Xã hội

Lại nhức nhối lừa đảo xuất khẩu lao động

Thanh Nga 03/08/2024 14:50

Thời gian qua, các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhức nhối trở lại trong xã hội. Dù lực lượng chức năng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Vụ lừa đảo XKLĐ mới đây nhất xảy ra trên địa bàn xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc do đối tượng Trần Thị Thuỷ cầm đầu, nạn nhân là ông Nguyễn Văn Chương, bà Nguyễn Thị Lương và anh Nguyễn Như Hóa, đều là họ hàng thân thích. Số tiền mà họ bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Xuất phát từ nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, các nạn nhân đã lên mạng tìm hiểu về các đơn vị môi giới XKLĐ và thấy 1 công ty môi giới do Trần Thị Thuỷ (quê ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên) làm giám đốc, có nhiều hình thức giới thiệu, quảng cáo dịch vụ rất hấp dẫn. Nào là đưa người đi nhanh chóng, tỷ lệ thành công lên tới 100%; nào là phí môi giới và xuất cảnh thấp nhưng lại có được công việc nhẹ nhàng như thợ sơn, thợ xây, thợ hàn ở các nước như Anh, Đức, Australia... mà mức lương lên tới 60 - 100 triệu đồng/người/tháng...

Đối tượng Trần Thị Thủy tại cơ quan Công an. Ảnh CANA cung cấp
Đối tượng Trần Thị Thủy tại cơ quan Công an. Ảnh: CANA cung cấp

Cũng vì tin lời giới thiệu, quảng cáo dịch vụ ấy, mà các nạn nhân kể trên còn giới thiệu người thân trong gia đình, họ hàng liên hệ công ty của Trần Thị Thủy để tìm việc. Điển hình như anh Nguyễn Như Hóa ở xã Nghi Hoa, đã giới thiệu 12 người là chị, em ruột, con cô, con cậu trong gia đình mình cho Thủy và bị lừa tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng.

Các dấu hiệu lừa đảo XKLĐ cũng tiềm ẩn trong nhiều câu chuyện của những người trong cuộc. Cách đây chưa lâu, đầu tháng 7/2024, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Minh trú tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu cho biết: Chị đã đóng 50 triệu đồng là lệ phí để con đi Đài Loan cho một người môi giới tự xưng là thuộc công ty có uy tín ở Hà Nội, nhưng đến nay sau 1 năm vẫn chưa thấy hồi âm. “Điều quan trọng là văn phòng của họ vẫn đóng ở TP. Vinh, nhiều lần tôi tìm đến đã gặp rất nhiều lao động cũng đến đây tìm hiểu, đặt cọc, thế nhưng không hiểu sao đến bây giờ con chúng tôi và nhiều người khác vẫn chưa đi được” - chị Minh lo lắng bày tỏ.

Đối tượng Trần Quốc Việt. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp
Đối tượng Trần Quốc Việt. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Làn sóng lừa đảo XKLĐ không chỉ rộ lên ở thành phố và các huyện vùng ven mà còn xuất hiện nhiều ở các vùng miền núi. Tháng 6/2024, gia đình bà Đậu Thị Quế ở xóm Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đã phải bán đi tài sản cuối cùng và vay mượn thêm để có số tiền hơn 200 triệu đồng, chuộc con trai sinh năm 1997 bị lừa đưa sang Myanmar làm việc. Cùng đi với con trai bà Quế còn có 3 người ở cùng xóm cũng bị lừa và gia đình đều phải xoay sở chuyển đủ tiền sang thì con họ mới được thả về.

Bà Quế cho hay: Ban đầu, người môi giới cho biết chỉ cần nộp 100 triệu đồng sẽ có cơ hội có việc làm, thu nhập lên tới 40 triệu đồng/tháng, và công việc cũng không nặng nhọc gì. Thế nhưng khi sang đến nơi, con tôi và 3 người trong xóm mới vỡ lẽ là phải làm công việc ngoài trời rất khổ sở nặng nhọc, bị đánh đập, lại không được ăn đủ bữa, nếu muốn về thì người lao động phải nộp tiền chuộc lên tới 200 triệu đồng. “Dù cay đắng vì nợ nần từ lần xuất cảnh chưa trả được, nhưng gia đình đành phải bán vạt keo non gom góp được 160 triệu đồng rồi vay bà con thêm nữa để gửi sang cho cháu được về” - bà Quế cho hay.

Sau khi có đơn trình báo từ các gia đình ở bản Kẻ Móng, Công an huyện Quỳ Châu đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép", bắt giữ đối tượng Trần Quốc Việt (sinh năm 1993), trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Việt khai đã tự thành lập một công ty môi giới trên các nền tảng, từ đó tiếp cận với các lao động và vẽ ra viễn cảnh đi nước ngoài làm việc với mức lương cao ngất ngưởng, từ đó Việt thu hàng tỷ đồng tiền môi giới. Kết quả lao động đi làm việc theo đường dây của Việt đều không chịu nổi cảnh làm việc khổ cực, phải nộp số tiền chuộc rất lớn để về nước.

Cảnh giác với hành vi “treo đầu dê bán thịt chó”

xkld1-1697101227988972744492.jpg
Nhiều trang "web đểu" đưa những thông tin lao động tại sân bay hoặc lao động đang làm việc tại các nước bạn để đánh lừa người dân. Ảnh: Sở LĐTB & XH cung cấp

7 tháng đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương, Công an tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ hàng chục đối tượng phạm tội liên quan tới tội phạm lừa đảo, trong đó nhiều vụ việc liên quan trực tiếp đến lừa đảo XKLĐ.

Lao động tại CT CPTM Phúc Chiến Thắng được test nghề xây dựng
Nhiều trang web lấy hình ảnh của đơn vị được cấp phép để đánh lừa người lao động. Ảnh: CTCPTM Phúc Chiến Thắng cung cấp

Theo báo cáo của đoàn liên ngành gồm Sở LĐ-TB&XH, Sở VH&TT, Công an tỉnh Nghệ An: Hiện tình trạng dán biển quảng cáo sai với chức năng hoạt động, dẫn đến hiểu nhầm cho người lao động đang diễn ra phổ biến. Dù không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng nhiều công ty đã lừa đảo người lao động đặt cọc tiền để sang các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Australia, Đức... làm việc, từ đó chiếm đoạt luôn số tiền này.

Mặt khác, có tình trạng các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã sử dụng các website, như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu. Các website được thiết kế chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường "hot" để lừa đảo người lao động.

Các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này còn sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp visa... nhằm tạo uy tín với người lao động.

Quay trở lại vụ việc bà Nguyễn Thị Minh ở huyện Diễn Châu cùng 5 lao động khác đã cùng lúc đặt cọc 50 triệu đồng/người cho công ty môi giới đóng trên địa bàn Thành phố Vinh. Bà Minh cho biết: Vì tin tưởng có nhiều người đã đi được và công ty cũng có văn phòng, có biển đăng ký kinh doanh các dịch vụ XKLĐ, du học, thế nên chúng tôi mới mạnh dạn nộp tiền. Không ngờ sau này mới biết đơn vị này không có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài!

Theo ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì các công ty núp bóng môi giới XKLĐ nhưng không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài thường thu hút lao động bằng cách trưng ra hồ sơ, hình ảnh của các lao động đã làm việc ở nước ngoài, có cuộc sống sung túc sau khi xuất cảnh, để tạo dựng lòng tin. Sau khi thu được tiền đặt cọc, các công ty này có thể bán hồ sơ cho các đơn vị có chức năng với giá cao. Do đó, người lao động lại mất thêm một khoản phí trung gian, dù trước đó được cam kết chỉ xuất cảnh với giá đã niêm yết. Nếu không tìm được “mối hời”, chúng sẽ trì hoãn người lao động, có nơi chiếm đoạt luôn số tiền cọc của họ. Người dân đã nộp cọc không biết kêu ai trong khi vẫn nhận được lời hứa sẽ xuất cảnh trong vài tháng tới.

Người dân có nhu cầu XKLĐ cần tìm đến địa chỉ các cơ quan, công ty có đầy đủ thẩm quyền, chức năng đã được cấp phép để được hướng dẫn, tư vấn, tránh tình trạng ham rẻ để rồi tiền mất, tật mang”.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH

Mới nhất

x
Lại nhức nhối lừa đảo xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO