'Kỹ sư làng' chế máy rửa bát công nghiệp
Từ chiếc máy rửa bát gia đình, 'kỹ sư chân đất' ở Thái Bình phát triển thành quy mô công nghiệp và được nhiều người đón nhận.
Tiếp xúc với môi trường sửa chữa, lắp đặt cơ khí khá sớm, anh Nguyễn Văn Ngọc (36 tuổi, ở Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình) khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã mong muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực này.
Bố vốn là thợ cơ khí ôtô trong quân đội, về hưu ông mở cửa hàng sửa chữa xe máy ở nhà, nên lúc rảnh rỗi Ngọc thường ra phụ giúp và dần tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Hết cấp 3, Ngọc học trung cấp dược theo mong muốn của gia đình. Ra trường, anh không theo nghề mà làm tại Nhà máy điện cơ quốc phòng; rồi xin đi học Trung học công nghiệp quốc phòng, chuyên ngành chế tạo máy.
Tốt nghiệp loại khá năm 2004, với kiến thức được học và kinh nghiệm đã có, anh ấp ủ ý định lập xưởng cơ khí riêng cùng một vài người bạn. "Nếu lại đi làm thuê thì không biết đến bao giờ mới có sự nghiệp", anh nói.
Mong ước trên của anh gặp phải phản ứng quyết liệt từ gia đình. Vì không muốn con trai mạo hiểm, đổ sức đổ tiền lại không đạt kết quả, bố mẹ anh đã tìm một công việc ổn định ở Tỉnh đội Thái Bình. Anh kiên quyết từ chối bằng cách nằm lỳ ở nhà, và khăng khăng nói muốn theo đuổi đam mê cơ khí. Cuối cùng bố mẹ anh đành "nhắm mắt làm ngơ".
Đi làm thuê để tạo vốn khởi nghiệp
Bắt đầu con đường đi của riêng mình, để có vốn kinh doanh Ngọc không xin hay vay tiền của gia đình, mà đi làm thuê nhiều nơi. Năm 2007, anh mở xưởng lắp đặt thiết bị cơ khí ở quê nhà. Mùa đông năm này, sau bữa cơm, thấy mẹ trở vào nhà với đôi bàn tay tím tái, vừa đi vừa xuýt xoa. Anh đoán mẹ vừa rửa chồng bát của cả nhà.
Ý tưởng chế tạo chiếc máy rửa bát giúp mẹ đỡ vất vả được nhen nhóm từ đây. Nhưng hai năm sau anh mới thực hiện được khi có điều kiện kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Ngọc bên cạnh chiếc máy rửa bát tự động. Ảnh: NVCC. |
Thời điểm này các gia đình ở Việt Nam đã sử dụng máy rửa bát, nhưng chủ yếu là hàng nhập giá thành cao và tiêu thụ nhiều điện năng. Để khắc phục hạn chế đó, Ngọc ngày đêm mày mò tìm thiết bị khắp nơi và sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, cuối cùng anh thành công. Vật liệu chính của máy là inox, giúp thiết bị không bị gỉ. Sản phẩm giành giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2009.
Chế tạo máy rửa bát công nghiệp
Nhận thấy chiếc máy có hình thức chưa đẹp, khá thô, không thể trở thành vật dụng trang trí trong nhà nên khó cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, Ngọc lại bắt tay chế tạo máy rửa bát tự động công nghiệp phục vụ cho nhà hàng, cơ sở ăn uống. "Máy công nghiệp không đòi hỏi cao về mẫu mã, nên tôi đã thay đổi hướng phát triển dựa trên nguyên lý của máy mini gia đình", Ngọc cho biết.
Giữa năm 2015 Ngọc bắt tay chế tạo máy rửa bát công nghiệp đầu tiên và hoàn thành vào đầu năm 2016. Nó có trọng lượng 360 kg,công suất rửa 3.600 bát đĩa và 120 khay mỗi giờ. Người dùng chỉ cần tráng sơ bát đĩa qua nước để bỏ đồ ăn vụn, sau đó xếp bát đĩa vào từng khay chuyên dụng, đẩy khay vào máy qua hệ thống phun bên trong và cuối cùng đưa ra ngoài.
Bát đĩa được đưa vào máy qua 2 hàng vòi phun áp lực: bên trên xuống và dưới lên kết hợp với nước nóng 65 độ C để rửa, nước nóng 70 độ C để tráng bát đĩa. Vòi phun áp lực nước chuyển động xoay 4 chiều để phun lên tất cả bề mặt bát đĩa. Máy sử dụng với nguồn nước tuần hoàn nên rất tiết kiệm nước.
Sản phẩm ra đời được nhiều cơ sở ăn uống trên cả nước biết đến. Hiện anh chế tạo một số máy theo đơn đặt hàng từ nhiều nơi như Quảng Ninh, Nha Trang.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|