Kỳ vọng gửi về từ miền Tây
(Baonghean) - Trên mảnh đất phên dậu miền Tây Nghệ An, cộng đồng các dân tộc anh em đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng. Trước sự kiện quan trọng của Đảng ta, đất nước ta, đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An đã dành sự quan tâm, đóng góp với Đại hội bằng cả niềm tin và kỳ vọng về một chu kỳ phát triển mạnh mẽ mới của quê hương, đất nước.
Những chuyển động từ miền Tây
Dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Trong những chuyển động chung của đất nước, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Nghệ An nói chung, đặc biệt là khu vực miền Tây Nghệ An nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, củng cố được lòng tin của đồng bào miền núi đối với Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo doanh nghiệp và huyện Nghĩa Đàn khảo sát, trao đổi về hiệu quả dự án sản xuất trên địa bàn. Ảnh Hữu Nghĩa. |
Đơn cử như tại huyện vùng cao Quế Phong, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%, chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế và đời sống của nhân dân. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 33%.
Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Đây là tiền đề quan trọng để Quế Phong tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Qua đó, hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020 đặt ra là đến năm 2020 đưa Quế Phong thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao”.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hình thành và phát triển, xây dựng được thương hiệu sữa, rau, củ, quả sạch có uy tín trong nước; dự án đường miền Tây Nghệ An nối các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn mở ra tiềm năng phát triển cho một khu vực dân cư rộng lớn vốn bị chia cách bởi địa hình đồi núi phức tạp;…
Anh Tống Văn Chiến. làng Bãi Sở, Tam Quang, Tương Dương đang chăm cho vườn cây thănh long hơn 300 gốc của mình. Ảnh Hồ Phương. |
Những hướng đi đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập đã khơi dậy tiềm năng của miền Tây Nghệ An, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực miền Tây chỉ còn hơn 16% (theo chuẩn cũ).
Đồng chí Vi Hải Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện vùng biên Kỳ Sơn khẳng định: “Với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn có sự quan tâm rất đặc biệt. Chương trình 135, 30a;… với sự đầu tư nguồn lực rất lớn đã mang lại thay đổi căn bản về hạ tầng miền Tây; mang lại sinh kế để nâng cao đời sống nhân dân”.
Gửi gắm niềm tin vào Đại hội Đảng
Vùng dân tộc và miền núi của Nghệ có địa bàn rộng lớn trải dài trên ¾ diện tích của tỉnh. Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư khá lớn, song do xuất phát điểm thấp; địa hình chia cắt, hiểm trở nên điều kiện phục vụ kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, nhất là về giao thông.
Chất lượng dân số và nguồn nhân lực chưa cao, ở khía cạnh nào đó, tập quán lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt chậm được xóa bỏ; còn tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An xác định xây dựng tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 và trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên nhiều lĩnh vực.
Mô hình chăn nuôi bò hiệu quả của gia đình anh Lầu Bá Sành bản Trường Sơn, Nậm Cắn, Kỳ Sơn. Ảnh Hồ Phương. |
Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng đặt ra đến năm 2020 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc. Muốn vậy, tỉnh Nghệ An phải tạo được đột phá trong phát triển, trong đó có công tác giảm nghèo cho giai đoạn 2016 -2020 phải đạt mỗi năm khoảng 2 -3%, vùng miền núi khoảng 3 - 4%.
Để đạt được mục tiêu này, đối với khu vực miền Tây Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020. Về phía các đảng bộ cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao khi đồng thuận đề ra những mục tiêu cho đảng bộ trong kỳ đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua rất cụ thể.
Với kỳ Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng sắp diễn, đồng bào miền Tây Nghệ An đang hướng về Đại hội với tâm trạng phấn khởi về những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới, đồng thời mong ngóng về những chủ trương mới cho quá trình phát triển ở các vùng miền của đất nước.
Đồng chí Trần Đình Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Khánh cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng, những định hướng, chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng sẽ được cụ thể hóa bằng các chính sách nhằm nhân rộng mô hình và tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn”.
Phụ nữ xã Tam Đình, Tương Dương vào vụ cấy. Ảnh Hồ Phương. |
Đồng chí Lữ Thị Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông cho biết: “Đồng bào rất mong muốn Đảng tiếp tục có chính sách cụ thể để thực hiện tốt công tác dạy nghề đảm bảo có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có chất lượng trong các trường dạy nghề. Qua đó, bà con có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận các nghề nghiệp mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và phát huy được tiềm năng ở địa phương”.
Tình cảm son sắt của đồng bào miền Tây Nghệ An với Đảng được khẳng định từ những ngày đầu Đảng thành lập và phát huy, giữ vững đến ngày nay, gieo niềm tin và kỳ vọng cho mai sau.
Các dân tộc anh em Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú… cũng như muôn người con đất Việt đang hướng về trái tim của Tổ quốc, nơi chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa, Đảng ta sẽ bước vào kỳ Đại hội lần thứ XII hứa hẹn những thành công rực rỡ, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng lớn của nhân dân./.
Nhật Lệ