Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII: Dành 11 ngày làm công tác tổ chức, nhân sự
Chiều 19-7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp sẽ chính thức khai mạc ngày 21-7 và dự kiến bế mạc ngày 6-8-2011.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong khuôn khổ kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử về kết quả cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội sẽ tập trung dành tới 11 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức và nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội và thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIII; xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự, bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước. Đó là các chức danh: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn Thư ký ký họp Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
Quốc hội cũng sẽ bầu Tổng kiểm toán Nhà nước, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, thông qua Nghị quyết về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
Một nội dung rất đáng quan tâm khác cũng sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này là việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; góp phần thúc đẩy kinh tế năm 2011.
Về tình hình biển Đông thời gian gần đây, ngoài một báo cáo được gửi đến tận tay từng Đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe báo cáo trực tiếp.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về cơ cấu của Chính phủ khóa mới và số ứng cử viên cho các vị trí lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, Chính phủ, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, vấn đề nhân sự đã được chuẩn bị rất công phu, với sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền. “Cụ thể là ai, Chính phủ mới có bao nhiêu Phó Thủ tướng thì phải chờ Quốc hội khóa XIII quyết định cơ cấu Chính phủ khóa mới, sau đó Thủ tướng Chính phủ mới trình nhân sự cụ thể”.
Liên quan tới các ứng viên được giới thiệu vào vị trí nhân sự cấp cao, ông Trần Đình Đàn khẳng định: “Chắc chắn đó là những người đã được rèn luyện trong thực tiễn, đủ đức, đủ tài, đủ năng lực phục vụ nhân dân. Danh sách bầu có số dư hay không là do Quốc hội quyết định. Tuy vậy, theo quy định pháp luật, các Đại biểu Quốc hội hoàn toàn có quyền giới thiệu thêm ứng viên nếu thấy cần thiết”.
Đánh giá cao chất lượng Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm, vừa qua Văn phòng Quốc hội đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho các Đại biểu Quốc hội khóa XIII về kỹ năng tham gia các hoạt động của Quốc hội. Do đó ông Đàn bày tỏ tin tưởng rằng, ngay cả các Đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu cũng sẽ không có sự bỡ ngỡ khi thực hiện nhiệm vụ lập pháp, giám sát hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước, ông Trần Đình Đàn nhận định, đây là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm. Tùy theo tình hình thảo luận và ý chí của các Đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ quyết định có ra Nghị quyết về vấn đề này hay không.
Về nội dung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rõ với báo chí: “Tại Kỳ họp này, cơ quan chức năng mới chỉ trình Quốc hội về chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mà chưa trình những nội dung sửa đổi cụ thể”.
Theo SGGP