Trường Đại học Vinh – “Ngọn cờ hồng” trên quê hương Bác

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ Trường Đại học Sư phạm Vinh – niềm tự hào của đất học xứ Nghệ đến Trường Đại học Vinh – Trường đại học trọng điểm Quốc gia là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, HSSV và học viên nhà trường qua các thời kỳ. Thành quả đó, khẳng định uy tín và vị thế của Trường Đại học Vinh trong hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và ghi nhận.

Trường Đại học Vinh được thành lập từ năm 1959 với tên gọi khởi đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh, đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử nền Giáo dục cách mạng Việt Nam. Ba năm sau đó, ngày 28/8/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Quyết định số 637/QĐ chuyển Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh – trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường đã trải qua những chặng đường phát triển vô cùng gian khổ nhưng cũng rất đỗi vinh quang “Chiến hào đất lửa cháy khô/ Chông chênh lán học, mấp mô núi rừng…”.

Trong 9 năm sơ tán do cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền bắc, gian nan tột bậc, chịu tổn thất nặng nề nhưng trường vẫn luôn giữ vững là “Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết”. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, năm 1973, Trường trở lại thành phố Vinh và phải xây dựng lại hoàn toàn bằng tất cả niềm tin, ý chí và sự quyết tâm của các thế hệ giáo viên và học sinh, sinh viên.

Trong những năm tháng khó khăn chung của đất nước trước đổi mới, Nhà trường đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, thử thách, bằng ý chí tự lực tự cường,  trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thi đua dạy tốt, học tốt. Từ những năm 1990, tiếp thu tinh thần đổi mới của Đảng, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, nhà trường đã từng bước ổn định và mở rộng phát triển theo hướng đa ngành. Mùa xuân năm 2001 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của Trường khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh – nơi đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Sau khi đổi tên, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt quan tâm công tác tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu của trường đại học đa ngành. Đảng ủy Nhà trường đã ban hành và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 80 ngày 16/4/2004 đưa công tác cán bộ của Nhà trường đi vào nền nếp từ quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đến sử dụng, đánh giá và đãi ngộ. Nhờ vậy, trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, với 1.046 cán bộ, viên chức (trong đó có 731 cán bộ giảng dạy), 56 giảng viên cao cấp, 63 giáo sư, phó giáo sư, 256 tiến sĩ, 504 thạc sĩ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chúc mừng Trường ĐH Vinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/10/2018); Lễ ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Vinh và các viện của Trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chúc mừng Trường ĐH Vinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/10/2018); Lễ ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng Đại học Vinh và các viện của Trường.

Với sự vươn lên mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng, đến năm 2010, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Nhà trường trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ủy, Ban Giám hiệu chủ trương xây dựng Trường Đại học Vinh thành trường đại học trọng điểm. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Sau nhiều nỗ lực, ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 1136/TTg-KGVX đồng ý bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách các trường đại học xây dựng thành trường đại học trọng điểm. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Nhà trường, một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của Đại học Vinh trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Hiện nay, Trường Đại học Vinh là 1 trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; là 1 trong 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước; là 1 trong 10 trường tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục vào năm 2017.

Công bố chứng nhận Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Công bố chứng nhận Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Cơ cấu tổ chức của Trường hiện có 6 viện, 7 khoa đào tạo, 12 phòng ban, 12 trung tâm, trạm, 2 văn phòng đại diện với 55 ngành đào tạo đại học; 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 17 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với trên 40.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Trường THPT Chuyên trực thuộc Trường Đại học Vinh là 1 trong 20 trường trung học phổ thông có uy tín nhất trong cả nước. Trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh với các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là một trong những cơ sở giáo dục có uy tín nhất trên địa bàn thành phố Vinh.

Từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước trên 170.000 cử nhân sư phạm, cử nhân khoa học và kỹ sư, 13.366 thạc sĩ và 244 tiến sĩ; số học sinh tốt nghiệp THPT là 8.805 em (có 12 em đoạt các giải Toán quốc tế và giải Toán khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 236 em đoạt giải quốc gia). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 80%. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh được đào tạo toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống… nên khi ra trường sớm khẳng định được năng lực chuyên môn, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

Cùng với hoạt động đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Đội ngũ giảng viên tích cực tham gia các dự án khoa học – công nghệ của Chính phủ, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước. Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với hàng chục cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức khoa học quốc tế từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Úc.

Trong những năm gần đây, Nhà trường đã chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học khu vực và quốc tế; tạo lập được các nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học đầu ngành. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Trường triển khai hàng trăm đề tài khoa học các cấp; tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; có trên 2.000 bài báo của cán bộ được công bố ở các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Trường luôn nằm trong tốp 10 trường đại học có bài công bố quốc tế nhiều nhất ở Việt Nam.

Cùng với nghiên cứu khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế của Trường trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Nhà trường đã tạo lập quan hệ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế có uy tín; đào tạo lưu học sinh (đại học, sau đại học) cho Lào, Thái Lan, Trung Quốc với tổng số hơn 841 lưu học sinh.

CÁC DANH HIỆU, PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH ĐÃ ĐƯỢC GHI NHẬN:

– Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1974);
– Huân chương Lao động hạng Nhì (1979);
– Huân chương Độc lập hạng Ba (1995);
– Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001);
– Danh hiệu Anh hùng Lao động (2004);
– 2 lần nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2007, 2019);
– 2 lần nhận Huân chương độc lập hạng Nhất (2009, 2014);
– 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (1992, 2019).
Bên cạnh đó, Nhà trường còn vinh dự 3 lần nhận Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào (2009, 2011, 2017) cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của các Bộ, Ban, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các danh hiệu cao quý khác dành cho tập thể, cá nhân của trường.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường Đại học Vinh đã trở thành một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực, nhà trường đã rút ra được 6 bài học kinh nghiệm quý.

– Thứ nhất: Luôn quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Bộ GD&ĐT, của cấp uỷ, chính quyền địa phương phù hợp với thực tiễn xây dựng và phát triển của Nhà trường trong từng giai đoạn.

– Thứ hai: Trong mọi hoàn cảnh, Nhà trường luôn giữ vững sự đoàn kết, nhất trí của các tổ chức Đảng, đơn vị, đoàn thể vì mục tiêu ổn định và phát triển bền vững.

– Thứ ba: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ mọi nguồn lực và sự ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền các cấp, của cộng đồng xã hội để xây dựng và phát triển Nhà trường.

Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Vinh nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Vinh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

– Thứ tư: Tập trung chăm lo công tác tổ chức và cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

– Thứ năm: Nhà trường luôn lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ làm tiêu chí cho mọi hoạt động.

– Thứ sáu: Tăng cường gắn kết với địa phương, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy ảnh hưởng của Nhà trường đối với cộng đồng và xã hội.

Từ những bài học kinh nghiệm đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường đại học Vinh lần thứ XXXI đã xác định phương hướng phát triển của Nhà trường trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là: “Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; xây dựng Trường Đại học Vinh thành trường đại học trọng điểm, có một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế, là thành viên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN”.

Trường Đại học Vinh thường xuyên tổ chức ký kết các chương trình phối hợp với các đối tác nước ngoài.
Trường Đại học Vinh thường xuyên tổ chức ký kết các chương trình phối hợp với các đối tác nước ngoài.

Hiện nay, trong công cuộc hội nhập, Trường ĐH Vinh luôn biết đến là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học. Nhà trường đã ban hành Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2018 – 2025; Kế hoạch chiến lược phát triển lĩnh vực sư phạm với các nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới căn bản công tác tổ chức và quản lý; đẩy mạnh tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động đào tạo; triển khai xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đại học chính quy tiếp cận CDIO; phối hợp để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình đào tạo; nâng cao chất lượng công tác thực hành, thí nghiệm, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, học viên; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; hướng tới tự chủ ĐH và trở thành thành viên của Mạng lưới các trường ĐH ASEAN.

Bên cạnh chất lượng đào tạo, nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nhiều giải pháp để làm tốt công tác quản lý người học (xây dựng thành công mô hình quản lý HSSV ngoại trú; thực hiện việc chấm điểm và xếp loại rèn luyện của sinh viên…). Các mô hình này được Bộ GD&ĐT nhân rộng ra toàn quốc.

Lễ khai mạc chương trình
Lễ khai mạc chương trình "Theo dấu chân lãnh tụ"; Trao giải Nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học 2019; chương trình "Mùa đông ấm" cho trẻ em vùng cao; hướng dẫn tân sinh viên nhập học; Chương trình SV 2016.

Nhờ làm tốt công tác giáo dục, quản lý HSSV cộng với xây dựng hoạt động tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội sinh viên vững mạnh nên Nhà trường đã đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, tạo điều kiện cho HSSV rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Các thế hệ cán bộ, sinh viên của trường dù đi khắp nẻo đường đất nước vẫn luôn hướng về Trường Đại học Vinh với sự trân trọng, tự hào và biết ơn “Dù cho tung cánh muôn phương/ Ơn thầy, tình bạn, nghĩa trường không quên”…

Những ngày tháng 9 mùa Thu, trong không khí hân hoan hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập trường, các thế hệ cán bộ, giáo viên, HSSV Trường Đại học Vinh tiếp tục đón nhận tin vui: lần thứ 2 Trường được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước là vinh dự lớn, nhưng cũng là trọng trách, đòi hỏi Trường Đại học Vinh phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tiễn xã hội, chủ động hội nhập quốc tế, hướng tới tự chủ, đáp ứng tốt hơn công cuộc CNH, HĐH đất nước; xứng đáng là “Ngọn cờ hồng” trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu./.