Kỳ vọng mới cho Pù Sai Cáng

Con suối Nậm Piệt bao đời vẫn chảy dọc theo các con núi, song song với nó là Quốc lộ 48 chạy qua các bản làng của xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong. Theo ông Lương Văn Hòa, một hộ dân sống lâu năm bên dòng Nậm Piệt thì con suối từ bao đời vẫn hiền hòa chảy, dù mùa mưa lũ cũng chưa khi nào dữ dằn, hung tợn khiến dân bản khiếp sợ như thời điểm mùa mưa năm 2018. Hai vợ chồng ông Lương Văn Hòa ở bản Mường Phú sau bao năm tích cóp cũng xây được ngôi nhà và quán tạp hóa nhỏ ngay bên dòng suối Nậm Piệt. Ai ngờ sau trận lũ cách đây 3 năm gia đình ông lại rơi vào cảnh có đất nhưng không có nhà, phải tá túc ở nhà con rể đối diện nền nhà cũ.

33 hộ dân ở sát bên suối Nậm Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) thuộc diện di dời do nguy cơ sạt lở; Nhà văn hóa cũ của bản Mường Phú bỏ hoang do nằm trong vùng sạt lở. Ảnh: KL
33 hộ dân ở sát bên suối Nậm Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) thuộc diện di dời do nguy cơ sạt lở; Nhà văn hóa cũ của bản Mường Phú bỏ hoang do nằm trong vùng sạt lở. Ảnh: KL

Thời điểm chúng tôi gặp ông Hòa là giữa tháng 4/2021, người đàn ông này chia sẻ ông vẫn còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, song nay chỉ để làm kỷ niệm. Rồi ngậm ngùi cho biết, năm 2018 toàn bộ ngôi nhà và quán tạp hóa cùng bao đồ đạc, của cải của gia đình ông đã trôi theo dòng lũ dữ. Ông Lương Văn Hòa nhớ lại: Mùa mưa năm 2018, lúc đó vào khoảng 8 giờ sáng nước con suối Nậm Piệt có dấu hiệu dâng cao, song trong thâm tâm ông cũng như hàng chục hộ dân sống dọc hai bên bờ suối đâu có ngờ tai họa lại ập đến. Chỉ một lúc sau, nước bỗng dâng lên cuồn cuộn, cuồng nộ cuốn phăng mọi thứ. Buổi sáng hôm ấy, toàn bộ nhà cửa, quán hàng của ông Lương Văn Hòa, một phần lớn nhà của bà Vi Thị Hương, nhà của vợ chồng anh Luân, chị Oanh chỉ trong nháy mắt đã trôi theo dòng nước đục ngầu của con suối Nậm Piệt. May mắn thời điểm đó người trong nhà đã kịp chạy ra ngoài mới không phải bỏ mạng theo dòng nước.

Ông Lương Văn Hòa chia sẻ về cơn bão khiến căn nhà bị sạt lở và ông phải sang ở nhờ nhà con rể phía đối diện. Ảnh: KL
Ông Lương Văn Hòa chia sẻ về cơn bão khiến căn nhà bị sạt lở và ông phải sang ở nhờ nhà con rể phía đối diện. Ảnh: KL

Nói rồi, ông Lương Văn Hòa chỉ tay sang bên kia đường để “giới thiệu” vết tích còn lại của ngôi nhà bao năm gắn bó. Lũ cuốn trôi nhà, vợ chồng ông 3 năm nay đang phải ở nhờ nhà con gái và con rể. Suối Nậm Piệt thời điểm giữa tháng 4/2021 chớm vào mùa nắng nên nước cạn trơ đáy, chỉ còn những dòng nhỏ chảy rả rích. Chỉ tay ra giữa dòng suối, ông Lương Văn Hòa cho biết, xưa móng nhà của ông ở ngoài đó. Dòng Nậm Piệt trước đây vốn nhỏ nhắn, chiều rộng suối tầm vài ba mét. Sau trận lũ năm 2018 nước cuốn trôi nhà cửa, ruộng nương, gây sạt lở hai bên bờ nên đến nay lòng suối đã mở rộng ra hàng chục mét. Căn nhà của ông nay chỉ còn lại vài mảng bê tông nằm chỏng chơ bên bờ suối.

Dấu vết sạt lở, đứt gãy nhà dân dọc suối Nậm Piệt. Ảnh: KL
Dấu vết sạt lở, đứt gãy nhà dân dọc suối Nậm Piệt. Ảnh: KL

Ngay cạnh mấy mảng nền còn sót lại của nhà ông Lương Văn Hòa là nhà của anh Luân, chị Oanh với hiện trạng đổ sập xuống suối khoảng 1/3, phần còn lại là các mảng tường và cửa bằng tôn đóng im ỉm, hoang tàn, rêu mốc. Ông Hòa cho hay, lúc nhà sập và trôi theo dòng nước, vợ chồng anh Luân may mắn thoát chết trong gang tấc: “Hai vợ chồng họ quê ở Diễn Châu lên Thông Thụ sinh sống, làm ăn. Quá sợ hãi trước cảnh lũ quét hôm ấy, cả hai người đã bỏ đi dâu không rõ, từ đó đến nay không thấy họ quay trở lại”, ông Hòa nói.

Ngôi nhà của anh Luân, chị Oanh bị sạt lở nghiêm trọng khiến chủ nhà phải di dời đi nơi khác. Ảnh: KL
Ngôi nhà của anh Luân, chị Oanh bị sạt lở nghiêm trọng khiến chủ nhà phải di dời đi nơi khác. Ảnh: KL

Từ chỗ ở của ông Lương Văn Hòa xuôi theo dòng Nậm Piệt thêm vài trăm mét là nhà của bà Vi Thị Hương cũng bị trôi, thiệt hại nặng nề trong trận lũ năm 2018. Tại nơi ở của gia đình bà Hương, dù các con của bà nay đã gia cố phía trước mặt ngôi nhà, nhưng phía sau nhà vẫn trong tình trạng đổ nát, tường nhà kê vắt vẻo trên bờ suối chông chênh, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên (giữa) chia sẻ về tình hình sạt lở. Ảnh: KL
Trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên (giữa) chia sẻ về tình hình sạt lở. Ảnh: KL

Trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên cho biết, bản có 237 hộ với hơn 1000 nhân khẩu thì có 21 hộ nằm trong vùng nguy cơ đe dọa sạt lở nghiêm trọng cần phải di dời gấp, trong đó có 5 hộ đã bị trôi nhà cửa, hiện đang phải ở nhờ nhà người thân, hoặc tìm nơi ở tạm dọc suối ở địa bàn bản Lốc. Mà những nơi ở tạm đó vẫn là vị trí tiềm ẩn nguy hiểm khi mùa lũ về.

Đứng ở góc sau của ngôi nhà, vợ của anh Lương Văn Nguyên là Lô Thị Hiền cho hay, ngôi nhà của gia đình chị cũng có nguy cơ đe dọa sạt lở, bởi thời điểm nước lũ dâng cao cũng đã ngập đến mép sân. Đứng từ sân sau nhà trưởng bản có thể nhìn rất rõ nhà văn hóa cũ của bản Mường Phú đã cửa đóng then cài, rêu mốc, đổ nát. Trước mặt của nhà văn hóa là cây cầu bê tông chỉ còn lại một nửa đứng trơ trọi. Anh Lương Văn Nguyên cho biết, chính nước lũ năm 2018 đã cuốn phăng nửa cây cầu và toàn bộ đường đi cũng như sân nhà văn hóa. Thời điểm đó, sau khi nước lũ rút, dân làng đã tập trung nhặt từng hòn đá, xúc từng xe đất đồi xung quanh để đắp sân, đắp đường vào nhà văn hóa. Song sau khi sửa xong thì tình trạng sạt lở lại vẫn diễn ra, buộc chính quyền và bà con nhân dân phải tìm nơi mới và xây nhà văn hóa khác. Nhà văn hóa cũ đành phải bỏ hoang đã 3 năm nay.

Ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết, dấu tích của lũ dữ vẫn còn hiện diện đến hôm nay, không chỉ trong hiện trạng đổ nát, hư hỏng của các ngôi nhà, mà còn trong ký ức của nhiều người dân hai bản Mường Piệt, Mường Phú. Đến nay, nhiều người dù đã cất lại nhà mới trên nền nhà cũ bị lũ cuốn trôi trước đây, nhưng rồi có gia đình đành bỏ đi nơi khác sống do nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa xuống. “Khi người dân không thể an cư thì không thể yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, khiến đời sống bị ảnh hưởng. Đối với chính quyền xã Thông Thụ, đã ba năm nay mỗi lúc có mưa to gió lớn là chính quyền lại cắt cử người túc trực ở những nơi xung yếu để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo người dân, hạn chế tối đa các thiệt hại. Cũng chừng đó thời gian, 33 hộ dân trong diện nguy cơ sạt lở ở Mường Phú, Mường Piệt vẫn trông chờ một nơi ở mới an toàn” – ông Huân nhấn mạnh.

Cũng vì vấn đề này, hàng năm thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu quốc hội, cử tri xã Thông Thụ, huyện Quế Phong đã nhiều lần kiến nghị về việc cần di dời 33 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Lần gần đây nhất, thông qua kỳ họp HĐND tỉnh cử tri xã Thông Thụ đã “đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện tiến hành di dời 33 hộ dân sống trong vùng sạt lở tại bản Mường Phú, Mường Piệt. Vấn đề này đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt dự án di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét từ tháng 7/2019 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, nguy hiểm đến tính mạng của người dân sống nơi đây”.

Theo lời Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, sự mong mỏi của người dân Mường Phú, Mường Piệt đến nay đã có “tín hiệu vui”.

Hồi đáp ý kiến của cử tri, UBND tỉnh có văn bản trả lời: Dự án di dời 33 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nguy hiểm xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã được UBND huyện Quế Phong thực hiện lựa chọn nhà thầu và phê duyệt kết quả trúng thầu theo đúng quy định. Hiện tại dự án đang tổ chức thi công và thực hiện các bước tiếp theo quy định. Năm 2021, UBND tỉnh đã bố trí 4,485 tỷ đồng tại Quyết định số 4699/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2021 (nguồn ngân sách địa phương) để tiếp tục thực hiện dự án.

Theo bà Vi Thị Duyến – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong, ngày 3/12/2020 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4382/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Di dời 33 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nguy hiểm tại xã Thông Thụ. Tiếp đó UBND tỉnh ban hành quyết định số 5157/QĐ-UBND ngày 13/12/2020 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình di dời 33 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nguy hiểm tại xã Thông Thụ. Thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Quế Phong đã ban hành Quyết định 847/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 về chi phí xây dựng, thiết bị và hạng mục công trình thuộc dự án di dời 33 hộ dân nói trên.

Hạ tầng khu tái định cư cho 33 hộ dân ở vùng Mường Phú, Mường Piệt.
Hạ tầng khu tái định cư cho 33 hộ dân ở vùng Mường Phú, Mường Piệt.

Và cuối năm 2020, nhà thầu thi công đã tiến hành động thổ để sửa chữa, nâng cấp khu tái định cư Pù Sai Cáng để đón 33 hộ dân di dời đến nơi này. Khu tái định cư Pù Sai Cáng thuộc địa phận bản Lốc, trước đây được xây dựng để phục vụ tái định cư các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch xây dựng Thủy điện Hủa Na. Tuy nhiên, từ năm 2011 sau khi thi công xong người dân không đến ở. Theo chính quyền và người dân ở đây, lý do họ không đến tái định cư ở Pù Sai Cáng bởi địa thế cao, người dân lo thiếu nước, không thuận tiện cho sinh hoạt. Vì vậy, cả chục năm nay khu tái định cư này bị bỏ hoang. Các công trình công cộng gồm trường học, sân bãi đều xuống cấp trầm trọng.

Chúng tôi đến khu tái định cư Pù Sai Cáng, hai dãy nhà kiên cố mái ngói đã nứt vỡ, cửa, nền gạch đều bong tróc, ẩm mốc. Ngay cạnh lối vào khu tái định cư này còn có một ngôi nhà bỏ hoang cửa đóng then cài. Đó là nhà của bà Lô Thị Niên. Bà Niên là hộ duy nhất di dời đến ở khu tái định cư này, song chỉ được một thời gian thì bỏ đi nơi khác do thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt, thêm vào đó là sự lẻ loi khi chỉ có một mình.

Tuy nhiên theo lời Chủ tịch UBND xã Thông Thụ Lương Văn Huân thì sắp tới khu tái định cư Pù Sai Cáng sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con. Theo dự kiến tiến độ thi công sửa chữa và làm mới khu tái định cư này, trong vòng 24 tháng nữa người dân Mường Phú, Mường Piệt sẽ không còn phải sống thắc thỏm mỗi khi mưa lũ đến.

Khu tái định cư thủy điện Hủa Na ở bản Lốc được chọn là địa điểm tái định cư cho 33 hộ dân thuộc diện di dời sạt lở. Ảnh: KL
Khu tái định cư thủy điện Hủa Na ở bản Lốc được chọn là địa điểm tái định cư cho 33 hộ dân thuộc diện di dời sạt lở. Ảnh: KL

Theo kế hoạch, các hạng mục sửa chữa, cải tạo ở khu tái định cư Pù Sai Cáng gồm: Hệ thống cấp điện chiếu sáng, khu nhà học mầm non và nhà tiểu học, nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Các hạng mục xây mới gồm cổng, hàng rào, mương thoát nước nội bộ, sân bê tông, bó vỉa, bồn cây, hố ga thu nước, hàng rào. Xây mới khu công trình công cộng gồm 4 bể nước, 2 nhà tắm công cộng, 2 nhà vệ sinh công cộng, mương thoát nước và nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó độ cao đất nền cũng sẽ được hạ xuống cho phù hợp với phong tục, tập quán của người Thái.

Trao đổi với chúng tôi, trưởng bản Mường Phú Lương Văn Nguyên bày tỏ: Thành thực mà nói sống dọc hai bên đường thì thuận lợi hơn nhiều, nhưng vì sự an toàn, bà con đều vui vẻ mà đi thôi, sắp tới khi khu tái định cư mới được sửa chữa, 33 hộ thuộc diện nguy cơ sạt lở sẽ không còn phải mất ngủ khi mưa bão về nữa. Hy vọng tại nơi ở mới bà con sẽ không phải lo lắng về vấn đề nước sinh hoạt, yên tâm xây dựng cuộc sống mới.