Kỳ Sơn: Siết chặt trách nhiệm giữ rừng

20/04/2017 08:32

(Baonghean) - Trong tháng 2 vừa qua, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại xã Nậm Càn. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Vi Hòe - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện về diễn tiến, nguyên nhân và quan điểm xử lý vụ việc này.

P.V: Tháng 2/2017, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại địa bàn xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Ông có thể cho biết diễn biến vụ việc xảy ra như thế nào?

Ông Vi Hòe: Ngày 16/2, Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn nhận được báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm, Công an huyện về tình hình khai thác gỗ trái phép tại xã Nậm Càn. Ngày 17/2, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo huy động các ngành chức năng gồm: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và Đồn Biên phòng Nậm Càn tổ chức đoàn công tác phối hợp kiểm tra, khám nghiệm hiện trường để xác định khối lượng gỗ, loại cây bị chặt; tiến hành thu thập chứng cứ, thông tin, làm rõ bản chất vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tang vật được tập kết tại sân Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường
Tang vật được tập kết tại sân Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường

Từ ngày 18/2 đến nay, đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra, đo đạc và khám nghiệm hiện trường. Theo đó, tại khu vực Tiểu khu 499, 500A, 500C phát hiện 36 cây gỗ sa mu, khối lượng 139m3, gỗ còn nguyên thân chưa cưa xẻ. Về vị trí xảy ra đều thuộc đối tượng rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn là chủ rừng, nằm trong khu vực biên giới. Khu vực Tiểu khu 499, 500A, 500C được khoán cho nhân dân bản Nậm Càn và bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn quản lý, bảo vệ theo Chương trình 30a của Chính phủ.

P.V: Mặc dù có các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện công tác bảo vệ rừng nhưng một khối lượng gỗ quý hiếm bị khai thác như vậy, liệu có phải các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý trong công tác bảo vệ rừng, thưa ông?

Ông Vi Hòe: Nguyên nhân để xảy ra vụ việc là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền xã. Một số hộ dân đã lợi dụng khai thác gỗ làm nhà ở theo diện hộ nghèo được vay vốn theo quy định tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phá rừng trái phép.

Một phần nguyên nhân khách quan là do địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, địa hình núi cao phức tạp; lực lượng chức năng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng mỏng như Hạt Kiểm lâm, Rừng phòng hộ… nên khó khăn trong kiểm soát tình hình địa bàn.

P.V: Đối với công tác bảo vệ rừng, chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng, song chính quyền địa phương nơi có rừng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong phạm vi địa phương mình; đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan và nhân dân bảo vệ rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, qua vụ việc xảy ra ở Nậm Càn, một trong những nguyên nhân xảy ra phá rừng lại do có sự buông lỏng quản lý. Vậy quan điểm xử lý của huyện như thế nào?

Ông Vi Hòe: Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn xác định đây là vụ việc nghiêm trọng nên trong quá trình phát hiện, diễn biến vụ việc và đặc biệt là giải pháp xử lý được Thường trực Huyện ủy bàn bạc và triển khai kịp thời; đồng thời Ban Thường vụ Huyện ủy có công văn báo cáo về vụ việc, đề xuất giải pháp xử lý và xin chủ trương chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Huyện đã giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, tập thể có liên quan và chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp tục xác minh xử lý vụ việc.

P.V: Công tác bảo vệ rừng lâu nay vốn khó khăn, nhất là với một địa bàn vùng biên có địa hình phức tạp và diện tích rừng lớn như huyện Kỳ Sơn. Việc xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc này là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và có tính chất răn đe để không xảy ra những sự việc tương tự. Vậy sau vụ việc này, huyện Kỳ Sơn rút ra kinh nghiệm gì và có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, thưa ông?

Ông Vi Hòe: Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành huyện Kỳ Sơn quan tâm, triển khai thực hiện tốt và đã đạt được nhiều kết quả; ý thức của người dân trong công tác này ngày càng được nâng cao. Tinh thần chung của cả hệ thống chính trị là luôn phải chủ động, không được chủ quan, lơ là. Qua vụ việc phá rừng ở xã Nậm Càn, như đã đề cập ở trên huyện Kỳ Sơn quyết tâm xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan. Quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy là không bao che cho những cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc phá rừng.

Để ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng, đồng thời khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Huyện uỷ Kỳ Sơn yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chủ rừng, chính quyền từ huyện đến xã; đồng thời đẩy mạnh thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.

Tuy nhiên, đời sống của nhân dân Kỳ Sơn còn khó khăn, trong khi công tác quản lý và bảo vệ rừng nếu không nhận được sự ủng hộ, tự giác cao của người dân thì không thể thành công. Do đó, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ rừng cho nhân dân thì công tác tuyên truyền hết sức quan trọng. Hiện nay, Kỳ Sơn đang triển khai 6 đoàn công tác về tất cả các bản của huyện để thực hiện tuyên truyền cho nhân dân với nhiều nội dung, trong đó có phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2017. Với những giải pháp tổng thể trên, Kỳ Sơn quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.

P.V: Cảm ơn ôngí!

Thành Duy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Kỳ Sơn: Siết chặt trách nhiệm giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO