'Kỹ năng mềm' cho thanh niên miền núi
(Baonghean.vn) - “Kỹ năng mềm” ở đây không bắt buộc là phải biết ngoại ngữ, sử dụng thành thạo máy vi tính mặc dù nếu có thêm các yếu tố này thực sự là “điểm cộng” tuyệt với với mỗi người.
“Kỹ năng mềm” đối với thanh niên miền núi đơn giản là khả năng ứng xử, cách tiếp cận, trò chuyện với người ngoài cộng đồng. Tại sao lại nói điều nay? Là vì lâu nay người miền núi, nhất là các cộng đồng thiểu số dường như thường có mặc cảm, thiếu tự tin, e ngại trong giao tiếp, ứng xử với người miền xuôi, nhất là các cộng đồng sinh sống khu vực đô thị.
Ảnh minh họa: M.H |
Sự thiếu tự tin trong giao tiếp, ứng xử của bà con thiểu số đã vô hình trung tạo ra hố ngăn cách họ với nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm việc làm, giao lưu văn hóa, thương mại, dịch vụ… Tuy vậy, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ cả 2 phía: Từ chính người dân miền núi và người dân các cộng đồng miền xuôi.
Với bà con thiểu số: Những khác biệt về địa lý, ngôn ngữ, văn hóa, tư duy về cuộc sống và cả sự thiếu hụt trình độ, nhận thức đã tạo ra sự mặc cảm, thiếu vững vàng khi đối diện, tiếp xúc với người miền xuôi.
Với người dân miền xuôi: Trong văn hóa ứng xử vẫn tồn tại sự kỳ thị đối với bà con thiểu số. Sự kỳ thị đó nhiều khi xảy ra cả với những yếu tố mang tính bản sắc truyền thống của đồng bào. Đôi khi người ta gọi những thanh niên miền núi bằng ngôn từ rất tệ hại như: “Đứa dân tộc”. Chính điều này càng khiến cho người dân miền núi không muốn hoặc rất khó hòa hợp trong hoạt động giao lưu, tiếp xúc. Hệ quả nhãn tiền của mâu thuẫn này không khó để nhìn thấy. Đó là có ít lao động người dân tộc thiểu số tham gia làm việc ở các nhà máy, công xưởng với dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Thanh niên, lao động miền núi nếu có tham gia thị trường lao động ngoại tỉnh cũng chủ yếu lao động chân tay, thủ công, hàm lượng chất xám thấp.
Người lao động miền núi Nghệ An tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động. Ảnh tư liệu: Thu Hương |
Vậy mới đặt ra vấn đề hướng dẫn “kỹ năng mềm” cho người dân miền núi, nhất là đối với đội ngũ thanh niên, thế hệ trẻ. Trước hết, cần dạy kỹ về ngôn ngữ phổ thông; ngoài dạy các kiến thức học đường còn phải trang bị các kiến thức xã hội ngay từ các bậc mầm non; bằng nhiều hình thức phổ biến hiểu biết pháp luật tới các đối tượng trong cộng đồng. Tiếp tục truyền thụ, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bản địa, đồng thời hướng dẫn về hành vi ứng xử, giao tiếp khi bước ra ngoài cộng đồng.