Kỳ Sơn cần tiến tới sáp nhập điểm trường lẻ và phát triển mô hình trường bán trú

Mỹ Hà 17/03/2021 18:12

(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long sau khi đã khảo sát về việc triển khai mô hình bán trú trên địa bàn.

Chiều 17/3, tại UBND huyện Kỳ Sơn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long có cuộc làm việc về thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục, bố trí sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường, các điểm trường, cơ sở vật chất và việc thực hiện các chính sách trên địa bàn.

Đồng chí PCT UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng dự có đồng chí Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư , Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính và lãnh đạo, các phòng ban của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: MH

Năm học 2020-2021, toàn huyện Kỳ Sơn có 72 trường và 01 trung tâm, với 1.119 lớp, 23.573 học sinh.

Trong đó, có 27 trường PTDTBT với 11 trường PTDTBT tiểu học, 13 trường PTDTBT THCS và 4 trường PTDTBT TH&THCS. Ngoài ra, có 10 trường có học sinh dân tộc bán trú với gần 5.500 học sinh.

PCT UBND tỉnh Bùi Đình Long trò chuyện với giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Mường Típ 1. Hiện trường thực hiện mô hình bán trú nhưng do chưa đủ phòng ở nên nhà trường phải sử dụng thêm phòng học làm phòng ở cho học sinh.Ảnh - MH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trò chuyện với giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Mường Típ 1. Hiện trường thực hiện mô hình bán trú nhưng do chưa đủ phòng ở nên nhà trường phải sử dụng thêm phòng học làm phòng ở cho học sinh. Ảnh: MH.
Những năm qua, Kỳ Sơn là huyện đi đầu trong toàn tỉnh về việc thực hiện mô hình bán trú ở trường tiểu học.

Những mô hình này đã góp phần quan trọng để duy trì sỹ số, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng kể cả chất lượng mũi nhọn và chất lượng đại trà.

Điểm chung ở các trường bán trú là điều kiện CSVC không đảm bảo. Trung bình mỗi một phòng bán trú thường có từ 30 - 40 học sinh ở chung phòng. Ảnh - MH
Điểm chung ở các trường bán trú là điều kiện CSVC không đảm bảo. Trung bình mỗi một phòng bán trú thường có từ 30 - 40 học sinh ở chung phòng. Ảnh: MH

Hiện, Kỳ Sơn cũng đã xây dựng lộ trình đến năm học 2022 - 2023, tất cả học sinh các lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ của tiểu học sẽ về học tại cơ sở chính để thực hiện Chương trình phổ thông 2018. Dự kiến 26/28 trường tiểu học đủ tiêu chuẩn thành lập được trường PTDTBT tiểu học.

Đây cũng là chủ trương của tỉnh để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách vùng miền.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường PT DTBT THCS Mường Ải được chuẩn bị đủ chất dinh dưỡng nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước. Ảnh: MH
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường PT DTBT THCS Mường Ải được chuẩn bị đủ chất dinh dưỡng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: MH

Đặc biệt, việc sáp nhập trường lớp sẽ là giải pháp thiết thực để thực hiện Chương trình phổ thông tổng thể mới, tạo điều kiện để học sinh trong toàn huyện được thụ hưởng việc học các môn như Tin học, Ngoại ngữ và các hoạt động khác.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận về những khó khăn vướng mắc hiện nay như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo, các công trình, như: nhà đa năng, thư viện, nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập còn thiếu rất nhiều.

Đoàn công tác thăm Trường mầm non Mường Típ. Ảnh: MH
Đoàn công tác thăm Trường Mầm non Mường Típ. Ảnh: MH

Trên toàn huyện Kỳ Sơn, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đưa học sinh các khối lớp 3, 4, 5 về tại điểm trường chính và các cụm bản thì toàn huyện thiếu 67 phòng học, 75 phòng nhà ở bán trú cho học sinh, 30 nhà ăn và 105 công trình vệ sinh…

Đồng chí Bùi Đình Long trao quà hỗ trợ cho Trường PT DTBT Tiểu học Tà . Ảnh: MH
Đồng chí Bùi Đình Long trao quà hỗ trợ cho Trường PT DTBT Tiểu học Tà Cạ. Ảnh: MH

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận về những nỗ lực của ngành Giáo dục Kỳ Sơn. Bên cạnh đó cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Để thực hiện tốt việc sáp nhập trường lớp trong giai đoạn tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian tới cần giảm tối đa các điểm trường lẻ (trừ những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa). Muốn vậy phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất và Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát lại để trình tỉnh về kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, cụ thể.

Đoàn công tác trao đổi về việc thực hiện mô hình bán trú với các nhà trường. Ảnh: MH
Đoàn công tác trao đổi về việc thực hiện mô hình bán trú với các nhà trường. Ảnh: MH

Về phía huyện, song song với việc nâng cao chất lượng cần phải làm tốt quy hoạch tại huyện. Cụ thể, trong 17 trường tiểu học còn lại trường nào cần phải nâng cấp, trường nào phải làm mới, trường nào là trường bán trú... Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp.

Đồng thời, phải sắp xếp lại các mô hình trường bán trú đã triển khai với quan điểm ưu tiên số 1 là cơ sở vật chất cho học sinh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh có nơi ăn, nơi nghỉ đầy đủ.

Đồng chí Bùi Đình Long cũng đề nghị ngành dân tộc và các ngành liên quan thời gian tới cần ưu tiên các danh mục về việc thực hiện bán trú cho các trường miền núi.

Dịp này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã trao tặng 100 triệu đồng cho Trường PTDTBT Tiểu học Hữu Kiệm và Tà Cạ để xây dựng thư viện ngoài trời.

Sáng nay (17/3), đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã đi kiểm tra thực tế tại các Trường PT DTBT Tiểu học Mường Típ 1, Mường Ải 2, Trường PT DTBT THCS Mường Ải, Trường Mầm non Mường Ải, Trường PT DTBT Tiểu học Tà Cạ.

Đây là những trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm thị trấn khoảng 50 km. Thực hiện mô hình trường bán trú, trong 2 năm trở lại đây đã có hàng trăm học sinh ở điểm trường lẻ được về sáp nhập ở điểm trường chính. Tuy vậy, hiện cơ sở vật chất ở các trường này đang rất khó khăn, phòng học tạm bợ và các điều kiện khác còn chưa đảm bảo.

Mới nhất
x
Kỳ Sơn cần tiến tới sáp nhập điểm trường lẻ và phát triển mô hình trường bán trú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO