo luận tổ
Phiên làm việc buổi chiều, HĐND tỉnh Nghệ An chia thành 8 tổ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012 và các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra…
(Baonghean) - Phiên làm việc buổi chiều, HĐND tỉnh Nghệ An chia thành 8 tổ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012 và các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra…
Đổi mới công tác điều hành, chỉ đạo toàn diện hơn
Tại tổ 7 gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở 3 huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc thảo luận bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011. Các đại biểu cho rằng, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã thực sự tạo ra hiệu quả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần tiếp tục đổi mới công tác điều hành, chỉ đạo toàn diện hơn, tạo hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở.
Các ông Nguyễn Ngọc Nguyên (huyện Nam Đàn), Trần Xuân Trung (huyện Hưng Nguyên) cho rằng: Dự báo kinh tế trong thời gian tới đang tiếp tục còn khó khăn và việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát sẽ tiếp tục. Vì vậy, UBND tỉnh cần nghiên cứu, tính toán, xem xét kỹ lưỡng để khi áp dụng triển khai ở tỉnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân một cách kịp thời, hiệu quả hơn, đặc biệt là thủ tục hành chính hiện đang còn quá rườm rà, ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế, chính sách mặc dù đã được ban hành đúng và rất kịp thời. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở cả về chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu, vừa góp phần tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các dịch vụ y tế, vừa góp phần giảm áp lực cho các tuyến trên. Cần có bài toán để nâng cao hiệu quả công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn, tránh tình trạng đào tạo hết thời gian học tập nhưng không có việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Cũng liên quan đến công tác điều hành, chỉ đạo, ông Nguyễn Chí Nhâm nêu vấn đề: Hạ tầng lưới điện nông thôn đang ảnh hưởng đến chất lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đe dọa đến sự an nguy của người dân, nhất là mùa mưa bão. Do đó, HĐND tỉnh cần phải đặt vấn đề giám sát, chất vấn đối với ngành điện về trách nhiệm, giải pháp của ngành để giải quyết vấn đề này.
Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả chương trình, nghị quyết của Chính phủ?
Tại tổ thảo luận số 2 gồm: Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò, các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều đại biểu nêu ý kiến: Bên cạnh những tác động tích cực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mộ, đảm bảo an sinh xã hội thì việc thực hiện Nghị quyết 11/CP cũng đã khiến cho nền kinh tế tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư thấp, công trình thi công tiến độ chậm, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, gây khó khăn cho cơ sở. Đơn cử như có đơn vị máy móc đến lúc hỏng phải thay, xe ô tô chuyên dụng của các bệnh viện, công an…cần phải sắm nhưng phải đình lại….
Đại biểu thảo luận tại tổ 2.
Về xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực bởi tính bình quân, mỗi xã cần khoảng 140 tỷ đồng, trong khi đó yêu cầu nhân dân đóng góp là 80%. Vấn đề đặt ra là với mức sống như hiện nay của người dân vùng nông thôn thì rất khó để đạt được mục tiêu đề ra và theo quan điểm chỉ đạo, việc xây dựng nông thôn mới không trông chờ vào ngân sách Trung ương đầu tư, thì nguồn kinh phí phục vụ cho chương trình này lấy từ đâu?
Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công
Tại tổ 3, gồm các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu. Vấn đề được các đại biểu quan tâm là giải quyết chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ đối với cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; chế độ Huân huy chương kháng chiến...
Đại biểu thảo luận tại tổ 3.
Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTB& XH giải trình: Giải quyết chính sách cho đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ có từ lâu. Thời điểm đó, cơ quan chức năng đã tiến hành thẩm tra 13 nghìn trường hợp, giải quyết 12.500 trường hợp. Qua xác minh cơ bản là đúng, nhưng về sau tiền hỗ trợ tăng lên, xuất hiện nhiều đường dây chạy làm hồ sơ, bệnh án giả, gây bức xúc trong dư luận nên qui trình thẩm định được tiến hành chặt chẽ hơn. Hội đồng thẩm định bao gồm Sở lao độngTB&XH, Tỉnh đội, Hội cựu chiến binh, Tỉnh đoàn, Sở y tế… đã tiến hành hai đợt thẩm định được 800 người, nhưng ngay ở đợt đầu đã phát hiện 70 hồ sơ bệnh án giả, đợt thứ 2 phát hiện thêm 50 hồ sơ.
Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của hệ thống chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh, cho đến nay vấn đề thực hiện chính sách cho người có công cơ bản tốt, đặc biệt việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, theo đánh giá, Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện tốt nhất cả nước. Riêng chế độ huân, huy chương kháng chiến đang tồn đọng 160 nghìn trường hợp chưa được khen thưởng, hiện Sở Nội vụ đang hoàn chỉnh thủ tục trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản
Tại tổ 4, thảo luận về công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, các đại biểu đề nghị: Song song với việc thắt chặt quản lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép, tỉnh cần cấp phép thêm các địa điểm khai thác cát, sạn trên sông vì nhu cầu thực tế của người dân là rất lớn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý các xe tải quá khổ tại các khu vực khai thác khoáng sản, bởi các phương tiện này chở quá tải làm hỏng nhiều công trình đường giao thông nông thôn nhưng xã, huyện không có thẩm quyền xử lý. Đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, nhưng ít có các văn bản, thông tư, hướng dẫn cần thiết để thực hiện. Ngoài ra, việc thanh kiểm tra còn mang tính chất thời vụ, trong khi đó chính quyền xã, huyện không đủ thẩm quyền để xử lý nạn khai thác khoáng sản trái phép.
Phân bổ nguồn vốn hợp lý, ưu tiên các chương trình trọng điểm
Tại các tổ 5, 6 và 8, gồm các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Quỳ Hợp, các đại biểu đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011. Đại biểu Lê Văn Cầm (huyện Diễn Châu) cho rằng: 6 chỉ tiêu chưa đạt trong năm, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có lý do công tác cải cách hành chính (đặc biệt là liên thông một cửa) ở các ngành, các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chính vì vậy tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm giải quyết hồ sơ vẫn còn khá phổ biến….
Đại biểu thảo luận tại tổ 5.
Đưa ra các giải pháp cho năm 2012, nhiều đại biểu cho rằng: Thời gian tới, tỉnh cần rà soát, lập danh sách các dự án trọng điểm để lên kế hoạch phân bổ nguồn vốn, tránh đầu tư tràn lan không hiệu quả. Cần quan tâm đến việc cấp vốn, cấp ngân sách cho chương trình xây dựng nông thôn mới bởi hiện nay nguồn vốn huy động từ người dân rất khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, tạo sự kích cầu cho nông nghiệp phát triển.
Một số chỉ tiêu về văn hóa – xã hội như trạm y tế chuẩn quốc gia, trường đạt chuẩn quốc gia đưa ra khá cao trong điều kiện thực tế các địa phương, nhất là địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ để các địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu.
Đầu tư vốn cho các công trình xây dựng cơ bản ở các huyện nghèo
Tổ 1, gồm các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Các đại biểu quan tâm đến cơ chế đặc thù đối với các huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đại biểu Vi Hải Thành (Kỳ Sơn) cho rằng: Nhà nước cần ưu tiên vốn để tiếp tục đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các trường học, công trình giao thông sau khi bị thiên tai, lũ lụt không tiếp tục sử dụng được.
Xung quanh vấn đề này, đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) và đại biểu Lữ Kim Duyên (Tương Dương) nêu quan điểm: Đối với các huyện nghèo thuộc diện 30a những công trình đang thi công, Nhà nước nên tiếp tục cho triển khai, tránh tình trạng “tấp chiếu” gây lãng phí như hiện nay. Những công trình thiết yếu cần phải làm thì Nhà nước cần có cơ chế cấp vốn cho địa phương tiếp tục thực hiện, đặc biệt ưu tiên các công trình phòng chống bão lụt.
Đại biểu thảo luận tại tổ 1.
Các vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết
Ngoài các nội dung được tập trung thảo luận ở từng tổ nêu trên thì ở hầu hết các tổ, các đại biểu cũng đã nêu lên một số vấn đề chậm được giải quyết, đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là: bình ổn giá chưa được kiểm soát hiệu quả; tiến độ xây dựng các khu tái định cư chậm; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; tình trạng nợ xấu của một số tổ chức, doanh nghiệp; vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để; chất lượng các công trình điện, đường, trường, trạm do Nhà nước hỗ trợ thấp, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình và hiệu quả sử dụng, gây mất lòng tin trong nhân dân; việc bàn giao lưới điện nông thôn chưa quan tâm đến việc nâng cấp các trạm biến áp, đường dây do đó chất lượng điện không cao và gây ra tình trạng hao tổn điện năng…Những vấn đề này, cần được các ngành chức năng liên quan giải đáp thỏa đáng và kịp thời khắc phục, xử lý, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Nhóm phóng viên (tổng hợp) - Ảnh: Sỹ Minh