Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 8/7
Theo kế hoạch dự kiến, các thí sinh sẽ làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong hai ngày 7 và 8/7.
PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, dự kiến, ngày 6/7, các thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Các thí sinh sẽ thi trong hai ngày 7 và 8/7; ngày thi dự phòng là 9/7. Thứ tự thi các môn được giữ nguyên như năm trước, tức môn Ngữ văn vào sáng 7/7, buổi chiều thi môn Toán.
Ngày 8/7, buổi sáng, các thí sinh thi 1 trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) theo lựa chọn; buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.
Đoàn kiểm tra trò chuyện và động viên các thí sinh trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh tư liệu Mỹ Hà |
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo) đã được tiến hành đúng tiến độ. Hiện nay, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GD&ĐT rà soát để công bố trong tháng 3.
Trước đó, Bộ trưởngBộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020.
Với nhiệm vụ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi, Bộ trưởng lưu ý phải phản ánh được nội dung chương trình và phạm vi giới hạn trong điều kiện cụ thể của năm học chịu tác động của dịch bệnh. Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên, học sinh; trong đó rất chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại học sinh.
“Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh của năm nay mà còn chịu ảnh hưởng từ năm học lớp 11, bởi vậy nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông”, Bộ trưởng nói và đề nghị các đơn vị chuyên môn tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề thi tham khảo cho phù hợp trước khi công bố.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh tư liệu Mỹ Hà |
Để phù hợp với điều kiện thực tế cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, năm nay Bộ sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, đồng thời hạn chế tối thiểu những sai sót không đáng có.
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là việc đăng ký xét tuyển. Theo đó, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện) theo quy định của Sở GD&ĐT kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển thay vì chỉ có thể đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển như những năm trước.
Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh về kỹ thuật khi đăng ký trực tiếp.
Dự thảo thông tư cũng đang tính đến việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.
Kiểm tra thân nhiệt cho thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh tư liệu MH |
Cụ thể, nếu như những năm trước, sau khi có kết quả thi THPT thí sinh chỉ có một lần điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi điều chỉnh, nếu muốn thay đổi, bổ sung, thí sinh không thể thực hiện thì năm nay, dự kiến thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là phương án đã có trong lộ trình đổi mới thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của điều chỉnh này là tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định. Chính sách tuyển sinh cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.
“Việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống. Lọc ảo và điều chỉnh nguyện vọng là 2 quy trình ở các giai đoạn khác nhau”, Bộ GD&ĐT thông tin./.