Kỳ lạ giống 'lợn đen đồng bào' nuôi không kịp lớn để bán
So với thịt lợn thường, lợn đen đồng bào giá gấp 2 lần (khoảng 160.000 - 170.000 đồng/1kg lợn hơi). Đặc biệt, lợn đồng bào chất lượng thịt thơm ngon, sạch bởi vì chăn thả tự nhiên ăn rau, cỏ, củ mì…
Hiện nay, tại một số xã vùng núi ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) giống lợn đen (còn được gọi là lợn đồng bào) đang phát triển. Đặc biệt, các địa phương còn có hẳn chính sách hỗ trợ giống để người dân bảo tồn, phát triển mạnh giống lợn (heo) này.
Lợn đen đồng bào thời gian nuôi gần 1 năm đến 1 năm rưỡi mới đạt 30 - 60 kg/con nên giá bán cao. |
Theo ông Võ Duy Tín, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, để bảo tồn, phát triển giống lợn đen, năm 2020, UBND huyện Hoài Ân đã hỗ trợ cho 3 xã vùng cao Đắk Mang, Ân Sơn và Bok Tới mỗi xã 30 - 40 con lợn đen giống phân bổ cho người dân địa phương thả nuôi.
Lợn đen là giống lợn bản địa, thực phẩm của chúng chỉ là cây chuối rừng, rau, cỏ, củ mì, củ lang… Giống lợn này rất thích hợp với môi trường thả rông trong tự nhiên.
"Heo đen được thả rông, đi nhiều để kiếm ăn, đặc biệt chế độ ăn toàn là thực vật và nông sản bà con tự sản xuất nên thịt heo đen săn chắc, thơm, do đó người tiêu dùng rất thích. Hiện heo đen có giá rất cao, 160.000 - 170.000 đồng/kg hơi, 1 con heo có trọng lượng 30 - 40 kg bán được đến 5 - 6 triệu đồng, khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số", ông Võ Duy Tín cho hay.
Tại xã Ân Sơn, dẫn đầu trong mô hình bảo tồn, phát triển mạnh giống lợn đồng bào phải kể đến hộ ông Đinh Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Sơn. Nhờ tiếp thu tốt quy trình chăn nuôi do ngành khuyến nông hướng dẫn nên hiện đàn lợn đen trong chuồng nhà ông Thanh phát triển đến gần 40 con. Trong đó có 3 con nái, 20 lợn con, còn lại là lợn thịt.
Theo ông Thanh, lợn đen phát triển rất chậm, nuôi từ 8 - 9 tháng đến 1 năm mới đạt trọng lượng 30 - 40 kg/con, nếu kéo dài thời gian nuôi đến 17-18 tháng đạt được trọng lượng 50 - 60 kg/con. Bù lại, giá bán của lợn đen rất cao, còn đầu ra hiện có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Ông Võ Duy Tín cho biết thêm, hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân có nhiều đại lý về các vùng cao và huyện miền núi Vĩnh Thạnh để mua giống lợn đen của đồng bào về cung cấp, giống lợn được thẩm định, kiểm tra của ngành chức năng huyện. Trong năm 2021, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép từ nhiều chương trình, hỗ trợ vốn cho 3 xã vùng cao để nhân rộng đàn lợn trong nông hộ.
Tại huyện miền núi An Lão, cũng là địa phương đang hỗ trợ, khuyến khích bà con phát triển mô hình nuôi lợn đen, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, phát triển kinh tế hộ, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
4 năm trước, từ chỗ được UBND huyện hỗ trợ 4 con lợn đen giống để nuôi, đến nay gia đình ông Đinh Văn Kem (ở thôn 1, xã miền núi An Toàn) đã tăng đàn lên đến 25 con. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 10 con, thu về hơn 40 triệu đồng.
Lợn đen của người đồng bào chủ yếu chăn thả tự nhiên, tự kiếm ăn và được người dân cho ăn thêm rau, cỏ, củ lang, củ mì… nên chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon. |
"Con giống được huyện hỗ trợ, kỹ thuật nuôi được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn nên tôi cũng yên tâm. Heo đen dễ ăn uống, chuồng trại cũng đơn giản. Ngoài heo đi kiếm ăn ngoài tự nhiên, hằng ngày tôi vào rừng chặt chuối, hái rau rừng về băm nhỏ nấu với cám cho heo ăn. Heo đen nuôi tuy chậm lớn nhưng bù lại giá cao nên cho hiệu quả cao. Từ ngày nuôi heo đen đến nay kinh tế gia đình tôi ổn định hẳn", ông Kem phấn khởi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Lão, riêng năm 2020, UBND huyện đã mua 270 con lợn đen giống hỗ trợ cho 94 hộ dân ở thị trấn An Lão và các xã: An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Hưng, An Trung, An Vinh để nuôi.
Hiện, mô hình nuôi lợn đen không chỉ phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ở nhiều địa phương trong huyện cũng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.