Kỹ sư lập trại nuôi gà
(Baonghean) - Tốt nghiệp ngành Thú y, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và tìm được việc làm với mức lương khá, thế nhưng Nguyễn Xuân Hưng (Thượng Sơn, Đô Lương) lại chọn con đường trở về quê xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm... Hiện anh đã là chủ trang trại với hàng nghìn con gà, ngan với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...
Ý tưởng trở về quê lập nghiệp được khởi nguồn khi Hưng tốt nghiệp và đi làm nhân viên thị trường cho công ty cổ phần Thú y Megavet, một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thuốc thú y và dịch vụ tư vấn kỹ thuật thú y. Quãng thời gian 2 năm làm nhân viên phân phối, hỗ trợ kỹ thuật thú y đã bồi đắp thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm quý giá về cách phòng và trị bệnh trong chăn nuôi cho chàng kỹ sư trẻ. Công việc còn cho anh cơ hội được tham quan nhiều mô hình trang trại chăn nuôi ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá… Trong đó có nhiều trang trại chăn nuôi vườn đồi với quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.
Hưng nhận thấy những mô hình trang trại ấy có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên của vùng đất Thượng Sơn, Đô Lương. Nhiều lần anh trăn trở, làng quê mình có vườn đồi rộng lớn là điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi gia cầm. Thế nhưng ở Thượng Sơn, người dân quê anh chỉ quen với trồng lúa 1 năm 2 vụ, thời gian nông nhàn, đàn ông đi làm thợ xây, phụ hồ để tăng thêm thu nhập. Thanh niên nam nữ đa phần đi làm ăn xa, ít ai bám trụ lại quê nhà để phát triển kinh tế. Quyết định của chàng kỹ sư trẻ khiến bố mẹ anh bất ngờ và không khỏi lo lắng; nhiều người tiếc cho anh vì đã có công việc tốt với mức lương 10 triệu đồng/tháng mà lại bỏ về quê làm nông dân.
Kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Hưng (Thượng Sơn – Đô Lương) chăm sóc đàn gà. |
Thế nhưng, kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Hưng vẫn quyết tâm về quê lập nghiệp. Bởi anh tự tin: “Với vốn kỹ thuật đã được học và trải nghiệm thực tế, cùng với kinh nghiệm đúc rút được sau 2 năm làm việc tại công ty thú y. Mô hình chăn nuôi mình áp dụng theo quy trình công nghiệp, nhưng lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như lúa, ngô, nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế”. Anh mạnh dạn vay vốn từ Quỹ thanh niên lập nghiệp và nhờ sự hỗ trợ của bạn bè được 200 triệu đồng bắt tay vào khởi nghiệp.
Vốn là dân quê, đã quen với vất vả ruộng đồng, Hưng cùng gia đình cải tạo lại mảnh vườn tạp gần 1 mẫu. Anh xây tường bao quanh, xây thêm chuồng và hệ thống đèn điện thắp sáng để nuôi gà; cải tạo lại ao để lấy nước uống cho đàn gà và nuôi ngan. Anh dành một nửa diện tích đất vườn đồi trồng tràm để thả gà. Ban đầu anh đầu tư nuôi 300 con giống gà cỏ địa phương được mua từ Yên Thành. Giống gà này dù tăng trưởng chậm hơn nhưng chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với cách nuôi thả đồi và hơn hết là được thị trường ưa chuộng.
Sẵn có vốn kiến thức của một kỹ sư ngành Thú y nên công việc chăm sóc đàn gia cầm với anh không mấy vất vả. Cái khó là tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Anh vừa phát huy mối quan hệ với các chủ trang trại trong tỉnh (vốn quen biết khi còn là nhân viên công ty thú y); vừa tìm hiểu ở các huyện lân cận để tìm mối “bỏ hàng”. Đến nay, nhờ chất lượng sản phẩm tốt mà ông chủ trẻ đã duy trì được các mối hàng quen ở ngay trong huyện và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu. Sau 2 năm xây dựng và phát triển, hiện nay quy mô trang trại đã đạt khoảng trên 3.000 con gia cầm (bao gồm gà cỏ và ngan Pháp). Mỗi năm trang trại của anh xuất chuồng trên 1 vạn con gia cầm mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
Mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm vườn đồi của chàng kỹ sư trẻ bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Thế nhưng đằng sau mỗi thành công luôn có những khó khăn và trở ngại. Trong nghề chăn nuôi, khó khăn chính là những đợt dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh; đòi hỏi người chăn nuôi luôn phải nhạy bén để tính toán phù hợp. “Năm đầu mới chăn nuôi, sau khi xuất những lứa đầu tiên, giá thị trường giảm xuống, mình phải kéo dài thời gian nuôi nên tốn kém kinh phí. Rút kinh nghiệm, năm tiếp theo, có những tháng trong năm, gà khó xuất, mình sẽ tránh nhập giống gối đầu. Làm nghề chăn nuôi phải chăm theo dõi thời sự, để biết tình hình dịch bệnh và thời tiết, phòng bệnh cho gia cầm theo mùa, đúng cách. Và “chìa khoá” để thành công trong chăn nuôi còn là ở khâu chọn giống, con giống tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường; tạo môi trường chăn nuôi sạch sẽ an toàn”.
Một phần nhờ chăn nuôi thành công nên ngày càng nhiều chủ trang trại ở Đô Lương và cả các huyện lân cận nhờ anh hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi. Công việc mỗi ngày của anh kỹ sư trẻ không chỉ là chăm sóc, phát triển đàn gia cầm của trang trại gia đình mà còn hỗ trợ kỹ thuật, cách phòng và điều trị các loại bệnh ở vật nuôi và cung cấp sản phẩm thú y cho các chủ trang trại khắp nơi.
Công việc của một bác sĩ thú y mang lại cho anh thêm nguồn thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Song điều ý nghĩa nhất với anh là luôn được làm đúng nghề đã được học, vận dụng những kiến thức đã được đào tạo để phát triển chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình và giúp ích cho người chăn nuôi ở quê anh. Chia sẻ mong muốn của mình, chủ trang trại trẻ không ngần ngại về kế hoạch tương lai sẽ xây dựng mô hình trang trại tổng hợp khép kín, vừa chăn nuôi gia cầm vừa có nguồn phân hữu cơ cho cây trồng nhằm bảo vệ môi trường vào tạo sản phẩm sạch; đồng thời mở rộng quy mô trang trại, góp phần tạo việc làm cho thanh niên địa phương.
Tự mở ra cơ hội công việc và thành công bằng chính ý chí và vốn kiến thức được học tập và rèn luyện, bởi thế thành công mô hình trang trại của kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Hưng đã ít nhiều làm thay đổi suy nghĩ cố hữu của người dân quê rằng: học đại học để thoát ly, tìm kiếm một công việc Nhà nước và để có chỗ đứng trong xã hội. Từ đó, mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp của kỹ sư trẻ đã mở hướng làm giàu cho nhiều thanh niên địa phương.
Đ.N