Kỹ năng thoát hiểm trong cơn hỏa hoạn

07/08/2017 20:10

(Baonghean.vn) - Cháy nổ luôn là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến tài sản và tính mạng mỗi người. Chỉ cần hơn 3 phút, một đốm lửa từ tàn thuốc rơi xuống ghế sô pha có thể khiến cả căn phòng cháy rụi. Để phòng tránh những điều không may có thể xảy ra, Trần Kim Khánh, giảng viên Đại học Phòng cháy chữa cháy đã chia sẻ những kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn.

Theo giảng viên Kim Khánh, có đến 90% trường hợp các nạn nhân thiệt mạng trong hỏa hoạn là do hít phải khói độc.

 Ảnh: Tư liệu
Yếu tố đầu tiên khi gặp hỏa hoạn là phải giữ bình tĩnh để suy xét tìm đường thoát hiểm hoặc tìm cách dập lửa bằng các dụng cụ có sẵn trong gia đình như bình cứu hỏa, chăn, mền…Ảnh: Tư liệu

Yếu tố đầu tiên khi gặp hỏa hoạn là phải giữ bình tĩnh để suy xét tìm đường thoát hiểm hoặc cách dập lửa bằng các dụng cụ có sẵn trong gia đình như bình cứu hỏa, chăn, mền… Trường hợp không dập được lửa thì di chuyển mọi người ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Việc đóng cửa phòng đang cháy giúp hạn chế khói và lửa không lan ra các phòng khác.

Sau khi đóng cửa thì báo động cho những người xung quanh. Tùy theo mỗi trường hợp để có thể báo động cho mọi người mà không nhất thiết lúc nào cũng phải hét lên gây hoảng loạn, hoang mang khiến có thể xảy ra nhiều trường hợp không may.

 Ảnh: Tư liệu
Để tránh khí độc, người gặp nạn nên bò dưới nhà, trùm khăn ướt lên đầu. Ảnh: Tư liệu

Để tránh khí độc, người gặp nạn nên bò dưới nhà, trùm khăn ướt lên đầu vừa giúp không hít phải khói khí độc vừa có nhiều oxi để thở. Có thể trườn người đi, càng sát sàn càng tốt và cố gắng lần sờ sang một bên tường mà đi. Bởi trong điều kiện có cháy thì khói càng không thấy đường nên việc lần theo một bên tường sẽ khiến nhanh chóng tìm được lối thoát thân.

Lưu ý việc mở cửa một cách bất ngờ cũng có thể là một hành động tự sát nhất là trong trường hợp bên kia cánh cửa là phòng kín đang cháy. Hành động mở cửa đột ngột khiến oxi từ bên ngoài tràn vào khiến người mở cửa lãnh trọn ngọn lửa cùng khí độc về phía mình.

Lời khuyên cho trường hợp này là đầu tiên phải kiểm tra nhiệt độ ở đằng sau cánh cửa bằng cách khua tay trước cửa để cảm nhận nhiệt độ. Kiểm tra xong thì lấy dụng cụ xung quanh để mở cửa từ từ đồng thời chú ý cúi thấp xuống. Nếu cảm thấy nhiệt độ quá cao thì tuyệt đối không được mở cánh cửa này.

Chương trình trải nghiệm do Hope&Believe Club (nhóm các ông bố bà mẹ chia sẻ quan điểm về giáo dục trẻ và tạo cộng đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các bậc phụ huyng) phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Chu Thanh
Hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ cho học sinh. Ảnh: Chu Thanh

Sau khi tìm được lối sang phòng khác, nơi có ban công, cửa sổ, thì nạn nhân nên dùng khăn, áo sáng màu để báo hiệu để cầu cứu. Lực lượng chữa cháy sẽ tập trung vào đó để dập lửa, hỗ trợ cứu người. Lúc này, chú ý không la hét quá nhiều, chỉ la hét khi thấy có người hay mở điện thoại dùng đèn flash để để báo hiệu chỗ đang đứng hay gọi 114 mô tả kỹ chỗ đứng của mình.

Trong thời gian chờ lính cứu hỏa, có thể tự cứu bản thân bằng cách dùng các phương tiện để thoát ra ngoài như dây, khăn… Ưu tiên hàng đầu trong đám cháy là dùng thang bộ, thang thoát hiểm để ra ngoài.

Trong trường hợp cháy nhà cao tầng, tuyệt đối không được nhảy xuống trừ khi có đệm ở phía dưới.

Lời khuyên mà giảng viên Kim Khánh muốn nhắn nhủ trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn nên “Bò cúi thấp người, men dọc chân tường, theo đèn thoát hiểm”.

Ngày 5/8, chương trình trải nghiệm phòng cháy chữa cháy do Hope&Believe Club (nhóm các ông bố bà mẹ chia sẻ quan điểm về giáo dục trẻ) phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Nghệ An tổ chức. Tại buổi trải nghiệm, các bé và phụ huynh đã được Trung tá Trần Kim Khánh, giảng viên khoa Chữa cháy trường Đại học PCCC thuộc Bộ Công an trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn các kỹ năng an toàn để phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn.

Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Kỹ năng thoát hiểm trong cơn hỏa hoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO