Lạch Thơi, sông Mơ bồi lắng: Người dân khốn khó
(Baonghean) - Lạch Thơi là nơi neo đậu, tránh trú bão cho trên 300 tàu thuyền của ngư dân xã Sơn Hải vùng lân cận của huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, cửa biển này đang bị cát bồi lấp gây cạn luồng lạch khiến tàu thuyền vào ra gặp nhiều khó khăn. Đối với hệ thống sông Mơ chảy qua các xã An Hòa, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng… cũng bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc tiêu úng ở khu dân cư và cánh đồng muối.
Ngư dân vất vả vì Lạch Thơi…
Anh Bá Linh - ngư dân xóm 1 xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu cho biết: “Đầu năm 2013 gia đình tôi đóng được con tàu 400 CV, trị giá 1,7 tỷ đồng để đi khơi nhưng đã bị mắc cạn 2 lần ở Lạch Thơi do cửa lạch bị bồi lắng. Mỗi lần tàu mắc cạn thì khốn khổ vô cùng, phải thuê thuyền nhỏ để “tăng bo” chở hải sản vào bờ; mất thời gian 2-3 ngày để thuê tàu và nhân lực kéo vào bờ”. Ông Nguyễn Hòa ở xóm 1, xã Sơn Hải than thở: “Để tránh đoạn lạch bị cát bồi, chúng tôi phải cho tàu chạy đường vòng xa hơn 6 km mới vào được bến. Nếu đi đúng đường như trước đây thì từ cửa biển Lạch Thơi vào bến, với tàu 400 mã lực mỗi lần vào ra chỉ tốn khoảng hơn 20 lít dầu, nhưng nay đi xa hơn mỗi lần vào ra tốn hơn 80 lít dầu. Vì vậy, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi bây giờ thường phải tăng thêm hàng triệu đồng, nếu không may mắc cạn thì chi phí hàng chục triệu đồng. Dự án nạo vét Lạch Thơi đã khởi công, chúng tôi rất mong đơn vị thi công triển khai nạo vét sớm để ngư dân thuận lợi vào ra cửa lạch”.
Triều cường tràn qua sông Mơ phá đồng muối ở An Hòa - Quỳnh Lưu. |
Theo những ngư dân ở Sơn Hải thì cát mỗi ngày bồi ở Lạch Thơi thêm dày hơn, luồng lạch ngày càng hẹp lại, riêng trong năm nay đã có hàng chục tàu thuyền của ngư dân Sơn Hải bị gãy ky, gãy trục và chân vịt do luồng lạch quá cạn, phải nằm lại các “ga ra” để sửa chữa, tốn kém hàng chục triệu đồng và mất thời gian, “thiệt đơn, thiệt kép”. Anh Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, toàn xã có gần 300 tàu thuyền lớn nhỏ, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 3000 tấn hải sản các loại, doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu nhập từ ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề biển như cung cấp ngư lưới cụ, chế biến hải sản, sửa chữa đóng mới tàu, vật tư nghề biển… đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Lâu nay Lạch Thơi bị bồi lắng không chỉ gây khó khăn trực tiếp cho hàng trăm tàu thuyền đi biển, mà còn ảnh hưởng tới các dịch vụ nghề biển khác. Tín hiệu đáng mừng là mới đây Nhà nước đã cho phép đầu tư dự án nạo vét Lạch Thơi, công trình đã được khởi công, tuy nhiên điều lo lắng nhất là cửa Lạch Thơi dòng chảy thường thay đổi trong năm, liệu khi nạo vét xong có đảm bảo thông được luồng lạch lâu dài.
Ông Lê Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Dự án nạo vét Lạch Thơi có tổng mức đầu tư 115.386 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư. Dự án đã được khởi công, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên mới bố trí được 4.600 triệu đồng từ ngân sách Trung ương của Chương trình neo đậu tránh trú bão, vì vậy khối lượng thi công đạt thấp, tiến độ chậm. Tới đây, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ chương trình neo đậu tránh trú bão năm 2014, UBND huyện Quỳnh Lưu sẽ lựa chọn những hạng mục cấp bách như nạo vét các điểm ách yếu ở cửa biển Lạch Thơi để tàu thuyền thông luồng và kè các điểm dễ thay đổi dòng chảy.
… Diêm dân thêm khổ do Sông Mơ bồi lắng
Sông Mơ có vai trò phục vụ nguồn nước để nuôi trồng thủy sản, nghề làm muối… cho các xã An Hòa, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa… Lâu nay, lòng sông đã bị bồi lắng nghiêm trọng, thuyền bè không thể lưu thông như trước đây, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhiều xã. Chúng tôi đi dọc sông chứng kiến, bờ đê nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị sạt lở. Ông Nguyễn Nam ở xóm Tân Thịnh chia sẻ: Sông Mơ bồi lắng nên việc cung ứng nguồn nước để diêm dân làm muối rất khó khăn. Chưa kể là hệ thống đê bao yếu (chủ yếu đê đất, lâu nay chưa được gia cố tu bổ) nên khi vào mùa mưa triều cường thường dâng nước tràn vào cánh đồng muối. Trong năm 2013 nước đã tràn vào phá hủy cánh đồng muối, hư hỏng lọc chạt, ô nại.
Cùng với việc bị bồi lắng, dòng sông đang bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiến đến sản xuất muối và nuôi tôm. Riêng xóm Tân Thắng có 26 ha muối nhưng do thiếu nước nên năng suất thấp; hơn 14 ha nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ dịch bệnh lây lan. Tôm vụ 2 năm 2013 hầu hết trên các ao nuôi đều bị chết tôm giống, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Được biết, toàn xã An Hòa có 160 ha đất sản xuất muối, 34 ha nuôi tôm chủ yếu dựa vào nguồn nước sông Mơ, nhưng dòng sông bồi lắng khiến sản xuất ảnh hưởng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa, do đê thấp, sạt lở nước triều cường tràn vào gây thiệt hại cho đồng muối, trong năm 2013 xã An Hòa có trên 220 kho muối bị ngập, hư hỏng trên 700 tấn muối, xã Quỳnh Thuận bị hư hỏng trên 600 tấn muối.
Dòng sông Mơ bị bồi lắng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân nuôi tôm ở xã Quỳnh Lương. Anh Ngô Quang Thắng ở xóm 1, Quỳnh Lương bức xúc: “Gia đình tôi nuôi 2,6 ha tôm nhưng rất khó lấy vào ao do sông bị bồi lắng. Đặc biệt có nhiều hộ dân nạo vét ao nuôi tôm còn xả bùn ra dòng sông và lấn chiếm lòng sông để làm nhà nên gây thêm cản trở, ách tắc. Xã Quỳnh Lương có trên 50 ha nuôi tôm, Quỳnh Bảng trên 100 ha nuôi tôm, bà con đang rất cần Nhà nước đầu tư dự án để nạo vét sông, tạo thuận lợi cho việc lấy nước nuôi tôm.
Sông Mơ bắt nguồn từ sông Hoàng Mai dài trên 20 km, điểm cuối là xã Quỳnh Nghĩa, đến thời điểm này mới kè được 3,5 km từ Quỳnh Dị đi Mai Hùng. Từ năm 2007 UBND huyện Quỳnh Lưu đã lập dự án nạo vét sông Mơ trên 46 tỷ đồng, tuy nhiên do cắt giảm đầu tư công nên đến thời điểm này vẫn chưa được Nhà nước đầu tư.
2 dự án nạo vét Lạch Thơi và sông Mơ là rất thiết thực, bà con Quỳnh Lưu đang rất mong chờ được Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn vốn kịp thời để thực hiện nạo vét, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.
Văn Trường