Kỳ thi vào lớp 10 bao giờ hết áp lực?
(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, nhiều trường công lập trên địa bàn tỉnh đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Ngoài điểm chuẩn tăng cao, còn có sự chênh lệch điểm chuẩn khá lớn giữa các trường, khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Điểm chuẩn tăng vọt
25,35 điểm là mức điểm chuẩn lần 1 vừa được Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) công bố. Đây là mức điểm chuẩn cao nhất của trường trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi điểm trung bình để trúng tuyển là 8,45 điểm/môn. Đây cũng là mức điểm tiệm cận với điểm chuẩn những trường tốp đầu ở Hà Nội.
Nhận được kết quả điểm chuẩn 25,35 điểm, gia đình anh Lê Văn Quỳnh (TP Vinh) đứng ngồi không yên. Cách đây gần 1 tháng, khi nhận được kết quả thi của con với tổng điểm 25,0 gia đình anh đã vui mừng, vì mức điểm này cao hơn điểm chuẩn năm trước gần 2 điểm và cơ hội trúng tuyển rất cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, điều mong mỏi lớn nhất của gia đình anh đó là trường sẽ... hạ điểm chuẩn!
Anh Quỳnh chia sẻ: Chưa năm nào tôi thấy Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lại căng và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay; và ở mốc nào học sinh và phụ huynh cũng phải cân nhắc rất kỹ càng. Với gia đình chúng tôi, khi đi thi về cháu tự tin làm bài tốt nên gia đình quyết định không thay đổi nguyện vọng. Nhưng sau đó, khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn, gia đình đã thực sự lo lắng bởi điểm thi năm nay rất cao. Chưa kể, số lượng học sinh đi - đến sau khi đổi nguyện vọng của các trường lại không được công bố nên việc tính toán rất khó khăn và chỉ chờ vào may rủi.
Đến thời điểm này, có khoảng 50% các trường công lập trên toàn tỉnh đồng loạt tăng điểm chuẩn so với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học trước. Thậm chí có những trường điểm chuẩn tăng đột biến khiến nhiều học sinh lo lắng. Tại Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên), nếu như năm 2022 điểm chuẩn vào trường chỉ 13,65 điểm thì năm nay tăng lên 19,35 điểm; Trường THPT Diễn Châu 3, điểm chuẩn vừa được công bố là 17,70 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2022; điểm chuẩn Trường THPT Cửa Lò, năm nay là 20,75 điểm, tăng 5,6 điểm; Trường THPT Cửa Lò 2 là 15,75 điểm, tăng hơn 2 điểm; điểm chuẩn vào Trường THPT Đô Lương 1 là 19,70 điểm, tăng 2 điểm so với năm học 2022. Hai trường công lập còn lại của thành phố Vinh là Trường THPT Lê Viết Thuật và Trường THPT Hà Huy Tập điểm chuẩn cũng cao hơn các năm trước gần 3 điểm.
Việc điểm chuẩn tăng so hơn với các năm trước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ ra của đề, chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, năm nay, việc Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi hoàn thành bài thi vào lớp 10 cũng sẽ tác động không nhỏ đến biến động tuyển sinh của các nhà trường. Cụ thể, ở những trường tốp đầu, sẽ có một lượng thí sinh có điểm cao chuyển về và đồng thời cũng sẽ khiến cho một lượng thí sinh không nhỏ có điểm thấp hơn chuyển đi. Vì thế, số lượng thí sinh còn lại để xét tuyển hầu hết đều có mức điểm tương đối và tương đương nhau. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở các trường khác khiến cho tỷ lệ học sinh có điểm cao ở các trường cao hơn các năm trước.
Sau khi thay đổi nguyện vọng, có khá nhiều học sinh ở phổ điểm 26 - 27 ở trường chúng tôi chuyển đi. Tuy nhiên, số thí sinh có điểm từ 23 - 25 chuyển về khá nhiều. Vì vậy, vô hình trung sẽ khiến những học sinh có điểm từ 23 trở xuống trở nên khó khăn. Hiện nay, điểm chuẩn đợt 1 của nhà trường vừa công bố là 22,6. Nếu có khoảng 50 học sinh tiếp tục rút đi sang các trường chuyên thì điểm chuẩn có hạ nhưng không nhiều vì số còn lại, mức điểm từ 22 trở lên rất đông, có khi chỉ chênh lệch nhau vài phẩy là có thể có em đậu, có em trượt.
Áp lực tuyển sinh: Chuyện “khổ lắm, nói mãi”!?
Cũng như mọi năm, trong khi nhiều trường ở vùng trung tâm, điểm chuẩn rất cao thì không ít trường ở các huyện, học sinh chỉ cần vài điểm/môn cũng có thể thi đỗ. Như tại Trường THPT Con Cuông, dù là trường trung tâm của huyện, nhưng năm nay điểm chuẩn vào trường chỉ 11,10 điểm, nghĩa là học sinh chỉ cần 3,7 điểm/môn là có thể thi đậu.
Hay tại huyện Thanh Chương, dù được xem là vùng đất học, nhưng điểm trúng tuyển của các trường cũng không cao, như Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân là 12,35 điểm; Trường THPT Thanh Chương 1 là 16,58 điểm; Trường THPT Đặng Thúc Hứa là 11,85 điểm; Trường THPT Thanh Chương 3 là 11,55 điểm và Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách là 13,85 điểm;...
Qua phân tích phổ điểm của các nhà trường, điểm trúng tuyển thấp, không có nghĩa là chất lượng đầu vào thấp. Điều tác động đến điểm chuẩn, một phần là bởi tỷ lệ trúng tuyển của các trường này khá cao. Như Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương), qua tổng hợp, dù điểm chuẩn của trường chỉ gần 4,7 điểm/môn nhưng thực tế, điểm trung bình môn Toán là 7,29 điểm, môn Ngữ văn là 7,5 điểm và môn Tiếng Anh là 4,7 điểm. Trước đó, nhà trường được duyệt 420 chỉ tiêu nhưng chỉ có 486 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ trúng tuyển gần 87%.
Tương tự, Trường THPT Nghi Lộc 5, điểm trúng tuyển vào trường là 12,40 điểm là bởi nhà trường gần như “vét” hết tất cả thí sinh dự thi vào trường khi năm nay nhà trường có 379 chỉ tiêu nhưng chỉ có 397 thí sinh dự thi, tỷ lệ trúng tuyển trên 95%.
Điều bất cập hiện nay trong việc tuyển sinh lớp 10 ở Nghệ An đó là trong khi nhiều địa phương tỷ lệ trúng tuyển rất cao, thì ở một số địa phương như TX Hoàng Mai, TP Vinh, TX Cửa Lò, tỷ lệ trúng tuyển lại rất thấp, thậm chí ở TP. Vinh, tỷ lệ này nếu không tính số lượng thí sinh đậu vào các trường chuyên chỉ là 50 - 60%. Điều đó, khiến cho cuộc đua vào lớp 10 ở các trường công lập vùng trung tâm luôn “nóng”, điểm chuẩn cao và áp lực tuyển sinh là rất lớn. Từ thực tế này, những năm gần đây, không chỉ điểm tuyển sinh ở TP Vinh và các trường trung tâm cao mà điểm tuyển sinh ở một số trường lân cận thành phố cũng tăng vọt do áp lực học sinh ở thành phố chuyển về các huyện ven đô.
Tại Trường THPT Nghi Lộc 3, trong danh sách trúng tuyển vào trường năm nay, chiếm một số lượng không nhỏ học sinh trúng tuyển vào trường là học sinh đến từ các trường ở TP Vinh như Trường THCS Hưng Dũng, Nghi Phong, Nghi Đức, Hưng Lộc, Vinh Tân, Hưng Bình, Trường PT Thực hành Sư phạm Vinh. Điều này, dẫn đến điểm chuẩn của trường lên đến 17,35, cao hơn 5 điểm so với năm học trước.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên). Một lãnh đạo ở trường này cho biết: Việc thí sinh ở thành phố về đăng ký dự thi và trúng tuyển ở các trường huyện có thể đẩy chất lượng tuyển sinh ở các trường huyện lên. Tuy nhiên, lại dẫn đến một mặt trái khác là học sinh trên địa bàn huyện (điều kiện học tập khó khăn hơn) lại không có cơ hội trúng tuyển và các em buộc phải đi học ở các trường ngoài công lập, các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Về phía nhà trường cũng không thể yên tâm bởi trong số học sinh thành phố về huyện học, hàng năm số học sinh chuyển trường cũng rất nhiều, khiến nhà trường không đủ học sinh.
Áp lực tuyển sinh ở thành phố Vinh và một số trường trung tâm là điều không chỉ ngày một, ngày hai mà đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm nay, ngoài áp lực về chỉ tiêu thì việc điểm chuẩn cao đột biến cũng dẫn đến nhiều áp lực khác. Hơn thế, không chỉ áp lực cho thí sinh dự thi năm nay mà còn có thể cho các lứa học sinh khác sau này. Nhiều phụ huynh có con thi năm tới, trước việc điểm chuẩn tăng cao đã cấp tốc cho các con đi học thêm, tăng cường học Tiếng Anh để lấy chứng chỉ nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Trước đó, để giúp học sinh có một mùa hè ý nghĩa, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè. Mặc dù vậy, trên thực tế trước áp lực quá lớn của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh cuối cấp ở TP Vinh và nhiều địa phương khác đã lao vào ôn thi, chạy đua với thời gian.
Câu hỏi, kỳ thi vào lớp 10 bao giờ hết áp lực cho đến nay vẫn chưa có lời giải!