Ký ức tháng Tư chiến thắng của những cựu binh

Thái Hiền 25/04/2018 10:11

(Baonghean.vn) - Ký ức những ngày xông pha trận mạc, từng vào sinh ra tử và may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc đất nước thống nhất, non sông thu về một mối... vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm những người lính già.

1. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Trần Thanh Vân khối 1B, thị trấn Anh Sơn lại bồi hồi xúc động.

Ông Vân chia sẻ: Khi vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào ngày 1/5/1972. Đến tháng 10/1972, ông tham gia chiến đấu tại đoàn pháo binh Bến Hải, Lữ đoàn 164, khi đó ông được phân công làm công tác phục vụ chiến đấu.

Ngày giải phóng Sài Gòn cách đây 41 năm được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt 30 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, thu non sông về một mối. Ảnh tư liệu
Ngày giải phóng Sài Gòn cách đây 43 năm được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt 30 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, thu non sông về một mối. Ảnh tư liệu

Ngày 5/4/1975, lữ đoàn của ông nhận được lệnh thần tốc tiến quân dọc theo Duyên hải miền Trung đưa đội hình hành quân chiến đấu vào phía Đông Nam Sài Gòn. Với quyết tâm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng 5 giờ 30 phút, ngày 14/4/1975, lữ đoàn của ông bắt đầu tấn công dồn dập vào tuyến phòng thủ Phan Rang của địch.

Trên tất cả các mũi, các hướng tinh thần chiến đấu diễn ra quyết liệt, suốt ngày đêm. Đến ngày 16/4/1975, ông cùng các đồng đội tiến đánh và giải phóng các thị xã, thị trấn dọc theo trục Quốc lộ 1 rồi lần lượt giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy. Từ đó, tập trung lực lượng cho trận quyết chiến cuối cùng, mở đường cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Trần Thanh Vân bồi hồi kể lại trận đánh của đơn vị năm xưa. Ảnh Thái Hiền
Ông Trần Thanh Vân bồi hồi kể lại trận đánh của đơn vị năm xưa. Ảnh Thái Hiền

Sau gần 10 năm cống hiến trong quân đội, năm 1981, ông xuất ngũ. Trở về địa phương, ông tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương, trải qua nhiều công việc như bí thư chi bộ, xóm trưởng và thường vụ hội CCB thị trấn...

2. “43 năm về trước, không khí sục sôi, dồn dập khắp các chiến trường miền Nam, tiếng bom đạn xa dần theo vĩ tuyến 17 với bước tiến của quân ta, tin chiến thắng báo về từ nhiều nơi qua chiếc radio nhỏ, niềm tin thống nhất, Nam - Bắc một nhà càng làm cho chúng tôi rạo rực và vững tâm hơn...”, đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông Nguyễn Công Hoàn thôn 8, xã Phúc Sơn mỗi dịp tháng Tư về.

Ông Nguyễn Công Anh bên những kỷ vật một thời. Ảnh Thái Hiền
Ông Nguyễn Công Hoàn bên những kỷ vật một thời. Ảnh: Thái Hiền

Trong tâm trí của CCB Nguyễn Công Hoàn, những kỷ niệm về không khí quyết tâm giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh như vẫn còn vẹn nguyên. CCB Nguyễn Công Hoàn nhớ lại: Khi tham gia chiến đấu ở sư đoàn 325, Quân đoàn 2, ông được phân công làm đại đội trưởng. Vào 7 giờ ngày 26/4/1975, sư đoàn của ông và các sư đoàn khác trong Quân đoàn 2 bắt đầu tấn công trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn.

Chiều ngày 26/4, tất cả mục tiêu của địch ở phía vòng ngoài để bảo vệ nội đô Sài Gòn ở hướng Đông Nam đều bị Quân đoàn 2 tiêu diệt. Sau khi chiếm được khu vực Nhơn Trạch, sáng sớm ngày 29/4, theo đúng kế hoạch đã định, pháo 130mm của sư đoàn ông đã nã liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khống chế sân bay, không cho quân địch chạy thoát. Lúc này, sân bay Tân Sơn Nhất chìm trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng và máy bay của địch bị phá hỏng. Tiếng pháo của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gầm vang khắp nội đô Sài Gòn, khiến quân địch khiếp đảm.

Trong ngày 30/4/1975, Sư đoàn 325 của ông có nhiệm vụ vượt phà Cát Lái đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Sài Gòn, Nhà Bè. Ông kể: Khi chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc.

3. CCB Nguyễn Công Anh thôn 12 xã Phúc Sơn hiện còn lưu giữ như những tấm hình đã phai màu, chiếc khăn quàng, bi đông, chiếc võng... những kỷ vật một thời đạn bom.

Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu Internet
Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. Ảnh Internet

Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, ông Nguyễn Công Anh có mặt trong đội hình của cánh quân phía Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn và tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Với ông, đại thắng mùa Xuân 1975 và giây phút lá cờ Tổ quốc bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức. "Những năm tháng ấy trong trái tim của mỗi chúng tôi chỉ có tinh thần quyết chiến và tinh thần đồng đội, trung thành với đất nước” - ông bồi hồi nhớ lại.

Sau thời gian tham gia quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Công Anh đã vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền với 30 năm cống hiến cho địa phương. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tâm, tận lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Mới nhất
x
Ký ức tháng Tư chiến thắng của những cựu binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO